(Tổ Quốc) - Vấn đề lương tuyển thủ ở LCK nói riêng và giới Esports nói chung luôn khiến cổ động viên tò mò.
Gần đây, theo Upcomer, nhiều đội tuyển ở LCK muốn áp dụng luật giới hạn lương tuyển thủ. Theo đó, thu nhập của mỗi ngôi sao cũng sẽ được tiết lộ. Điều này rất quen thuộc với các môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng rổ. Thế nhưng, nhiều năm qua, trong giới Esports, lương tuyển thủ vẫn luôn là bí mật.
Hiện tại, phía BTC LCK vẫn chưa lên tiếng chính thức về thông tin trên. Bởi lẽ, các đội tuyển Hàn Quốc đang chinh chiến tại CKTG 2021. Trong khi đó, cổ động viên cũng chẳng mặn mà với những điều luật rối ren liên quan đến tiền bạc. Thế nhưng, thực tế, đây có thể trở thành chất xúc tác cho cuộc khủng hoảng mới tại LCK.
Hay đúng hơn, theo Inven, nhiều đội LMHT Hàn Quốc đang gặp khó khăn. Hàng loạt ông chủ lớn bắt đầu không kham nổi tiền lương tuyển thủ. Những năm qua, Esports ngày càng phát triển và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, đầu tư.
Và điều này kéo theo nhu cầu về mặt con người. Game thủ trở thành yếu tố quyết định thành bại với một tổ chức thể thao điện tử. Theo đó, một ngôi sao tầm trung ở LCK cũng được trả mức lương hậu hĩnh.
Inven tiết lộ, từ 2016, mức thu nhập với game thủ liên tục tăng cao. Thậm chí, có nhiều ngôi sao LCK nhận về gấp 3 lần số tiền cũ.
Hiện tại, ở LCK, có hai tuyến thu nhập với game thủ, trên và dưới 20 triệu Won mỗi năm. Con số này thật sự tạo nên áp lực tài chính khủng khiếp. Thế nhưng, điều này chưa là gì với những bản hợp đồng đắt đỏ để giữ chân các tên tuổi lớn. Theo Inven, đội tuyển có thể phải bỏ ra 2 đến 3 tỷ Won cho một thỏa thuận mới.
Thế nhưng, doanh thu các đội lại không quá khả quan. Vấn đề này liên quan để nhiều yếu tố. Trong đó, Esports vẫn còn non trẻ và chưa có được nguồn thu ổn định. Các đội thường bám víu vào thành tích để thu hút hợp đồng quảng cáo, tài trợ. Ở trường hợp ngược lại, không danh hiệu, từ game thủ đến đội đều gặp khó khăn.
Còn với các môn thể thao truyền thống, bề dày lịch sử giúp các đội xây dựng cả một hệ thống kiếm tiền. Chẳng hạn, với bóng đá, giải đấu quốc nội đều đem về lợi nhuận khổng lồ từ bản quyền truyền hình, bán vé. Trong khi, các đội dễ dàng bỏ túi khoản thu lớn về bản quyền hình ảnh, bán áo đấu. Chưa kể, thương hiệu của một ngôi sao lớn cũng tự sinh ra tiền.
Hiện tại, LCK và cả giới LMHT nói chung chỉ có T1 tạo được tầm ảnh hưởng như một đội thể thao truyền thông. Bởi lẽ, họ có Faker, game thủ tạo ra tiền trên sân đấu và cả trong mảng showbiz.
Việc các đội tuyển đồng loạt muốn hạn chế lương game thủ cho thấy sự bế tắc đang lan rộng khắp LCK. Hay như nhận định từ Inven, nếu không thay đổi, cả ngành thể thao điện tử Hàn Quốc sẽ lâm nguy.
Trong khi đó, Game Anchor Network chỉ ra rằng Esports không thể thoát khỏi cái bóng của thể thao truyền thống. Những môn như bóng đá, bóng rổ tồn tại lâu đời, có nền tảng tài chính ổn định. Thế nhưng, ở các giải đấu lớn, BTC đều có luật giới hạn lương ngôi sao. Và yêu cầu từ các đội LCK không có gì sai trái.
Chỉ là, nếu LMHT Hàn Quốc áp dụng luật hạn chế lương, họ sẽ đối mặt với thách thức khác. Đó là việc chảy máu tài năng sang các khu vực đối thủ. Thực tế, việc này sớm trở thành vấn nạn với các đội LCK. LPL, LCS hay LEC đều liên tục đưa ra đãi ngộ hậu hĩnh để chèo kéo game thủ Hàn Quốc.
Như ở CKTG 2021, có đến 41 ngôi sao mang quốc tịch xứ kim chi trên đất Iceland. Hầu hết các đội đều có bóng dáng người Hàn. Mặt tích cực, đây là niềm tự hào khi LMHT nước nhà sản sinh ra nhiều ngôi sao lớn. Nhưng xét mặt tiêu cực, LCK đang không giữ được nhân tài.
LMHT Hàn Quốc luôn nổi tiếng hào nhoáng, giàu có và được xây dựng chỉn chu. Thế nhưng, tất cả đều mang tính tương đối và LCK cũng tồn tại nhiều góc khuất. Sau tất cả, cuộc chiến tiền bạc sắp tới sẽ vô cùng khốc liệt, mệt mỏi với các đội tuyển.
HUYỀN TRÂN