(Tổ Quốc) - Trước năm 1975, trên võ đài võ tự do miền Nam, khoảng cách giữa vinh quang và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Kỳ nhân một thủa của làng võ Quảng Ngãi ắt thấu hiểu nhất.
Trong trí nhớ của một số người lớn tuổi ở Quảng Ngãi, một ngày cuối năm 1970, trên con đường lởm chởm đá hộc dẫn từ Nghĩa Hành về trung tâm thị xã Quảng Ngãi, xuất hiện một hình ảnh như trong các tiểu thuyết kiếm hiệp, với 4 người khiêng một chiếc quan tài màu đỏ. Cứ đến ngả ba, ngả tư đường, họ lại ghé vào quán nước.
"Sắp có trận đấu võ sinh tử rồi", người dân Quảng Ngãi chứng kiến ngày ấy rỉ tai nhau. Người dân Quảng Ngãi ngày ấy cực kỳ đam mê võ thuật, nhìn hình ảnh đấy là biết ngay không phải đám ma, mà là màn "quảng cáo" rùng rợn cho một trận tử chiếc trên võ đài sắp tới. Nó hơn mọi lời rao mời, và là chiêu hút khách nhất cho trận đấu võ đài "kinh thiên động địa" sắp xảy ra.
Về quê hỏi tội "phản đồ"
Quay lại với hơn 7 năm về trước, tháng Ba năm 1963, cả đất Quảng Ngãi từng xôn xao với trận đấu đài khá lạ lùng. Trận đấu ấy là giữa võ sĩ đang "làm mưa làm gió" khắp cả dải miền Trung - Nguyễn Thanh Hồng. Từng là học trò được đánh giá là giỏi nhất của huyền thoại võ thuật miền Nam Kid Dempsey, nhưng võ sĩ này bị coi là "phản đồ" vì phạm lỗi với sư môn.
Từ Sài Gòn trở về Quảng Ngãi, Thanh Hồng "càn lướt" khắp Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế... khiến tất cả các võ sĩ lên đài đấu với mình đều phải gục ngã, không ít người dính phải thương thế trầm trọng.
Thanh Hồng (phải) và Tấn Hồng trong trận tranh hùng năm 1963.
Làng võ miền Trung kháo nhau, Thanh Hồng "có đôi tay và đôi chân bằng thép, đá móc hiểm ác như ngựa", chỉ cần một đòn là lấy đi cả hàm răng của đối phương, nhẹ thì trẹo quai hàm, hộc máu mũi.
Với tiếng tăm lừng lẫy của mình, Thanh Hồng được mời làm vệ sĩ riêng của tỉnh trưởng Quảng Ngãi - Nguyễn Văn Tất.
Đối thủ của Thanh Hồng ở trận đấu ấy, với người dân Quảng Ngãi, cũng như với chính võ sĩ lừng danh này, chỉ là "vô danh tiểu tốt".
Thật ra, Tấn Hồng - tên võ sĩ thách đấu Thanh Hồng ngày ấy, cũng là một võ sĩ người Quảng Ngãi, và cùng chung sư phụ với Thanh Hồng, là Kid Dempsey. Ít ai biết rằng trở về quê sau những năm xa xứ luyện võ ở Sài Gòn cùng thầy Minh Cảnh, Kid Dempsey, võ sĩ này còn mang theo trọng trách lớn mà sư phụ giao cho: Dạy cho "phản đồ" Thanh Hồng một bài học nhớ đời.
Ngày trở về, sư phụ Kid Dempsey cân dặn học trò: "Nếu xuất chiêu kết thúc đối thủ xong, là phải lập tức lủi xuống đài và biến khỏi đất Quảng Ngãi liền, nếu ở lại thì khó mà toàn mạng".
Dân Quảng Ngãi ngày ấy kháo nhau: "Nếu Tấn Hồng đánh thắng, coi chừng lính bảo an sẽ xả súng bắn chết. Còn nếu đánh thua, thì Thanh Hồng càng được dịp ra oai". Điều kiện ngặt nghèo như thế, nhưng Tấn Hồng không sợ.
Sinh năm 1940, ở tuổi ngoại bát tuần, võ sư Tấn Hồng nhớ lại: "Mình thắng không phải giỏi đâu, bởi mình biết người ta, còn người ta không biết mình là ai. Tất nhiên là mình phải thắng thôi".
Ngày lên đài, mẹ ruột ông đu lên hàng rào, quờ áo ông níu lại nói trong nước mắt: "Chạy đi con, coi chừng nó đánh con chết".
Dưới khán đài, người bên phe Tấn Hồng đã "lót ổ" sẵn sàng, để ông có thể tẩu thoát nhanh nhất trong trường hợp đánh thắng.
Ngay từ đầu, trận đánh đã là một màn cận chiến cực kỳ quyết liệt giữa hai võ sĩ "hổ lâm trùng thế". Cùng xuất thân từ một lò võ, lại là lò võ vô địch lúc ấy ở đất Sài Gòn, Tấn Hồng không những có được lợi thế "biết người biết ta", mà còn "dắt lưng" thêm vài độc chiêu mà sư phụ Kid Dempsey rỉ tai ông để đối phố với Thanh Hồng.
Ba cú đòn chân cùng một cú chỏ lật nhằm đúng vào tử huyệt của Tấn Hồng tung ra. Thanh Hồng choáng váng và chịu thua ngay khi hiệp thi đấu đầu tiên còn chưa kết thúc.
Trọng tài tuyên bố Tấn Hồng chiến thắng. Cả rừng người reo hò, mừng Quảng Ngãi có thêm một võ sĩ lừng danh mới. Về phần mình, chưa kịp lau mồ hôi, Tấn Hồng lẩn nhanh vào đám đông, chạy một mạch nhắm thẳng hướng quốc lộ để bắt xe vào Nam, thậm chí còn chẳng kịp ngoái đầu nhìn lại đám đông đang tung hô nồng nhiệt...
"Một mất một còn" tranh ngôi "minh chủ võ lâm"
Bảy năm sau ngày hạ gục Thanh Hồng, võ sư Tấn Hồng mặc nhiên được coi là "võ lâm minh chủ" của Quảng Ngãi, cũng như miền Trung. Trận đấu sinh tử với chiếc quan tài được khiêng đi quảng bá đã nói ở đầu bài, cũng là trận tranh tài kỳ lạ nhất trong đời của võ sư lừng danh này.
Đối thủ của võ sư Tấn Hồng ngày ấy là Huỳnh Tây Đen (tên thật là Đặng Trần Huỳnh). Không chỉ cách nhau đến 10 tuổi (Huỳnh Tây Đen sinh năm 1950), họ còn có khoảng cách lớn về cân nặng và thể hình.
Huỳnh Tây Đen vốn có vóc dáng cực kỳ đồ sộ. Mẹ ông vốn làm nghề giò chả, và mỗi sáng võ sĩ này giã giò bằng hai chiếc chày cực nặng. Hai cánh tay ấy, mỗi cánh tay nhấc 50kg lên nhẹ bỗng.
Huỳnh Tây Đen cực kỳ ham mê võ thuật, từng là học trò ruột của võ sư lừng danh Lâm Võ, cũng như là cao thủ Taekwondo học từ những cao thủ Đại Hàn.
Huỳnh Tây Đen thủ vai chính trong phim Ngọn lửa Krông Dung.
Trận đấu ấy, hai bên trước khi lên đài ký bản cam kết "đánh chết bỏ, không kiện tụng". Chiếc quan tài được khiêng đi dọc từ Nghĩa Hành đến trung tâm thị xã Quảng Ngãi ấy, được đặt ngay trước võ đài được dựng ở sân vận động Diên Hồng. Trận đấu được ấn định diễn ra vào lúc 15g, nhưng từ 12g trưa, cả sân vận động đã đông nghẹt người.
Khác với trận đấu trước giữa Thanh Hồng và Tấn Hồng khi hai đối thủ đều đeo găng giáp đầy đủ, trận đấu này cả Tấn Hồng và Huỳnh Tây Đen đều chỉ mặc độc một chiếc quần đùi và đeo bảo vệ hạ bộ.
Võ sĩ Huỳnh Tây Đen vào trận với những đòn đánh tưởng chừng nuốt chửng Tấn Hồng, với cơ bắp cuồn cuộn, hai bờ vai rộng hình chữ V, thân hình như cột đồng, tung đòn chân sấm sét. Nhưng chỉ sau hiệp đầu tiên, chính võ sĩ này hai lần dính đòn văng ra khỏi dây sàn đài.
Tuy nhiên, những cú phản đòn của Huỳnh Tây Đen với Tấn Hồng cũng khốc liệt chẳng kém. Người dân Quảng Ngãi - vốn cực kỳ yêu thích võ thuật, mãi nhiều chục năm sau đó vẫn xuýt xoa, trầm trồ về trận đấu đài xứng danh "long tranh hổ đấu" giành ngôi "minh chủ võ lâm" miền Trung này.
Hết hiệp thứ hai, các trọng tài đưa ra quyết định tạm dừng trận đấu, bởi tất cả đều nhận định nếu tiếp tục thi đấu sẽ dẫn đến mất đi tinh thần võ đạo khi xác suất dính đòn gây ra tử vong của cả hai đấu thủ là quá cao. Theo đó, các trọng tài tuyên bố trận đấu kết thúc với kết quả hòa.
Bà Đặng Thị Kim Thoa, em gái của lực sĩ kiêm võ sĩ Huỳnh Tây Đen còn giữ cặp tạ của người anh để làm kỷ niệm.
Hơn 40 năm sau trận đấu ấy, bà Đặng Thị Kim Thoa - em gái của võ sĩ Huỳnh Tây Đen, mới tiết lộ chi tiết đáng sợ sau trận đấu sinh tử ấy. Anh trai bà ngày ấy trở về nhà sau trận đấu "long trời lở đất", chưa kịp ăn mừng thì đột nhiên người lạnh đi, hộc ra một vũng máu. Đấy là hậu quả của những đòn đánh hiểm hóc của đối thủ Tấn Hồng. Phải mất vài tháng trị nội thương, Huỳnh Tây Đen mới bình phục. Ngày ấy, nếu trọng tài không cho dừng trận đấu, nhiều khả năng sẽ có người thiệt mạng.
Sau ngày giải phóng, võ sĩ Huỳnh Tây Đen theo nghiệp diễn viên, góp mặt trong nhiều bộ phim của Hãng phim Việt Nam như Cô Nhíp, Bản nhạc người tù, Ngọn lửa Krông Dung... trước khi đột ngột biến mất vào năm 1981.
Còn võ sư Tấn Hồng vẫn theo nghiệp võ. Võ đường Nguyễn Hồng (tên thật của ông) cho ra đời nhiều cao thủ xuất sắc được cả làng võ thuật Việt Nam biết đến như Nguyễn Ninh (Nguyễn Phi Hùng), Ngô Đình Cách (Ngô Hoa), Tạ Quang, Trần Quận, Lê Văn Hùng, Võ Văn Bình, Trần Quốc Việt...
Kim Thiền