(Tổ Quốc) - Mặc dù Olympic Tokyo 2020 sẽ được tổ chức không có khán giả, nhưng kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản hoàn toàn có thể đến cổ vũ cho đoàn thể thao Việt Nam xung quanh khu vực thi đấu.
1. Rowing:
Bộ môn rowing sẽ được tổ chức tại khu thể thao Sea Forest Waterway, nằm giữa vịnh Tokyo. Đây cũng là nơi tổ chức bộ môn canoe. Mực nước ở đây luôn được giữ ở con số 6 mét nhờ các con đập. Mỗi khu vực thi đấu dài 2335 mét, rộng 198 mét và chia làm 8 làn, mỗi làn 12,5 mét. Việc Olympic bị hoãn lại 1 năm đã khiến BTC tốn 140 triệu yên (khoảng 29,3 tỉ VNĐ) để loại bỏ loài hào bám trên các phao chắn sóng vào đầu năm nay.
Ngày 23/7 tới, bộ đôi Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo sẽ tham gia vòng loại Đôi nữ hạng nhẹ tại đây. Khu thể thao này có khán đài với sức chứa 14.000 CĐV. Đáng tiếc là Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo đã quyết định không cho khán giả đến theo dõi thi đấu.
Khu thể thao Sea Forest Waterway (Ảnh: Getty Images)
2. Bắn cung:
Công viên Yumenoshima sẽ là nơi tổ chức bộ môn bắn cung. Trường bắn Olympic được xây dựng trong công viên với diện tích 21.500 mét vuông, cho phép chứa 21 làn bắn và 42 bia mục tiêu. Để hỗ trợ cho các VĐV Paralympic, BTC đã cho lắp đặt các lớp phủ chống nhiệt có khả năng giúp cho việc di chuyển bằng xe lăn của các VĐV an toàn và thuận tiện hơn.
Sau khi kết thúc Thế vận hội, trường bắn vẫn sẽ được duy trì để tổ chức các hoạt động phổ biến bộ môn bắn cung. Cũng trong ngày 23/7, 2 VĐV Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ sẽ bước vào vòng loại nội dung Cung dây nữ và nam.
Trường bắn cung Công viên Yumenoshima (Ảnh: Getty Images)
3. Cầu lông:
VĐV Nguyễn Thùy Linh sẽ bước vào vòng bảng Cầu lông đơn nữ vào ngày 24/7 và VĐV Nguyễn Tiến Minh bắt đầu vòng bảng nội dung cho nam 1 ngày sau đó. Bộ môn cầu lông được tổ chức tại nhà thi đấu thuộc tổ hợp thể thao Musashino Forest Sport Plaza.
Nhà thi đấu này có sức chứa 10.000 khán giả. Bên cạnh cầu lông, đây cũng là nơi tổ chức bộ môn đấu kiếm Olympic và bóng rổ xe lăn của Paralympic.
Nhà thi đấu thuộc tổ hợp thể thao Musashino Forest Sport Plaza (Ảnh: Getty Images)
4. Bắn Súng:
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ bắt đầu hành trình bảo vệ tấm HCV 10m súng ngắn nam vào ngày 24/7 tại trường bắn Asaka. Đây là trường bắn của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, nhưng cũng được dùng để tổ chức các giải đấu bắn súng thể thao. Bộ môn bắn súng Olympic Tokyo 1964 cũng đã được tổ chức tại chính tại trường bắn này.
Trường bắn Asaka (Ảnh: Getty Images)
5. Taekwondo:
Bộ môn Taekwondo sẽ được tổ chức tại trung tâm sự kiện Makuhari Messe, đây là một trong những trung tâm sự kiện lớn nhất Nhật Bản và cũng là một trong những địa điểm thi đấu nằm ngoài địa phận Tokyo.
Võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền sẽ tham gia tranh tài hạng cân 49kg nữ tại đây vào ngày 24/7. Theo kế hoạch ban đầu, 4 bộ môn Taekwondo, Karate, vật và đấu kiếm sẽ được tổ chức tại trung tâm triển lãm Tokyo Big Sight - nơi hiện đang là trung tâm báo chí Olympic 2020. Nhưng với chính sách cắt giảm chi phí của BTC, 3 bộ môn Taekwondo, vật và đấu kiếm sẽ dời về Makuhari Messe, còn Karate sẽ được tổ chức tại nhà thi đấu Nippon Budokan.
Trung tâm sự kiện Makuhari Messe (Ảnh: Getty Images)
6. Thể dục dụng cụ:
Trung tâm thể dục dụng cụ Ariake là một nhà thi đấu độc đáo, được ví như "một cái bát khổng lồ trôi giữa vịnh Tokyo". Phần mái của nhà thi đấu được làm từ gỗ tùng Nhật Bản, tường được làm từ gỗ tuyết tùng, nhà tổ chức nói rằng họ muốn truyền tới các VĐV và các khán giả quốc tế "vẻ đẹp giản đơn" và văn hóa gỗ của Nhật Bản.
Sau khi Olympic khép lại, nơi đây sẽ được chuyển đổi thành trung tâm triển lãm, một phần vật liệu gỗ sẽ được tháo gỡ và dùng để xây các trường học. Ngày 24/7, VĐV Lê Thanh Tùng sẽ tham gia vòng loại nội dung Nhảy chống nam và VĐV Đinh Phương Thành sẽ tham gia vòng loại Toàn năng nam.
Trung tâm thể dục dụng cụ Ariake (Ảnh: Getty Image)
7. Boxing:
Tay đấm Nguyễn Văn Đương là niềm hy vọng duy nhất của boxing Việt Nam tại Tokyo 2020. Anh sẽ bước vào vòng loại 57kg nam ngày 24/7 tại nhà thi đấu Kokugikan. Nhà thi đấu này nổi tiếng với việc là nơi tổ chức các giải đấu Sumo hàng đầu Nhật Bản. Với sức chứa hơn 11.000 chỗ, nhà thi đấu này còn có thể tổ chức các sự kiện giải trí, nghệ thuật, ngoài ra còn có một bảo tàng Sumo.
Nhà thi đấu Kokugikan (Ảnh: Getty Images)
8. Judo:
Bộ môn Judo sẽ diễn ra tại nhà thi đấu Nippon Budokan - một trong những nhà thi đấu giàu tính biểu tượng nhất Nhật Bản. Xây dựng từ năm 1964 gần Hoàng cung Tokyo, nơi đây được xem là thánh đường của võ thuật xứ Phù Tang (cái tên Budokan có nghĩa là "võ đạo quán"). Các giải đấu vô địch quốc gia của các môn võ Nhật Bản như Judo, Karate, kiếm đạo,... đều được tổ chức tại đây.
Sức chứa lên đến gần 15.000 khán giả, nhà thi đấu này còn là điểm đến ưa thích của các nghệ sĩ, nhóm nhạc hàng đầu Nhật Bản và thế giới. Những cái tên từng tổ chức sự kiện âm nhạc tại đây gồm có: các nhóm rock Queen, Led Zeppelin, Aerosmith, 2 danh ca Bob Dylan và Frank Sinatra hay nhóm ABBA,...Ngày 25/7, VĐV Judo Nguyễn Thị Thanh Thủy sẽ tham gia vòng 1 hạng cân 52kg nữ ở đây.
Nhà thi đấu Nippon Budokan
9. Cử tạ:
Trung tâm triển lãm Tokyo International Forum sẽ là nơi tổ chức bộ môn cử tạ. Tại đây vào ngày 25 và 27/7, VĐV Thạch Kim Tuấn sẽ thi đấu hạng cân 61kg nam và VĐV Hoàng Thị Duyên sẽ thi đấu ở hạng cân 59kg nữ. Trung tâm bao gồm 8 sảnh, trong đó sảnh lớn nhất có 5.000 chỗ ngồi, rất nhiều sự kiện, triển lãm hàng đầu đã diễn ra tại đây.
Trung tâm triển lãm Tokyo International Forum (Ảnh: Getty Images)
10. Bơi lội:
Trung tâm thể thao dưới nước Tokyo sẽ là sân khấu cho 2 kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên và Nguyễn Huy Hoàng trổ tài. Ánh Viên sẽ bắt đầu nội dung đầu tiên - 200m tự do nữ vào ngày 26/7 và sau đó 1 ngày, tới lượt Huy Hoàng ra quân ở nội dung 800m tự do nam. Trung tâm này nằm trong công viên Tatsumi Seaside, có sức chứa 15.000 khán giả, sẽ giảm còn 5000 khán giả sau khi kết thúc Thế vận hội.
Trung tâm thể thao dưới nước Tokyo (Ảnh: Getty Images, Tokyo Metropolitan Government)
11. Điền kinh:
Đấu trường của bộ môn điền kinh là sân vận động Olympic Tokyo, đây cũng là sân khấu cho lễ khai mạc và bế mạc. Quách Thị Lan sẽ là VĐV thi đấu cuối cùng của đoàn thể thao Việt Nam. Cô sẽ ra quân tại nội dung 400m vượt rào nữ vào ngày 31/7. VĐV quê Thanh Hóa cũng sẽ vinh dự là 1 trong 2 người cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam trong đêm khai mạc, cùng với VĐV bơi Nguyễn Huy Hoàng.
Được xây dựng trên nền SVĐ Olympic cũ để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020, SVĐ Olympic Tokyo hiện tại có kiến trúc pha trộn giữa sự hiện đại và truyền thống Nhật Bản, lấy cảm hứng từ một ngôi chùa. Rất nhiều hạng mục của sân cũng sử dụng vật liệu gỗ tuyết tùng và gỗ thông kết hợp với thép, tổng chi phí xây dựng khoảng 1,4 tỉ USD. Trước khi đi vào sử dụng cho Olympic Tokyo 2020, đây cũng là nơi tổ chức các trận đấu của giải Rugby World Cup 2019.
Sân vận động Olympic Tokyo (Ảnh: Getty Images)
Thành Đạt