(Tổ Quốc) - Gãy chân là một trong những chấn thương khủng khiếp nhất với các VĐV và các cầu thủ NBA cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều tấm gương trở lại đầy mạnh mẽ sau những ký ức kinh hoàng ấy.
Chiều tối ngày 23/3 (giờ Việt Nam), cả làng thể thao của đất nước hình chữ S bỗng sục sôi với chấn thương của Đỗ Hùng Dũng. Trong trận đấu giữa CLB Hà Nội và CLB TP.HCM tại V-League, tuyển thủ quốc gia Việt Nam đã phải hứng chịu một tình huống vào bóng thô bạo đến từ đối thủ và nhận về một chấn thương kinh hoàng.
Theo dự đoán ban đầu, Đỗ Hùng Dũng đã gãy cả hai xương cẳng chân (xương chày - xương mác). Đây là một chấn thương cực nặng khiến Đỗ Hùng Dũng phải mất 6 tháng hồi phục mới có thể quay lại tập luyện.
Giờ đây, NHM chỉ cầu mong sự tiến bộ của y học Việt Nam trong những năm vừa qua cũng như bản lĩnh vững vàng sẽ giúp Đỗ Hùng Dũng vượt qua chấn thương này, để sớm trở lại với phong độ đỉnh cao như ngày nào.
Tại NBA, có không ít những trường hợp chấn thương tương tự như Đỗ Hùng Dũng. Sẽ là khiên cưỡng khi so sánh thể chất của người châu Mỹ với Việt Nam, cùng với đó là cơ sở vật chất và sự tiến bộ trong phương pháp điều trị tới từ nền y tế hiện đại.
Bài viết dưới đây nhằm mang tới một cái nhìn khác khách quan hơn, tích cực hơn về những cầu thủ đã vượt qua nghịch cảnh bằng ý chí và nghị lực để trở lại với niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời.
Paul George (Đội tuyển bóng rổ Mỹ - 2014)
Năm 2014, thời điểm của sự chuyển giao giữa một thế hệ với gánh nặng tuổi tác nơi Kobe Bryant và Dwyane Wade, thì Paul George bắt đầu nổi lên như một sự kế thừa ở Indiana Pacers. Cầu thủ cao 2m03 có thể thi đấu tốt ở cả vị trí tiền phong phụ hoặc hậu vệ ghi điểm và sau 4 mùa giải trui rèn, anh đã dần trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất ở vị trí thi đấu của mình.
Ảnh cắt từ clip đôi chân bị gãy gập của Paul George, khiến anh phải bỏ lỡ cả mùa giải 2014-2015 để phục hồi
Mùa Hè cùng năm, Paul George được triệu tập vào trại huấn luyện của đội tuyển Mỹ nhằm lựa chọn những cầu thủ ưu tú nhất tham dự FIBA World Cup 2014. Tuy nhiên, một pha tranh bóng tưởng chừng vô hại với James Harden đã khiến cầu thủ khi đó mới 23 tuổi này đáp thẳng chân vào trụ rổ.
Hậu quả đến ngay lập tức khi chân phải của Paul George bị gãy gập, khiến các đồng đội và những người có mặt tại đấy phải bàng hoàng. Kết quả chuẩn đoán sau đó cho biết Paul George đã gãy cả hai xương cẳng chân (xương chày - xương mác) và theo chuẩn đoán của đội ngũ y tế, anh phải mất 1 năm trời để hồi phục hoàn toàn.
Mặc dù nhận về nhiều lời dự đoán về việc không thể quay trở lại bóng rổ đỉnh cao, Paul George vẫn khiến tất cả phải bất ngờ. Bỏ lỡ phần lớn mùa giải 2014-2015 để phục hồi, tiền phong này đã trở lại mạnh mẽ ở mùa giải kế tiếp khi xuất phát chính ở 88/89 trận đấu với trung bình 23,1 điểm.
Phong độ ấn tượng của Paul George tiếp tục được duy trì qua cả 2 CLB sau đó là Oklahoma City Thunder và Los Angeles Clippers. Mặc dù vẫn có những trận đấu không tốt ở thời điểm hiện tại, tiền phong 30 tuổi vẫn đang được xem là một trong những cầu thủ hay nhất ở đấu trường NBA.
Gordon Hayward (Boston Celtics - 2017)
Ngay trong ngày mở màn của mùa giải 2017-2018, tân binh Gordon Hayward của Boston Celtics đã dính phải một chấn thương kinh hoàng. Trong một pha tranh chấp bóng trên không, Gordon Hayward đã có một pha tiếp đất không đúng cách khiến cả trọng lượng cơ thể đổ dồn lên chân trái của cầu thủ này.
Những ai có mặt tại nhà thi đấu Quicken Loans Arena thời điểm đó đã phải tái mặt khi phần xương gần cổ chân của Gordon Hayward đã gãy gập ra một hướng khác. Kết quả chuẩn đoán ban đầu cho biết tiền phong 27 tuổi vỡ hoàn toàn xương mắt cá cũng như gãy cả xương chày, một trong những trường hợp chấn thương cực kỳ phức tạp trong thể thao.
Mất hơn một năm trời sau phẫu thuật và tập phục hồi, Gordon Hayward đã đánh mất luôn hình ảnh siêu sao của chính mình trước đó trong màu áo Utah Jazz. Anh phải rất vất vả trong việc tìm lại phong độ, phải cạnh tranh với những tài năng trẻ sáng giá như Jaylen Brown và Jayson Tatum và liên tiếp phải thi đấu từ băng ghế dự bị.
Kể từ khi chuyển đến Charlotte Hornet vào đầu mùa giải năm nay, Gordon Hayward mới có thể tìm lại phong độ đỉnh cao ngày nào. Hiện tại, anh đang có trung bình 20,4 điểm và 5,6 rebounds sau 38 trận đấu cho "Ong Bắp cày", giúp đội có thành tích 21 thắng - 21 thua ở miền Đông.
Shaun Livingston (Los Angeles Clippers - 2007)
Tháng 2 năm 2007, Shaun Livingston đã gặp một chấn thương có thể nói là khủng khiếp nhất, không chỉ với cầu thủ bóng rổ mà còn cho cả làng thể thao thế giới. Trong một pha lên rổ, tình huống tiếp đất lỗi khiến phần xương gần đầu gối của cầu thủ này gãy gập lại với tiếng thét kinh hoàng của anh ở trên sân.
Chấn thương kinh hoàng năm 2007 tưởng chừng đã lấy đi sự nghiệp và cả chân trái của Shaun Livingston
Shaun Livingston dính hỗn hợp chấn thương cực đáng sợ, bao gồm đứt dây chằng chéo trước, rách dây chằng chéo sau, rách dây chằng giữa gối và vỡ sụn chêm 2 bên. Có thể nói, phần đầu gối của hậu vệ này đã vỡ nát hoàn toàn. Các bác sĩ đã từng nghĩ đến việc phải cưa một phần chân để cứu lấy mạng sống của anh và nếu có bình phục, anh cũng không thể đi lại bình thường, đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp đỉnh cao ở tuổi 22.
Tuy nhiên, 16 tháng sau chấn thương kinh hoàng ấy, Shaun Livingston khiến tất cả phải bất ngờ khi trở lại đấu trường NBA trong màu áo Miami Heat vào tháng 10 năm 2008. Tất nhiên, tài năng trẻ này gần như không còn là chính mình, với những ám ảnh về bóng ma chấn thương vẫn còn đeo đuổi anh trong quá khứ.
Từ một cầu thủ sáng giá, Shaun Livingston chấp nhận hạ mình với biệt danh "gã du mục" ở NBA. Nơi nào cần một cầu thủ dự bị với thể hình vượt trội ở vị trí hậu vệ, nơi đó sẽ có sự phục vụ của anh. Sau khi trải qua đến 8 lần "chuyển nhà", sự nghiệp của anh dần hồi xuân ở Golden State Warriors khi đầu quân cho đội bóng này vào năm 2014.
Với vai trò dự bị cho bộ đôi siêu sao Stephen Curry và Klay Thompson, Shaun Livingston đã trở thành một mảnh ghép quan trọng trong đội hình của HLV Steve Kerr. Anh đã chạm tay được vào chiếc nhẫn vô địch danh giá đến 3 lần sau 5 mùa giải cống hiến cho "Chiến binh Cầu Cổng vàng", một thành tích mà rất nhiều cầu thủ NBA phải ao ước. Anh giải nghệ sau khi mùa giải 2018-2019 khép lại, hoàn thành một trong những chặng đường đáng nhớ nhất mà NBA từng chứng kiến.
Không chỉ 3 cầu thủ kể trên, bóng rổ NBA vẫn còn rất nhiều trường hợp gặp phải chấn thương gãy chân và vẫn có thể trở lại với thể thao chuyên nghiệp, bao gồm Jusuf Nurkic, Caris LeVert... Việc phẫu thuật chỉ là vai trò thứ yếu, điều giúp họ trở lại với đỉnh cao chính là nghị lực vượt qua nghịch cảnh và hy vọng rằng, đây sẽ là những tấm gương để Đỗ Hùng Dũng sớm quay trở lại để cống hiến cho bóng đá nước nhà.
NHẬT PHẠM