Tại sao tuyển thủ LMHT Việt Nam "xuất ngoại" không thành?

(Tổ Quốc) - Đa số tuyển thủ LMHT hàng đầu Việt Nam đều muốn ra nước ngoài thi đấu nhưng đều không vượt qua nổi "vòng gửi xe" tuyển chọn.

Slayder, một trong những xạ thủ xuất sắc nhất lịch sử LMHT Việt Nam nhiều khả năng sẽ quay về Team Flash thi đấu ngay trong tháng 1 này. Dù thông tin chưa được xác nhận nhưng trong bối cảnh hiện tại, nhiều khả năng nó sẽ trở thành hiện thực.

Như vậy một lần nữa, chúng ta lại không thể thấy một nhân tài xuất ngoại thành công. Trước Slayder, Zeros từng nuôi hi vọng đổi đời ở Trung Quốc, Palette lọt vào mắt xanh của Team SoloMid. Như Zeros còn được sang tận gaming house của V5 để thử việc, Palette và Slayder thậm chí còn chẳng vượt qua vòng tuyển chọn đầu tiên.

Tại sao tuyển thủ LMHT Việt Nam

Thêm một nhân tài của Việt Nam vỡ mộng

Dù gì nguyên nhân cho những lần xuất ngoại bất thành này được gói gọn thành những ý sau đây.

Không thể giao tiếp bằng tiếng bản địa

Trong LMHT, giao tiếp là điều tối quan trọng. Nó là sợi dây gắn kết 5 cá nhân cùng nhau hướng đến từng mục tiêu nhỏ để giành được thắng lợi sau cùng. Vì thế một tuyển thủ giỏi đến đâu cũng sẽ bị gạt bỏ ra ngoài đội hình nếu không thể nói chuyện, tương tác với 4 phần còn lại.

Các đội tuyển nước ngoài hiểu rất rõ điều này nên trước khi tuyển chọn, họ cần phải nắm chắc nhân tố mới nói được tiếng bản địa trước đã.

Đồng ý rằng những thuật ngữ trong game quanh quẩn chỉ có vậy và một tuyển thủ Việt chưa học qua tiếng Anh cũng có thể hiểu được nó đang ám chỉ điều gì. Tuy nhiên, tiếng bản địa còn cần thiết trong việc gắn kết mỗi cá nhân. Bạn không thể trở thành một phần nếu bất đồng ngôn ngữ với phần còn lại.

Cuối năm 2020, Palette bị TSM từ chối vì điều này, dù trước đó hỗ trợ thuộc biên chế Team Flash đã nỗ lực học tiếng Anh. Chính Doublelift nói trên livestream rằng Palette là một tuyển thủ tuyệt vời nhưng anh lo ngại rào cản ngôn ngữ sẽ khiến thương vụ này chẳng đi đến đâu.

Tuyển thủ LMHT Việt có xứng đáng để các đội tuyển hàng đầu đưa về?

Tinikun từng tuyên bố rằng tuyển thủ Việt Nam không thua kém đồng nghiệp nước ngoài nếu chỉ so sánh kỹ năng chơi game, nhưng sự thật là chưa thống kê nào chứng minh được điều này.

Từ trước đến nay, thước đo chúng ta sử dụng để đánh giá tuyển thủ là hệ thống giải đấu VCS. Trong một mùa giải, nếu một tuyển thủ tỏ ra vượt trội hơn phần còn lại chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự kỳ vọng.

Ví dụ, Zeros được báo chí thế giới ca tụng là một trong những tuyển thủ có tỉ lệ solo kill cao nhất, xếp trên cả cựu vô địch thế giới TheShy và hàng tá những ngôi sao khác. Thế nhưng cựu sao SBTC Esports không thể thắng được họ mỗi lần tham dự giải đấu nước ngoài. Lý do là bởi chất lượng của VCS vẫn thua kém LCK, LPL, LEC và LCS rất nhiều. Vây nên thật đáng tiếc, thước đo chúng ta sử dụng không đúng.

Tại sao tuyển thủ LMHT Việt Nam

Thống kê này vô dụng khi đem so sánh kỹ năng các tuyển thủ

Trong trường hợp kỹ năng không nổi trội thật sự, kỷ luật, tinh thần và khả năng hòa nhập cũng cần được đem ra cân đo đong đếm. Các đội tuyển nước ngoài sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin về tuyển thủ Việt. Vì thế họ có xu hướng chiêu mộ một tuyển thủ trẻ rồi đào tạo dần hơn là đem về một "quả bom nổ chậm".

Khó khăn bên lề

Không phủ nhận cơ hội của Slayder hẹp đi rất nhiều vì dịch Covid-19 tái bùng phát ở Việt Nam. Nhưng trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn và anh vượt qua được bài test kỹ năng, rất khó để cựu xạ thủ Team Secret có thể tới Mỹ vào thời điểm hiện tại.

Đầu tiên, Slayder cần phải xin được visa và giấy phép lao động. Có một sự thật đáng buồn rằng tuyển thủ Việt Nam, đặc biệt là những cá nhân chưa từng ra nước ngoài thi đấu, đều "mờ tịt" về khoản này. Cũng phải vì hầu hết chỉ biết vùi đầu vào chơi game và luyện tập, còn chuyện giấy tờ đều do đội tuyển chủ quản lo liệu.

Với Slayder, anh không còn thuộc biên chế đội tuyển nào trong lúc bày tỏ ý định ra nước ngoài thi đấu. Trong trường hợp xấu nhất khi Slayder không thể nhờ được những người quản lý cũ giúp đỡ, anh buộc phải tìm hiểu chuyện này một mình. 

Điều khoản trong hợp đồng có thể sử dụng Google Translate đọc hiểu được, nhưng visa và giấy phép lao động ở Mỹ đều vượt quá tầm hiểu biết của một tuyển thủ Việt Nam bình thường.

PHỤNG HIẾU

Tin mới