(Tổ Quốc) - Việt Nam sẽ tiếp đón UAE trong chiến dịch vòng loại World Cup 2022. Tuy nhiên chúng ta không có gì phải sợ. Thậm chí có nhiều lý do để mơ về chiến thắng.
UAE chưa bao giờ là một ông lớn ở châu Á. Họ chưa từng vô địch. Tuy nhiên, cho đến ngày nay đất nước nằm bên Vịnh Ba Tư vẫn tự hào về chiến tích kỳ vỹ từng làm được: tham dự World Cup 1990.
Thật ra việc một đội bóng châu Á, hoặc vùng Vịnh, đến World Cup không phải cái gì đó lạ lẫm. Nhưng với UAE thì khác. Thời điểm đó họ là một quốc gia non trẻ mới được thành lập 19 năm, và các cầu thủ, vốn được sinh ra trước đó, đều chơi bóng nghiệp dư. Ví dụ như Khalid Ismail, người sau đó đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ ghi bàn đầu tiên cho UAE tại World Cup (vào lưới Tây Đức), nghề chính là một cảnh sát.
Như bất chấp điều đó, cùng với các đối thủ siêu mạnh ở bảng D gồm Tây Đức, Nam Tư cũ và Colombia, UAE tới Italia với tinh thần không sợ hãi. "Mục tiêu của chúng tôi luôn là thắng, cùng lắm là hòa", Khalid nói, "Và Chủ tịch LĐBĐ hứa với bọn tôi, hòa sẽ được ít nhất 50.000 Dirham mỗi người, thắng nhận được 90.000, số tiền rất lớn khi đó". Ngoài ra một doanh nhân còn cam kết sẽ thưởng cho ai ghi bàn đầu tiên chiếc Rolls-Royce đập hộp.
Khalid Ismail cùng các đồng đội UAE ăn mừng bàn thắng vào lưới Tây Đức ở World Cup 1990.
Thế nhưng lực bất tỏng tâm, UAE nhận 3 trận thua tan nát. Có lẽ vì thế mà Khalid cũng chẳng nhận được chiếc Rolls-Royce, dù trên đường trở về luôn tự hỏi chiếc xe sẽ có màu gì.
Sau 29 năm, bóng đá UAE đã phát triển vượt bậc, một phần nhờ vào nguồn tài chính gần như vô tận rót vào. Các ngôi sao nước ngoài lần lượt được đưa về UAE Football League trong khi nhiều HLV danh tiếng như Carlos Alberto Parreira, Valery Lobanovsky, Carlos Queiroz, Roy Hodgson hay hiện tại là Bert van Marwijk thay nhau dẫn dắt ĐTQG.
Song, UAE vẫn chưa trở lại World Cup một lần nữa hoặc đơn giản hơn, trở thành ông lớn ở châu Á.
Nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục, lý do là UAE… quá giàu có.
Trước đây Khalid và đồng đội chỉ toàn nghiệp dư, động lực chơi bóng ngoài niềm tự hào còn là tiền bạc. Bây giờ, các cầu thủ không cần đá chết bỏ để kiếm vài chục Dirham. Mức lương của họ rất cao, cho phép tất cả có một cuộc sống thượng lưu.
Omar Abdulrahman, cậu bé Vàng của bóng đá UAE.
Omar Abdulrahman là một ví dụ điển hình. Được xưng tụng là "Messi Ả Rập" hay "Maradona vùng Vịnh", Omar gây ấn tượng mạnh khi mới 15 tuổi trong màu áo Al Ain ở mùa giải 2008/09 và được cả thế giới say mê với những màn trình diễn siêu việt tại Olympic 2012. Hầu hết các chuyên gia đều thừa nhận rằng anh ta là một thiên tài, vừa có khả năng rê dắt điêu luyện, dứt điểm thần sầu vừa có khả năng chuyền bóng siêu hạng nhờ vào tài phán đoán và tư duy nhạy bén.
Vậy tại sao Omar lại không đến và tỏa sáng ở châu Âu? Thực tế là không ít các đội bóng châu Âu muốn có Omar, từ Man City, Arsenal, Benfica, Hamburg, Valencia đến Espanyol và Basel. Tuy nhiên tất cả đều bị từ chối, bằng cách này hay cách khác.
Hành động này được ngụy trang bởi cái gọi là lòng trung thành. Nhưng thực chất, Omar không có nhu cầu phải ra nước ngoài thi đấu. Tại UAE, anh kiếm được 350.000 Dirham (khoảng 95.000 USD) mỗi tuần sau thuế, đồng thời thường xuyên nhận được các phần thưởng thêm từ các nhà tài trợ. Ví dụ như hồi đoạt giải Cầu thủ xuất sắc nhất Cúp Vùng Vịnh 2013, ngoài tiền, Omar còn mang về nhà chiếc Bugatti Veyron cáu cạnh.
Omar Abdulrahman trong thất bại trước Thái Lan hồi tháng 10.
Chưa hết, các đội bóng mà Omar khoác áo, UAE và Al Ain, đều chiều chuộng hết mức. Họ lấy Omar làm trung tâm, cung cấp bóng nhiều nhất có thể để anh chơi theo ý muốn. Như Matt Monaghan, phóng viên của Sport360, nhận định, "Omar được nuông chiều và trở nên hư hỏng". Tại Gulf Cup 2017, đêm trước trận chung kết, anh ta bỏ ra ngoài uống rượu và hút shisha, sau đó chơi rất tệ, đá hỏng 2 quả phạt đền khiến UAE bại trận.
Việc những cầu thủ lười ra nước ngoài thi đấu (không chỉ Omar, tất cả tuyển thủ còn lại đều đang chơi trong nước) bị cho là kìm hãm sự phát triển của bóng đá UAE. Họ có những nguồn lực tốt dựa trên những Học viện đào tạo trẻ liên kết với các CLB lớn ở châu Âu mọc lên như nấm, song không ai phát triển đến tầm quốc tế bởi thiếu sự trải nghiệm, động lực hay nguồn cảm hứng.
Ở tuổi 28, Omar vẫn là niềm hy vọng của UAE trong chiến dịch săn vé đến World Cup 2022 dù phong độ đã suy giảm (vẫn chưa ghi bàn cho CLB mới Al Jazira cũng như khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 cho UAE). Và chỉ cần vô hiệu hóa anh ta, thông qua việc gây áp lực liên tục, đồng thời phong tỏa nguồn cung cấp bóng giống như Australia ở bán kết Asian Cup 2015 hay mới đây là Thái Lan đã làm, UAE lập tức gặp khó khăn.
Vì vậy, UAE sẽ đến World Cup chứ? E là khó. Và Việt Nam có thể đánh bại UAE không? Câu trả lời là có thể.
THANH ĐÌNH