(Tổ Quốc) - Koen Bosma chỉ lướt qua V-League như một cơn gió, nhanh đến mức ít ai còn nhớ tới. Nhưng đằng sau cuộc phiêu lưu ngắn hạn đó là một câu chuyện dài với những tiết lộ gây sốc.
Các bàn thắng thay đổi trận đấu. Và đôi khi, có những bàn thắng thay đổi cuộc đời.
Ví dụ như David Beckham với siêu phẩm từ giữa sân tung lưới Wimbledon năm 1996, một bàn thắng mà ngay cả Pele cũng không làm được (gặp Tiệp Khắc tại World Cup 1970, huyền thoại người Brazil đã thử, nhưng thất bại).
Trong tự tuyện của mình, Beckham viết rằng: "Tôi không thể biết về những gì xảy ra sau đó, nhưng khoảnh khắc ấy đã khởi đầu cho tất cả, từ sự chú ý của truyền thông, sự nổi tiếng đến cuộc sống ngôi sao. Khi chân tôi đá vào quả bóng đó, cũng có nghĩa nó đá tung cánh cửa cuộc đời".
Koen Bosma, trong một khoảnh khắc, cũng là tốt hơn Pele khi ghi bàn thắng tương tự Beckham. Đó là vào tháng 10/2017, trong trận đấu giữa Amsterdamsche và Ijsselmeervogels, anh có bóng ở vị trí như Beckham và tung cú dứt điểm từ xa qua đầu thủ môn. Đáng tiếc là Amsterdamsche không phải M.U, và giải đấu anh chơi không phải Premier League, mà là hạng 3 ở Hà Lan. Chỉ có vài trăm khán giả chứng kiến tuyệt phẩm đó. Vậy nên cũng chẳng có bước ngoặt nào xảy ra với Bosma.
Nhưng gượm đã, chúng ta đang nói về Bosma. Vậy anh ta là ai?
Là một cầu thủ bóng đá người Hà Lan, trong những năm đầu sự nghiệp, Bosma chơi cho HFC Haarlem. Khi đội bóng này phá sản vào năm 2010, anh chuyển đến VVSB, đội bóng nghiệp dư ở Noordwijkerhout.
Thời sinh viên, Bosma từng điều hành một số công ty lữ hành, bao gồm cả Airbnb, hệ thống đặt phòng trực tuyến. Vì vậy, anh có sẵn máu phiêu lưu để luôn thôi thúc bản thân tham gia vào các trải nghiệm ở những nơi xa lạ. Vào một ngày năm 2011, Bosma nhận được email của Phnom Penh Crown, một CLB vừa vô địch Campuchia. "Nghe có vẻ tin cậy", anh nghĩ, "vậy thì lên đường thôi".
Ngày đầu đặt chân đến Phnom Penh Crown, Bosma khá sốc khi biết rằng đội bóng không có phòng thay đồ đúng nghĩa. Các cầu thủ sẽ phải thay đồ trong những túp lều nhỏ dựng bằng tre nứa. Xét về cơ sở vật chất, ở đây còn thua cả đội bóng hạng tư Hà Lan. Nhưng Bosma nhìn thấy sự quyến rũ trong vẻ hoang sơ đó. Anh cầm lấy bút ký vào bản hợp đồng.
Bosma ký hợp đồng với Phnom Penh Crown trong lần đầu đến chơi bóng tại Đông Nam Á.
Thay vì một chiếc ô tô, Bosma nhận từ CLB chiếc xe máy cà tàng. Vậy là hàng ngày anh sẽ đến sân tập trên chiếc xe đó, và với tình trạng ướt đẫm mồ hôi vì cái nóng khủng khiếp của Campuchia. Sau khi tập xong, do Phnom Penh Crown cũng không có phòng tắm với vòi hoa sen, Bosma lại leo lên xe máy và phi về khách sạn. "Tới nhà thì mồ hôi cùng khô, đóng một lớp khiến tôi có cảm giác như đang mặc quần bó", anh nhớ lại.
Dù vậy, Bosma luôn cho rằng thời gian ở Campuchia đã rất tuyệt, và có ý định gắn bó lâu dài. Nhưng rồi anh mâu thuẫn với HLV người Thụy Sĩ, Sam Schweingruber. Chuyện xảy ra ở Cúp giao hữu khu vực Mekong, bao gồm các CLB đến từ Campuchia, Việt Nam, Lào và Myanmar.
Trong một trận đấu, Phnom Penh Crown chịu quả phạt góc. Bosma nghĩ rằng đối thủ sẽ thực hiện đường chuyền ngắn nên đứng hơi xa cầu môn và cũng không theo kèm tiền đạo phe đối lập. Thật không may, đó là đường chuyền bổng và anh ta ghi bàn.
Bosma tự nhủ rằng anh đã sửa chữa sai lầm bằng việc ghi một bàn thắng và tạo ra rất nhiều cơ hội cho đồng đội để trận đấu kết thúc với tỷ số 2-2, nhưng HLV Schweingruber thì không. Ông ta la hét, trách móc và quy trách nhiệm nặng nề. Cùng lúc ấy, Bosma nhận được rất nhiều đề nghị từ các tay môi giới qua Facebook. Và anh chọn lấy một trong số đó, để đến Sông Lam Nghệ An năm 2014.
Tại sao lại là Sông Lam? "Tôi không chơi bóng vì tiền, nhưng họa có điên mới từ chối đề nghị tốt như vậy", tiền đạo người Hà Lan nói. Sông Lam hứa trả cho anh 30.000 USD (khoảng 700 triệu VND) tiền lót tay, 8.000 USD tiền lương mỗi tháng và 750 USD tiền thưởng qua mỗi trận đấu. "Tôi không đủ tốt để chơi chuyên nghiệp tại Hà Lan để kiếm được nhiều tiền, nhưng đến Sông Lam tôi cũng có thể bỏ túi khoản tiền tương tự", anh nói.
Ngày Bosma lên đường cùng các đồng đội Sông Lam để chơi trận ra mắt, Chủ tịch CLB cũng nhắn sẽ gửi anh khoản tiền lót tay. Anh trả lời rằng, họ có thể giao tiền cho cô bạn gái Lisanne đang ở khách sạn.
"Ở Việt Nam họ không thích phụ nữ dính vào việc làm ăn", Bosma kể, "Thế nên tiền được trao chóng vánh. Họ đến, đặt cái túi thể thao chứa 30.000 USD xuống ghế và trong chớp mắt, rồi biến mất".
"Lisanne sốc nặng khi mở túi và nhìn thấy cơ man là tiền trong đó. Cô ấy vội vàng chạy về phòng càng nhanh càng tốt và giấu tất cả dưới đáy vali. Cô luôn sợ rằng có kẻ nào đó đã nhìn thấy và có ý định ăn cắp nó. Khi trở về, hai chúng tôi rải tiền ra giường và chụp ảnh như trong clip của những tay hiphop".
Câu chuyện bịch tiền không phải là điều điên rồ duy nhất. Bosma còn cảm thấy khá dở hơi khi Sông Lam yêu cầu anh dọn vào ở trong khu tập thể cùng đội bóng. "Thật là ngu ngốc khi tôi nằm trong đó, còn bạn gái mình lại nằm cô đơn trong khách sạn chỉ cách đó vài trăm mét", Bosma nói, "Cuối cùng thì Ban lãnh đạo cũng chiều ý tôi, với điều kiện, tôi phải hứa với Chủ tịch và HLV sẽ không… làm tình. Hình như trong hợp đồng cũng có điều khoản đó, rằng không được quan hệ với bạn gái trước các trận đấu".
Ở Việt Nam, cách thức hoạt động khá ngẫu hứng và không được lên lịch từ trước. Ví dụ như sau trận đấu vào thứ Tư, anh trở lại khu huấn luyện vào lúc 7h tối và được thông báo, phải chuẩn bị đồ đạc để khởi hành lúc 10h tối tới Nha Trang. Chuyến đi kéo dài trong 20 tiếng và theo Bosma, "nó thật kinh khủng".
Dù sao thì mọi thứ khởi đầu khá tốt cho Bosma. Sông Lam kiếm được 4 điểm sau 2 trận và bản thân anh có 2 kiến tạo. Trận thứ 3, anh dính chấn thương nhẹ và chỉ vào sân trong hiệp 2, nhưng tiếp tục chơi khá ổn, giúp đội bóng kiếm được 1 điểm. Hôm ấy Lisanne và chị gái cũng có mặt trên khán đài. Báo chí Việt Nam đã viết về chuyện đó. Bosma rất vui, và tự hào.
Nhưng trận thứ 4, Bosma không còn được ra sân dù không có bất cứ vấn đề gì về thể trạng. Chuyện quái gì xảy ra vậy? Thoạt đầu Bosma đã rất ngạc nhiên. Sau khi tìm hiểu, anh đã biết lý do.
"Ở Việt Nam, ngân sách đến từ tiền tài trợ. Và khoản chi cho chuyển nhượng, tất cả đều có thể kiếm chác, bao gồm cả HLV. Với mỗi phi vụ, HLV sẽ nhận được một khoản hoa hồng. Nếu chi phí cho cầu thủ càng cao, ông ta sẽ nhận được ít, và ngược lại.
Như trường hợp của tôi, HLV đương nhiên không hài lòng và nghĩ cách gỡ gạc. Một hôm ông ta nói với tôi, tôi sẽ được ra sân trở lại nếu đưa cho ông ta một số tiền. Tôi từ chối, vì không có gì đảm bảo ông ta sẽ không đòi hỏi thêm lần nữa.
Không được thi đấu, tôi đã rất ngây thơ với ý nghĩ, giới truyền thông sẽ sớm đặt câu hỏi về sự vắng mặt của tôi. Nhưng HLV dễ dàng vượt qua, với lời giải thích "Bosma bị chấn thương, nhưng vẫn ngồi trên băng ghế dự bị để cổ vũ đồng đội". Vậy nên tôi luôn đi cùng đội, nhưng không được chơi.
Thật may là hợp đồng của tôi với Sông Lam chỉ vài tháng và tôi có thể ra đi sớm".
Bosma trở lại Hà Lan thi đấu.
Sau Việt Nam, Bosma có những cuộc phiêu lưu ở Malaysia và Australia, trước khi trở lại Hà Lan để bạn gái tiện chăm sóc bà mẹ bị bệnh vào cuối năm 2015. Bây giờ ở tuổi 29, anh hài lòng với cuộc sống tại quê nhà, quản lý một công ty nhỏ, chơi cho đội nghiệp dư Amsterdamsche và thi thoảng tạo nên siêu phẩm như đã làm vào lưới Ijsselmeervogels.
Tuy nhiên, với ham muốn phiêu lưu, Bosma vẫn chờ đợi những cuộc khám phá mới để tìm kiếm những trải nghiệm thú vị giống ở Campuchia, hay Việt Nam.
THANH ĐÌNH