(Tổ Quốc) - Trong 2 tập tiếp theo của "The Last Dance", người hâm mộ một lần nữa được biết tới quá trình thay đổi của Michael Jordan để trở thành một huyền thoại của giải đấu.
Nếu như tập 1 và 2 mô tả nhiều về Scottie Pippen và những sự rạn nứt bên trong đội bóng của mùa giải 1997-1998 thì ở trong 2 tập tiếp theo của "The Last Dance", người hâm mộ thêm phần nào hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của Dennis Rodman, cũng như sự trưởng thành trong suy nghĩ thi đấu của Michael Jordan dưới thời HLV Phil Jackson.
Dưới đây là những điểm nhấn, những chia sẻ đáng nhớ nhất ở theo đánh giá của Sport5 ở trong tập 3 và 4.
"Không một ai có thể nói xấu tôi với tư cách một người đồng đội", đó là một trong những chia sẻ Dennis Rodman ở trong đầu tập 3. Là một trong những cầu thủ được người hâm mộ trìu mến đặt cho nhiều biệt danh như "Kẻ khoa trương", "Gã tâm thần"... Thế nhưng không có đồng đội nào có thể phủ nhận được những đóng góp của Dennis Rodman cho đội bóng.
Góp mặt trong đội hình Chicago Bulls ở mùa giải 1995/96, Dennis Rodman khi đó được coi là một trong những kẻ đáng ghét nhất đối với người hâm mộ của sân United Center. Phần nào dễ hiểu bởi chính Dennis Rodman là một trong những cầu thủ của Detroit Piston, đội bóng đã hạ gục Chicago Bulls ở vòng đấu chung kết miền trong 2 mùa giải 1989 và 1990. Tuy nhiên, khi khoác lên mình màu áo của Chicago Bulls, vẫn là một Rodman ngang tàng, thế nhưng đó lại là gã ngang tàng đầy thực lực mà đội bóng nào cũng muốn sở hữu.
Nổi tiếng với khả năng phòng thủ cũng như đoán điểm rơi của bóng, Dennis Rodman với sở trường kiểm soát bảng rổ đã trở thành một trong 3 mũi nhọn giúp cho Chicago Bulls hoàn thành cú ăn ba lần thứ 2 trong thời kỳ hùng mạnh của đội bóng này.
Qua những đóng góp của Rodman trong 3 mùa giải trên, dù không muốn nhưng phải thừa nhận sẽ tương đối khó khăn cho Michael Jordan nếu thiếu vắng Dennis Rodman trong việc thiết lập nên cú ăn 3 danh hiệu liên tiếp lần 2.
"Jordan Rules", chiến thuật kinh điển của "Bad Boys" Piston khai sinh ra để chống lại Michael Jordan. Với chiến thuật này, Michael Jordan cùng Chicago Bulls thật sự đã bị Detroit Piston đánh sấp mặt theo đúng nghĩa đen 3 năm liên tiếp, ở các vòng đấu Playoffs và chung kết miền.
Mối hận này của Michael Jordan còn theo ông mãi tới tận bây giờ, khi huyền thoại Chicago Bulls thực hiện loạt phim tài liệu này. Trong hai tập 3 và 4, mặc dù đều rất tự tin với chiến thuật được sinh ra nhằm triệt hạ Michael Jordan, thế nhưng một số cầu thủ của Detroit Piston thời đó cũng phải công nhận về sự lỳ lợm của ông. Họ chỉ có thể làm chậm được Michael Jordan chứ không thể ngăn cản được ông ghi điểm.
Ở trong trận đấu chung kết miền mùa giải 1990-1991, sau khi bị Michael Jordan cùng các đồng đội đả bại 4 trận trắng. Thủ lĩnh của "Bad Boys" khi đó là hậu vệ lừng danh Isiah Thomas đã dẫn toàn đội vào trong phòng thay đồ và không thèm bắt tay sau khi trận đấu kết thúc. Hình ảnh đó càng khiến cho mối thù hằn giữa Michael Jordan với "Bad Boys" thêm sâu đậm.
Lại là Tổng giám đốc Jerry Krause, người thường đưa ra những quyết định gây tai tiếng thế nhưng hầu hết đều mang lại thành công cho Chicago Bulls. Chính Jerry Krause là người đã quyết định thay đổi BHL của Chicago Bulls khi mang về HLV trưởng Doug Collins ở mùa giải 1986-1987.
Mặc dù không giành được một danh hiệu nào trong những năm dẫn dắt Chicago Bulls, thế nhưng cách huấn luyện của Doug Collins khi đó phần nào giúp cho Michael Jordan được chơi tự do và tự tin trên con đường trở thành vua ghi điểm tại NBA.
Bước sang mùa giải 1989-1990, Jerry Krause khi đó tiếp tục mang tới một quyết định vô cùng táo bạo. Sa thải HLV Doug Collins và đưa HLV Phil Jackson lên vị trí thuyền trưởng của Chicago Bulls. Ở thời điểm đó, Michael Jordan cũng đã phải thốt lên rằng "Ông thật có gan khi sa thải người vừa mới giúp chúng ta lọt vào chung kết miền năm ngoái đấy".
Tuy nhiên, một lần nữa, Jerry Krause lại cho thấy tầm nhìn chiến lược vĩ đại của ông. Nếu như ở trong 2 tập trước, Jerry Krause được mô tả như một kẻ phá rối, khiến cho đế chế hùng mạnh Chicago Bulls tan rã, có ý định bán Scottie Pippen và sẵn sàng đuổi Phil Jackson bất chấp cơ hội thiết lập cú ăn 3 thứ hai ngay đầu mùa giải 1997-1998.
Thì ở 2 tập 3 và 4, vẫn là một con người như vậy, vẫn những quyết định gây tranh cãi như vậy, thế nhưng đó cũng là lúc kỷ nguyên vàng của Chicago Bulls chính thức hình thành.
HLV phó Tex Winter là một trong những người thiết lập nên chiến thuật "Tấn công Tam giác", tuy nhiên điều này đã không được HLV Doug Collins sử dụng bởi ông tin tưởng vào Michael Jordan. Triết lý của Doug rất đơn giản, chỉ cần đưa bóng cho Michael và chàng trai này sẽ làm tất cả những thứ còn lại.
Với quyết định thay đổi HLV Phil Jackson, chiến thuật của HLV phó Tex Winter đã được coi trọng và Michael Jordan ở thời điểm đó cũng không hề yêu thích lối chơi này. Trong một cuộc trao đổi giữa HLV Tex cùng Michael, vị HLV này đã nói: "Chuyền bóng đi. Không có cái tôi cá nhân trong một đội" và Michael đáp trả: "Nhưng có tôi trong chiến thắng".
Tuy nhiên, sau khi hiểu rõ hơn về chiến thuật trên cũng như được chứng kiến sự hiệu quả của nó, Michael Jordan cùng với tác động lâu ngày của HLV Phill Jackson đã hiểu rõ vấn đề. Đây cũng là khoảng thời gian Michael Jordan lùi về và hỗ trợ cho sự phát triển của Scottie Pippen, người đồng đội tuyệt vời nhất của ông.
Không chỉ tác động lên được Michael Jordan, cầu thủ là biểu tượng của NBA khi đó để thay đổi lối chơi, HLV Phil Jackson còn thành công trong công việc thuần hóa "chú ngựa chứng" Dennis Rodman.
"Chúng tôi chấp nhận kiểu vô tổ chức của Dennis Rodman, nhưng tôi biết khi ra sân, Rodman sẽ làm hết mình vì đội bóng", một trong những chia sẻ của Phil Jackson về cậu học trò cá tính.
Quả thật HLV Phil Jackson đã đồng ý sự vô tổ chức của Dennis Rodman khi đó. Với yêu cầu xin được đi nghỉ ngơi giữa mùa giải, Phil Jackson đồng ý với Dennis Rodman cho một chuyến đi tới Las Vegas trong vòng 48h để có thể lấy lại tinh thần cho phần còn lại của mùa giải 1997-1998. Mặc dù nhận được sự phản đối kịch liệt của Michael, thế nhưng Phil Jackson đã tôn trọng yêu cầu của Dennis Rodman.
Cùng những lần trò chuyện, những bài học trong suốt quãng thời gian đồng hành, Phil Jackson đã xây dựng được mối quan hệ gần gũi và thân thiết với cậu học trò cá tính nhất đội thời điểm khi đó. Bản thân "chú ngựa chứng" này cũng phải công nhận về Phil Jackson giống như một người bạn hơn là một vị HLV.
Áp dụng được chiến thuật "Tấn công Tam giác" làm thay đổi cả bộ mặt của Chicago Bulls, khiến cho Michael Jordan không còn tư tưởng thi đấu solo, khai phá tiềm năng của Scottie Pippen, khích lệ Dennis Rodman thi đấu hết mình trên sân, giúp đội bóng gần gũi với nhau, tin tưởng nhau hơn. Đó là cách làm của HLV Phil Jackson để biến Chicago Bulls trở thành một đế chế hùng mạnh của kỷ nguyên 1990.
HUY PHẠM