(Tổ Quốc) - Quyết định tổ chức Olympic Tokyo 2020 mà không có khán giả đã giáng một đòn chí mạng vào các doanh nghiệp, những người đã bỏ hơn 3 tỉ đô la Mỹ cho tham vọng marketing tại sự kiện này.
Đế chế nước giải khát của Nhật Bản Asahi đã mơ về những khán đài đầy ắp khán giả quốc tế, họ nốc cạn từng lon " bia chính thức của Olympic Tokyo 2020 " và từ đó lan tỏa hình ảnh của thương hiệu bia này khi bỏ ra hơn 100 triệu USD tài trợ cho Olympic.
Nhưng quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp do sự gia tăng của dịch Covid-19 tại Tokyo cùng các tỉnh phụ cận, trong đó có quy định cấm các nhà hàng, quán bar phục vụ đồ uống có cồn và quyết định tổ chức Olympic không khán giả của một loạt các địa phương đã tát thẳng vào mặt kế hoạch này.
Đồng hành cùng họ là hơn 50 doanh nghiệp khác, với tổng số tiền tài trợ lên đến hơn 3 tỉ USD (khoảng 69.600 tỉ VNĐ). Đây là số tiền tài trợ từ doanh nghiệp nước chủ nhà lớn nhất trong lịch sử các kỳ Thế vận hội.
Tập đoàn NTT đã lên chiến dịch quảng bá công nghệ tăng cường thực tế của mình, với việc cho phép khán giả có thể chứng kiến bộ môn đua thuyền như thể họ ở ngay gần VĐV. Tuy nhiên giờ đây, chỉ có các nhân sự Olympic mới có thể chứng kiến điều đó.
Đại diện KNT-CT Holdings, tập đoàn sở hữu các công ty lữ hành hàng đầu Nhật Bản bày tỏ sự nuối tiếc với quyết định tổ chức Thế vận hội mà không có khán giả: "Thật kém may mắn cho chúng tôi. Những gói tour cho các CĐV háo hức đến theo dõi các trận đấu đã không thể bán được do chẳng có khán giả".
Kể cả trong trường hợp đại dịch Covid-19 không hề xảy ra và mọi thứ diễn ra bình thường, đầu tư vào Olympic cũng có những mặt hạn chế. Với chính sách "thể thao thuần túy", Ủy ban Olympic quốc tế IOC không cho phép các thương hiệu xuất hiện trên trang phục các VĐV và trên sân đấu. Ngoài ra, những vấn đề căng thẳng và gây tranh cãi không liên quan đến thể thao cũng thường xuất hiện gần các sự kiện lớn. Thế vận hội mùa đông năm sau tại Bắc Kinh đang trở thành đối tượng bị kêu gọi phản đối.
" Nếu các thương hiệu phụ thuộc vào chiến dịch của mình tại các địa phương tổ chức Olympic trong khoảng 16 ngày hoặc có thể là kéo dài sau đó nữa, thì có thể họ đã có một khoản đầu tư sai lầm ", phó giám đốc điều hành công ty marketing thể thao Octagon - Woody Thompson bình luận.
Dù vậy, ông Thompson cũng cho rằng, các doanh nghiệp cũng sẽ bất chấp đầu tư vào canh bạc này. Bởi lẽ đây là cơ hội để logo năm vòng tròn Olympic xuất hiện trên bao bì sản phẩm và khơi dậy niềm tự hào dân tộc mỗi khi có VĐV nước nhà giành được huy chương.
Trong lúc các nhà tài trợ Nhật Bản phải chấp nhận rủi ro lớn, các tập đoàn toàn cầu lại không phải quá lo lắng. Có 14 tập đoàn đã ký kết hợp đồng tài trợ với IOC, bao gồm những cái tên như Alibaba, Intel hay Visa. Họ hoàn toàn có thể bù đắp sự thất vọng ở kỳ Thế vận hội này bằng thành công của Bắc Kinh 2022 hay Paris 2024. Nỗi lo sợ sự lây nhiễm tại sân vận động sẽ không ảnh hưởng đến những người ngồi sau màn hình tivi.
Quyết định không cho khán giả đến theo dõi của ban tổ chức Olympic Tokyo được đưa ra để đối phó với số ca nhiễm tại Tokyo và các tỉnh lân cận tăng cao và biến chủng mới đang lưu hành. Thế vận hội Tokyo được cho là có thể trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm. Mới đây, các thành viên đội tuyển rugby Nam Phi đã phải cách ly khi đi chung chuyến bay từ Kagoshima tới Tokyo với một ca dương tính Covid-19.
Danh sách 18 VĐV đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo:
-Quách Thị Lan (điền kinh)
-Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi)
-Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)
-Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo)
-Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung)
-Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông)
-Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (Thể dục dụng cụ)
-Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương (boxing)
-Nguyễn Thị Thanh Thủy (Judo)
-Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ)
-Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo (đua thuyền rowing).
Thành Đạt