V.League đang đi trên con đường của Thái Lan để cứu vớt mùa giải 2021

(Tổ Quốc) - Cách đây hơn một năm, Liên đoàn bóng đá Thái Lan đã đưa ra quyết định đầy tranh cãi để "cứu" mùa giải 2020 sau 2 lần liên tiếp bị hoãn vì dịch Covid-19, đó là lùi lịch thi đấu lại khoảng 6 tháng. Đây có lẽ là bài học mà V.League cần nhìn vào để thấy được các vấn đề lợi, hại, cũng như cách tháo gỡ vướng mắc.

Cuộc cách mạng bất ngờ của Thai League

Cuối tháng 2/2020, các giải đấu thuộc hệ thống Thai League buộc phải tạm dừng không thời hạn khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Thái Lan. Những nhà tổ chức và Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) lập tức đưa ra một đề xuất táo bạo, đó là lùi hẳn phần còn lại của mùa giải đến tháng 9/2020, thi đấu kéo dài đến tháng 3/2021.

Thực tế, kế hoạch thay đổi thời gian của giải đấu đã được tính toán từ trước. Tuy nhiên, việc đột ngột lùi lịch của FAT cũng vấp phải vô số những ý kiến trái chiều từ các CLB. Vấn đề được bàn nhiều nhất chắc chắn là tài chính và bản quyền truyền hình.

Nếu đợi đến tháng 9, đồng thời tái mở cửa thị trường chuyển nhượng, các CLB sẽ gặp rất nhiều khó khăn về chuyện tiền bạc cũng như ổn định đội hình. Họ phải "nuôi quân" tập chay từ tháng 3 đến hết tháng 8. Những đội bóng nhỏ hơn lại càng lo lắng khi có thể "chảy máu tài năng" ở kỳ chuyển nhượng được ấn định vào tháng 7. Chưa khi nào họ phải đối mặt với vấn đề này khi mùa giải mới diễn ra được 4 vòng đấu.

V.League đang đi trên con đường của Thái Lan để cứu vớt mùa giải 2021 - Ảnh 1.

Thai League 2020 cán đích thành công với chức vô địch của BG Pathum

Những vấn đề này đều mất rất nhiều thời gian để giải quyết. FAT cũng phải hỗ trợ các đội bóng về mặt tài chính, xin phép FIFA để tái mở cửa thị trường chuyển nhượng. Về phía các nhà tài trợ, kéo dài mùa giải cũng đem đến phiền toái, nhưng rốt cục, mọi chuyện đều được giải quyết ổn thỏa.

Sở dĩ FAT quyết tâm thay đổi là muốn các cầu thủ trong nước được ra nước ngoài, cụ thể là châu Âu nhiều hơn. Lịch thi đấu của Thai League bắt đầu từ tháng 9, trùng thời điểm với mùa giải ở châu Âu, tạo thuận lợi cho các cuộc chuyển nhượng. Bên cạnh đó là kéo dãn mật độ thi đấu cho các CLB dự AFC Champions League, hướng đến nâng cao thành tích. Dù vậy, quyết định này cũng có bất cập nhất định, điển hình là việc ĐTQG và U23 Thái Lan chắc chắn không có lực lượng mạnh nhất tại các giải khu vực như SEA Games hay AFF Cup nếu các CLB không chịu nhả người.

V.League cần mạnh dạn để cứu vớt mùa giải

Việc tìm thời gian để tổ chức các giải quốc nội trong năm 2021 hiện tại là rất khó. VFF và VPF đã có một cuộc họp và đưa ra đề xuất lùi hẳn phần còn lại của mùa giải sang năm 2022, tương tự với những gì Thai League đã làm. Đây có lẽ là phương án khả dĩ nhất nếu các nhà tổ chức vẫn muốn "đặt lợi ích của ĐTQG lên hàng đầu" thay vì các giải VĐQG.

Vấn đề mà VPF phải đối mặt cũng tương tự như những gì Thai League từng trải qua. Hầu hết các đội bóng đều phản đối vì vấn đề tài chính. Họ sẽ phải "nuôi quân" trong 7 tháng sắp tới mà không có bất kỳ trận đấu nào. Nếu muốn có sự đồng thuận về việc lùi lịch thi đấu, có lẽ VFF và VPF phải có chính sách hỗ trợ về tài chính. Đây cũng là đề xuất của nhiều lãnh đạo đội bóng trong thời gian gần đây.

V.League đang đi trên con đường của Thái Lan để cứu vớt mùa giải 2021 - Ảnh 2.

V.League tạm dừng quá lâu, không có kế hoạch cụ thể khiến các CLB hoang mang (Ảnh: Hiếu Lương)

Về lực lượng cầu thủ, nếu kéo dài đến tháng 3/2021, khả năng xảy ra biến động khó lường cũng rất lớn. Nhiều người sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối năm nay, khi ấy họ sẽ được quyền đàm phán với CLB khác. Điều này tác động trực tiếp vào kế hoạch của các đội tại giai đoạn 2 V.League 2020.

Những vướng mắc này không dễ để tháo gỡ. Để có thể đưa mùa giải 2020 cán đích an toàn, VPF, VFF cũng như các CLB cần "tham khảo" cách làm của Thai League, mạnh dạn thay đổi trong ngắn hạn để phục vụ lợi ích chung.

Thời gian dự kiến tổ chức các giải quốc nội nếu lùi sang 2022:

V.League 2021: 12/2 - 12/3/2022

Giải Hạng Nhất Quốc gia 2021: 20/11/2021 - 14/01/2022

Cúp Quốc gia 2021: 17/01/2022 - 18/03/2022.

GG

Tin mới