(Tổ Quốc) - Dân mạng Trung Quốc tiếp tục có nhiều phản ứng trái chiều về vấn đề nhập tịch cầu thủ, đặc biệt sau khi thông tin về quy định “ép” các tuyển thủ phải học tiếng Trung được tiết lộ.
Trong một buổi tọa đàm về bóng đá Trung Quốc vừa mới diễn ra, HLV thủ môn Ou Chuliang của ĐTQG Trung Quốc đã tiết lộ về bộ quy tắc vừa được ban hành riêng đối với cầu thủ nhập tịch khi lên tuyển.
Trong đó đáng chú ý nhất là việc ban huấn luyện yêu cầu những cầu thủ nhập tịch phải gọi tên đồng đội và các HLV bằng tiếng Trung, đồng thời mỗi ngày phải học được một từ tiếng Trung.
Theo HLV Ou Chuliang, quy định này được áp dụng sau khi nhận thấy sự lạc lõng của các "ngoại binh" ở ĐT Trung Quốc. Họ gặp khá nhiều khó khăn trong giao tiếp, gây ảnh hưởng tới sự gắn kết của đội tuyển.
Elkeson, tiền đạo gốc Brazil đang khoác áo ĐT Trung Quốc.
Ngay sau khi thông tin này được hé lộ, nhiều dân mạng Trung Quốc đã lên tiếng mỉa mai. Trong đó, các CĐV nhấn mạnh sự nghi ngại về động lực khi nhập tịch của những cầu thủ nước ngoài. Tất cả đều phải đáp ứng được điều kiện có 5 năm liên tiếp sinh sống ở Trung Quốc để được nhập tịch, vậy mà sau từng ấy năm họ vẫn chưa nói được tiếng Trung.
"Ý nghĩa của bóng đá là gì? Tôi sẽ phải xem một vài người không biết nói tiếng Trung thi đấu cho ĐT Trung Quốc hay sao?"
"Thậm chí họ còn không học tiếng Trung trong suốt 5 năm qua, nhưng rồi giờ đây vẫn có thể khoác áo ĐT Trung Quốc."
"Thay vì bắt cầu thủ nhập tịch gọi tên đồng đội bằng tiếng Trung, hay chúng ta đặt biệt danh bằng tiếng Anh cho các cầu thủ Trung Quốc có phải dễ hơn không?"
"Các cầu thủ nhập tịch chắc sẽ nghĩ: Mọi người cho rằng tôi thực sự muốn trở thành người Trung Quốc hay sao?"
"Chưa quá muộn để giành chiến thắng trước những đội bóng "hàng đầu thế giới" như Maldives, Thái Lan đâu."
"World Cup có lẽ vẫn chỉ là một giấc mơ hão huyền với chúng ta mà thôi", một số CĐV để lại bình luận khá mỉa mai trên bài viết ở tờ Sina Sport.
Trung Quốc nhập tịch không ít cầu thủ trong thời gian qua.
Trong khi đó, một số khác lại cho rằng vấn đề với các cầu thủ nhập tịch nằm ở chỗ họ đều đã luống tuổi. Đa số đều trên 30 tuổi và không phải ai cũng còn giữ được phong độ cao như những ngày đầu ở Chinese Super League.
"Các cầu thủ nhập tịch đều nhiều tuổi cả rồi, liệu thể trạng của họ có còn đảm bảo không? Có lẽ nhập tịch các cầu thủ ở độ 25 tuổi thì tốt hơn."
"Vì quy định của FIFA, tất cả những cầu thủ nhập tịch chúng ta đang có đều đã ở độ tuổi 30. Luo Guofu và Elkeson có tài năng không? Liệu họ có còn đủ sức giúp ĐT Trung Quốc đi tiếp ở vòng loại World Cup? Kế hoạch của Liên đoàn có thể không sai, nhưng liệu có phải mới chỉ đang làm đúng một nửa?"
"Qatar tuyển dụng rất nhiều cầu thủ trẻ từ châu Phi, đào tạo rồi sau đó nhập tịch cho họ để tạo nên một đội tuyển như hiện tại. Liệu Trung Quốc có nên áp dụng cách này hay không? Khi ấy độ tuổi nhập tịch sẽ giảm xuống."
"Việc nhập tịch đã có nhiều đội tuyển trên thế giới áp dụng. Thành công và thất bại đều có cả. ĐT Nhật Bản đã sử dụng cầu thủ từ lâu. Cầu thủ nhập tịch đầu tiên của Nhật Bản có tên là Ramos. Anh ta tới Nhật từ sớm, "lớn lên" cùng giải VĐQG Nhật Bản, hòa nhập tốt với xã hội Nhật, từ ngôn ngữ tới văn hóa.
Bởi thế việc lên tuyển của anh ta giúp đem lại hiệu quả hơn so với những kiểu nhập tịch cầu thủ như của Trung Quốc hay Philippines. Những cầu thủ của chúng ta nhập tịch có lẽ là bởi họ sẽ nhận được thêm tiền khi làm vậy mà thôi".
Linh Đan