(Tổ Quốc) - Bị bỏ rơi từ năm 1 tuổi tại Trung Quốc, Margaret MacNeil được một gia đình Canada nhận nuôi và đã giành HCV 100m bơi bướm nữ ở Olympic Tokyo 2020 cho đoàn Canada.
Sau khi vượt qua kình ngư Trung Quốc Zhang Yufei để giành lấy tấm HCV 100m bướm nữ tại Olympic Tokyo 2020, Margaret MacNeil đang trở thành đề tài nóng trên MXH Trung Quốc. Bởi lẽ, nhiều nghi vấn đặt ra rằng liệu cô gái quốc tịch Canada từng là nạn nhân của chính sách 1 con tại đất nước tỉ dân này?
Hannah Margaret McNair MacNeil sinh năm 2000 tại thành phố Cửu Giang bên dòng sông Trường Giang, tỉnh Giang Tây. Đó là những gì được viết trong hồ sơ của cô trên trang chủ đoàn thể thao Canada. Một cặp đôi người Canada đã nhận nuôi nữ kình ngư này khi cô bị bỏ rơi năm 1 tuổi, đưa cô sang Canada, cô lớn lên ở đây và phần còn lại là lịch sử.
Margaret MacNeil giành HCV đầu tiên tại Olympic Tokyo 2020 cho đoàn thể thao Canada (Ảnh: Getty Images)
Hashtag liên quan đến chiến thắng của MacNeil đang đứng top thịnh hành trên MXH Weibo từ ngày 26/7 và đến nay đã có hơn 400 triệu lượt xem. Rất nhiều ý kiến cho rằng cô đã bị bố mẹ ruột bỏ rơi để tránh chính sách 1 con lúc bấy giờ.
Chính sách hà khắc này của chính quyền Trung Quốc có hiệu lực đến năm 2016, đã khiến rất nhiều bé gái bị bỏ rơi hoặc tệ hơn. Nó còn dẫn đến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, khi từng có giai đoạn, Trung Quốc thừa hơn 30 triệu nam giới.
Lo ngại những hệ quả xấu đến xã hội, chính sách này đã được nới lỏng thành mỗi gia đình 2 con vào năm 2016. Trong năm nay, nó tiếp tục được nới lỏng hơn nữa, cho phép mõi gia đình có tối đa 3 con.
Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhiều người dùng internet Trung Quốc, chiến thắng của MacNeil là lời nhắc nhở về chính sách dài hơn 1 thập kỷ, thứ đã để lại một sự bất bình đẳng giới lớn. Theo chính phủ Hoa Kỳ, hơn 84% của 43.000 trẻ em được người Mỹ nhận nuôi từ Trung Quốc từ 1999 đến 2019 là bé gái.
Trong khi nhiều tờ báo Trung Quốc đã mô tả VĐV Canada như là một niềm tự hào gốc Hoa. Một số ý kiến trên Weibo lại cho rằng, họ nên phản bác lại điều đó.
"Chúng ta đánh mất cô ấy vì sự trọng nam khinh nữ, sao bây giờ các người dám nhắc đến gốc gác Trung Hoa của cô ấy cơ chứ!", một dòng bình luận bức xúc.
Một bài đăng thịnh hành trên Weibo với tựa đề: "Canada vô tình tìm thấy ngọc quý" và kêu gọi tìm kiếm bố mẹ thật của MacNeil đã nhận phải rất nhiều chỉ trích. Bình luận hàng đầu nói: "Chính Canada đã nuôi dưỡng và rèn giũa ra viên ngọc quý ấy".
Người về đích thứ 2 tại nội dung 100m bướm nữ - Zhang Yufei nói với Reuters rằng cô cảm thấy MacNeil như là một thành viên trong gia đình. Trái lại, nhà vô địch khẳng định mình lớn lên tại Canada và bản thân là người Canada. MacNeil nói trong buổi họp báo:
"Tôi sinh ra tại Trung Quốc và được nhận nuôi từ rất lâu về trước. Gốc gác Trung Quốc của tôi cũng chỉ đi xa đến đó thôi.
Nó là một phần rất nhỏ trong hành trình của tôi cho đến lúc này, và nó hoàn toàn không liên quan đến bơi lội hay khả năng của tôi đã đạt đến mức nào".
Thành Đạt