(Tổ Quốc) - Đó là lời tuyên bố đanh thép của thủ tướng Anh, Boris Johnson trong công cuộc chống lại những kẻ có ý định phân biệt chủng tộc với các cầu thủ da màu.
Theo thủ tướng Anh, luật cấm các cổ động viên quá khích đến xem các trận đấu sẽ được mở rộng để nhắm đến những kẻ phân biệt chủng tộc với các cầu thủ trên mạng xã hội.
Sự thay đổi được đề xuất áp dụng ngay lập tức sau hàng loạt vụ phân biệt chủng tộc nhắm vào các cầu thủ da màu trong đội hình tuyển Anh sau thất bại của Tam Sư tại Euro 2020 hôm Chủ Nhật.
"Những gì chúng tôi đang cố gắng là thực hiện các bước thiết thực để đảm bảo rằng lệnh cấm trong bóng đá sẽ phải thay đổi. Nếu bạn lạm dụng phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội, đừng mơ tới việc đặt chân đến các sân vận động nữa", ông nói với MPs.
"Trừ khi các nền tảng của họ cổ súy nạn phân biệt chủng tộc, nếu không, họ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu và tất cả chúng ta đều biết họ có công nghệ để làm điều đó", ông chia sẻ thêm.
Lệnh cấm những người hâm mộ quá khích đến sân được đưa ra vào năm 1989 để ngăn chặn những kẻ côn đồ người Anh gây rối xung quanh các trận đấu trong nước và nước ngoài, do Cơ quan Lệnh cấm Bóng đá chịu trách nhiệm quản lý.
Trả lời câu hỏi khẩn cấp về vấn đề này tại quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Victoria Atkins thừa nhận việc sử dụng lệnh cấm để ngăn cản những kẻ xấu xa sẽ là "vô cùng phức tạp".
Cảnh sát Greater Manchester cho biết một người đàn ông 37 tuổi đã bị bắt vì tình nghi phạm tội theo luật An ninh mạng của xứ sở sương mù sau nhiều bài đăng trên mạng xã hội nhắm vào các cầu thủ Anh da màu. Hành vi phạm tội này có mức hình phạt tối đa hai năm tù hoặc phạt tiền không giới hạn.
Chính phủ Anh đang chịu áp lực ngày càng lớn nếu không giải quyết triệt để vấn đề này, với một bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu cấm suốt đời đối với những người lạm dụng phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, Johnson và các bộ trưởng phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt vì không lên án kịp thời những hành vi thiếu sự tôn trọng.
Johnson cũng nhấn mạnh rằng ông đã tổ chức các cuộc thảo luận ban đầu với các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, TikTok, Snapchat và Instagram.
HUY TRƯỞNG