"Siêu kình ngư" bơi từ cầu Long Biên đến biển Thái Bình: "Tôi muốn bơi xuyên Việt 2800 km"

(Tổ Quốc) - Nguyễn Ngọc Khánh là một VĐV bơi lội phong trào nhưng lại sở hữu niềm đam mê kỳ lạ với những đường bơi siêu dài, vừa để chinh phục, vừa để vượt qua nỗi sợ bản thân.

Ngày 8/11/2020, Nguyễn Ngọc Khánh cùng bạn đồng hành Dương Minh Quang hoàn tất hành trình bơi 200 km từ chân cầu Long Biên (Hà Nội) ra đến cửa biển Ba Lạt (Thái Bình). Sự kiện khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Đầu xuân Tân Sửu 2021, Ngọc Khánh có cuộc trò chuyện ngắn với Sport5 để chia sẻ về hành trình mà nhiều người gọi là "điên rồ" nhưng đầy cảm hứng này.

Nguyễn Ngọc Khánh (phải) và Dương Minh Quang check-in ở gần cầu Long Biên trước khi thực hiện hành trình bơi 200 km (Ảnh: NVCC)

- Xin chào Ngọc Khánh, hành trình bơi 200 km đã hoàn thành nhưng dư âm nhận lại cũng khác nhau. Nhiều người khen cũng nhiều người nói anh bị "điên". Anh có cảm thấy chạnh lòng?

Tôi từng suýt bị chết đuối, trải qua cảm giác 9 phần chết 1 phần sống rồi nên không có gì khiến tôi e sợ nữa. Dù mọi người nói gì thì tôi vẫn sẽ giữ suy nghĩ trong đầu là nếu mình bơi thật dài thì có nguy cơ bị chết đuối hay không. Dù có ai nói gì thì tôi vẫn bơi cự ly đó, vẫn làm theo ý mình để khám phá xem bản thân có thể sinh tồn ngoài sông nước hay không, đặc biệt sau khi trải qua nỗi sợ về cái chết.

- Nói như vậy tức là việc từng suýt bị chết đuối thay vì làm e sợ lại càng thôi thúc anh tò mò muốn vượt qua giới hạn?

Đúng vậy. Ý tưởng bơi 200 km đến với tôi cách đây khoảng 1 năm. Với nhiều cơ duyên khác nhau, tôi cùng anh em trong CLB (Bơi khám phá) quyết định thực hiện dự định này.

Đầu tiên, tôi xuất phát điểm là người bơi nghiệp dư, mới tập bơi được 2 năm, từng trải qua việc suýt bị chết đuối. Vì suýt bị chết đuối nên tôi mới học bơi và tâm trí mình lúc nào cũng tò mò về bơi. Tôi tự hỏi liệu bơi 10, 20 km có bị chết đuối không? Liệu bơi những chặng cực kỳ dài thì có nguy cơ chết đuối không?

Thứ hai, tôi có người anh. Anh ấy nói năm 2020 sẽ trở thành người bơi dài nhất Việt Nam với cự ly 80 km. Con số này cứ ám ảnh mãi trong đầu tôi. Trong một lần đi công tác đến Hải Phòng, tôi có cầm điện thoại xem và tự hỏi không biết sông Hồng đổ ra đâu, xem bản đồ thì biết chảy ra cửa biển Ba Lạt (Thái Bình). Ý tưởng hình thành từ đấy. Tôi dồn sự tập trung và cố gắng nghĩ đến cự ly ấy.

Sau khi tìm kiếm thông tin trên mạng, tôi biết có một số ít VĐV chuyên nghiệp đã từng bơi cự ly ấy trong 3 ngày thế là tôi đặt mục tiêu bơi 200 km/3 ngày cho bản thân.

- Một thử thách lớn đồng nghĩa với sự chuẩn bị cũng vất vả chứ?

Có hai thứ phải chuẩn bị quan trọng nhất. Đầu tiên là đồ đạc, đặc biệt là đồ bơi. Nhóm chúng tôi phải đặt đồ bơi giữ nhiệt từ nước ngoài về. Với đồ bơi thông thường, ngâm nước 3-4 tiếng là cơ thể sẽ mất nhiệt, thấy lạnh là không bơi được nữa.

Bộ đồ bơi của tôi được đặt ở Mỹ về có thể giúp cơ thể chịu được 100 tiếng bơi liên tục. Bộ đồ này loại bỏ các yếu tố thời tiết, mất nhiệt. Tôi bơi 3 ngày không thấy lạnh chút nào, thân nhiệt luôn ổn định.

Thứ hai là đội hỗ trợ. Đội này sẽ làm nhiệm vụ tiêu đường vì có nhiều xà lan, xoáy nước, nhiều tàu hút cát,… Nếu không có thuyền đi đằng trước dẫn đường thì nguy cơ va vào tàu rất lớn. Tôi rất cảm ơn họ vì đây không phải đội do tôi tập hợp. 15 người hoàn toàn tự nguyện, không vì gì cả. Tôi gọi đây là đội hỗ trợ thần thánh.

Bộ đồ bơi giữ nhiệt 100 giờ được đặt từ Mỹ về của Ngọc Khánh (Ảnh: NVCC)

- Trong hành trình ba ngày, cả đội từng gặp sự cố nào đáng nhớ nhất?

Chúng tôi gặp sự cố trong ngày thứ hai của hành trình khi qua địa phận tỉnh Nam Định. Hôm ấy sóng to, ngược gió, thuyền đi lại rất nhiều,… và thuyền hỗ tợ bị lật. Mọi người xuống tinh thần kinh khủng. Nhóm bơi có 5 người nhưng cũng 3 người bỏ cuộc vì đến giới hạn.

- Sau khi kết thúc hành trình, anh và mọi người đã rút ra được những bài học gì?

Tôi nhận ra tất cả mọi người đều có những nỗi sợ, như tôi là sợ chết đuối. Có người bảo ra sông thì sợ cá sấu, sợ tàu bè, sợ nhiều thứ lắm. Ai cũng có nỗi sợ nhưng làm thế nào để vượt qua thì mọi người thường tìm cách tránh né và không tiếp cận nữa. Tôi chọn ngược lại là để tìm hiểu cách vượt qua nỗi sợ của chính mình.

CLB Bơi khám phá mà tôi đang tham gia cũng như vậy. Nó được thành lập từ đầu năm 2020 để bơi ở sông, hồ, biển. Mọi người trong CLB không đặt nặng kỹ thuật, tốc độ mà muốn có trải nghiệm, tìm hiểu xem bơi và cuộc sống có gắn kết gì không. Tôi bơi ở sông Hồng nghe nhiều chuyện, có người bơi và chữa được bệnh. Tôi cũng thừa nhận bơi ở sông, hồ, biển tốt hơn ở bể bơi nhiều. Không gian mở còn gây sự tò mò nhất định. Đây cũng là lúc để giải toả áp lực cuộc sống, công việc vốn đã quá nhiều.

- Anh có thể chia sẻ về dự định cực lớn trong tương lai không?

Tôi có ước mơ bơi xuyên Việt. Tôi sẽ bơi từ vùng biển tiếp giáp Trung Quốc là ở Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên. Cự lý sẽ rơi vào khoảng 2.800 km.

- Xin cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn.

Nguyễn Ngọc Khánh đang kêu gọi mọi người tham dự đường bơi 10 km ở sông Hồng, dự kiến diễn ra vào tháng 4/2021. Anh đặt tên sự kiện là "Chiến binh sông Hồng". Anh kỳ vọng có 500 người tham dự để lập kỷ lục Việt Nam.

HIẾU LƯƠNG

Tin mới