(Tổ Quốc) - Nếu vào thời bây giờ, có lẽ cuộc sống của Justin Fashanu sẽ dễ dàng hơn. Nhưng cách đây 30 năm, cầu thủ da màu đầu tiên trị giá triệu bảng đã quá dại dột khi công khai mình đồng tính. Ngay lúc đó, cánh cửa địa ngục đã mở…
Cách đây 30 năm, vào tháng 10/1990, bóng đá Anh rung chuyển bởi sự kiện kinh thiên động địa. Tiền đạo Justin Fashanu xuất hiện trên tờ The Sun và công khai thừa nhận: TÔI LÀ GAY.
Trong mắt người Anh, bóng đá là một trò chơi dành cho các quý ông. Và sân cỏ là nơi họ phô trương sự nam tính. Không khó hiểu khi các ngôi sao gái gú hoặc rượu chè bê tha như George Best, Paul Gascoigne hay Tony Adams thậm chí còn được tôn sùng hơn những cầu thủ sạch sẽ khác.
Vì vậy, thật khó chấp nhận một gã đồng tính lạc vào sân cỏ. Mỗi khi Fashanu xuất hiện trên sân, người hâm mộ sẽ gào lên chế giễu, sau đó quay mông về phía anh theo nghĩa nhạo báng. Các CLB cũng không muốn ký hợp đồng với anh. Mà nếu có, HLV hay đám cầu thủ cũng không muốn có một người đồng tính trong phòng thay đồ.
Trong 7 năm kể từ khi công khai đồng tính đến lúc giải nghệ, Fashanu khoác áo 12 đội bóng khác nhau. Cá biệt, năm 1991 anh di chuyển qua 5 CLB. Từ một tiền đạo đầy triển vọng từng khoác áo Nottingham Forest, đội hay nhất châu Âu vào đầu thập niên 1980 với 2 lần vô địch C1, West Ham và Man City, anh phải lang thang tới đội nghiệp dư ở Anh, tới Scotland, Thụy Điển rồi qua Canada, Mỹ trước khi kết thúc ở một đội nghiệp dư tận… New Zealand.
Khởi nghiệp ở Norwich, Fashanu ra mắt năm 17 tuổi. 1 năm sau, anh tạo nên tuyệt phẩm vào lưới Liverpool và bàn thắng đó được bình chọn là đẹp nhất mùa giải 1979/80. Sau khi ghi 19 bàn ở mùa 1980/81, Fashanu được Nottingham Forest mua về với giá 1 triệu bảng, trở thành cầu thủ da màu đầu tiên giá trị tiền triệu.
Thời điểm ấy đã có những tin đồn về giới tính của Fashanu khi anh thường xuyên lui tới quán bar dành cho người đồng tính. Một lần nọ, HLV huyền thoại Brian Clough vào phòng thay đồ và hỏi cậu học trò: "Nếu thèm bánh mỳ, cậu phải làm gì?".
"Tới tìm thợ làm bánh, tôi nghĩ vậy", anh trả lời. "Vậy nếu muốn một đùi cừu nướng, cậu sẽ đi đâu?", Clough hỏi tiếp. "Tới gặp người bán thịt", Fashanu đáp. "Vậy thì, mẹ kiếp, tại sao cậu không đi tìm cô gái nào đó mà lại rúc vào cái quán bar chết tiệt kia?", vị HLV hét lên đầy giận dữ.
Đến lúc có thể khẳng định khá rõ ràng về giới tính của Fashanu, Clough đã cấm không cho bản hợp đồng đắt giá này tập cùng đội một. Mặc dù vậy, vì không có gì xác thực cả, tiền đạo người Anh gốc Nigeria vẫn có thể chuyển đến những CLB danh tiếng khác. Cho tới khi anh dại dột công khai mình là gay, thảm họa bắt đầu giáng xuống.
Bằng cách nào đó tờ The Sun đã tiếp cận Fashanu và hứa hẹn về một khoản tiền lớn nếu đồng ý nói ra sự thật trên mặt báo. Trước khi tung ra bài báo bom tấn, The Sun cũng dạo trước một vài bài, úp mở về việc một ngôi sao triệu bảng thừa nhận là gay.
Giới cầu thủ, nhất là những người từng chơi cùng, đã sớm đoán ra đó là Fashanu. Và trong phòng thay đồ, một người nói với John, em ruột của Fashanu khi ấy đang là trụ cột Wimbledon, rằng "anh mày là thằng gay". John lao vào ẩu đả vì nghĩ đó là lời xúc phạm.
Mãi đến khi về nhà, tâm sự với anh trai, John mới biết tin đồn là thật. Thật mỉa mai, trong khi John cùng các đồng đội ở Wimbledon tạo thành "Băng đảng điên loạn" đầy nam tính thì ông anh lại là gay.
Để bảo vệ bản thân, gia đình và chính Fashanu, John đã khuyên, thậm chí đe dọa ông anh không nên công khai sự thật. "Anh cần tiền, OK, tôi sẽ cho anh 100.000 bảng chỉ để anh im lặng", John nói.
Fashanu cầm tiền nhưng hôm sau vẫn xuất hiện trên trang nhất của The Sun dưới dòng tít bôi đậm: "Ngôi sao bóng đá trị giá 1 triệu bảng: TÔI LÀ GAY".
Những gì xảy ra tiếp theo, như chúng ta đã biết, là địa ngục trần gian với Fashanu. Năm 1998, 1 năm sau ngày giải nghệ, Fashanu bị cáo buộc tấn công tình dục một thiếu niên 17 tuổi tại Mỹ. Mặc dù Fashanu thanh minh hành động đó nhận được sự đồng thuận, đồng tính luyến ái vẫn bị coi là bất hợp pháp tại tiểu bang Maryland. Anh trốn về Anh trước khi nhận lệnh bắt giữ.
Vài ngày sau, thi thể Fashanu được tìm thấy trong một garage bỏ hoang ở phía đông London. Anh đã tự sát, đồng thời để lại lá thư tuyệt mệnh. Trong đó, Fashanu viết: "Tôi ước mình sẽ là một người con, người anh, người chú và người bạn tốt. Tôi đã cố hết sức nhưng cuộc sống này thực sự quá khắc nghiệt. Tôi không muốn đưa gia đình, bè bạn vào bất hạnh thêm nữa. Tôi hy vọng Chúa sẽ chào đón tôi trở về, và cho tôi sự bình yên".
THANH ĐINH