(Tổ Quốc) - Christine Mboma, nữ VĐV điền kinh vừa giành huy chương bạc nội dung 200m tại Olympic Tokyo 2020 đang phải đối mặt với áp lực rất lớn khi bị bàn tán về những khác thường diễn ra bên trong cơ thể.
Christine Mboma là một trong trường hợp vô cùng đặc biệt tại Olympic Tokyo 2020. VĐV sinh năm 2003 tạo nên bất ngờ rất lớn ở nội dung 200m, cô về thứ nhì với thành tích 21 giây 81 và giành huy chương bạc.
Sau cuộc thi, những tranh cãi về Christine Mboma lại nổ ra. Giới chuyên môn để ý đến việc chỉ trong vòng 2 năm, Mboma đã rút ngắn thành tích tốt nhất từ 25 giây 05 xuống 21 giây 81. Một điều phi thường, và quả thực, Mboma cũng sở hữu những điều "bất thường" bên trong cơ thể. Cô có lượng testosterone - nội tiết tố nam cao gấp ba lần so với người bình thường.
Trước khi Olympic Tokyo diễn ra, Mboma giành quyền tham dự cả nội dung 400m, nhưng Tòa án Thể thao Quốc tế (CAS) đã bác bỏ quyền thi đấu của cô theo một luật có tên là DSD. DSD quy định, các VĐV có thông số phụ của giới tính đối nghịch bất thường sẽ không được dự một số nội dung của môn điền kinh như 400m, 400m vượt rào, 800m, 1.500m và chạy việt giã, trừ khi họ chấp nhận một số can thiệp y tế đặc biệt để giảm chỉ số này.
Mboma không chấp nhận việc bị can thiệp y tế nên đã từ bỏ quyền thi đấu ở nội dung 400m. Sự thành công của cô khiến những tranh cãi về giới tính trong thể thao lại được nhắc đến.
Tại Olympic Rio 2016, VĐV Caster Semenya (Nam Phi) đã bị tước huy chương ở nội dung 800m khi được phát hiện có lượng testosterone cao bất thường. Cô đã miệt mài đệ đơn kiện lên các cơ quan chức năng trong nhiều năm qua nhưng vẫn không có thành quả. Caster Semenya không có mặt ở Olympic Tokyo cũng vì lý do này. VĐV của Nam Phi quyết liệt phản đối những can thiệp về y tế và mong muốn những người như cô được tham dự các cuộc thi theo cách "tự nhiên và con người nhất".
GG