(Tổ Quốc) - Những hào nhoáng trong võ thuật là những thứ đến sau cùng và đôi khi còn phải cần đến may mắn. Người chơi võ là series dành riêng cho những con người tài năng nhưng bạc phận của làng võ khắp thế giới.
Chris Byrd có thể là một cái tên khá xa lạ với người hâm mộ Boxing thế giới. Bởi lẽ, khoảng thời gian tay đấm này đạt đỉnh cao phong độ cũng là lúc những quái kiệt hạng nặng lên ngôi.
Có thể cho rằng cuộc đời khá bất công cho Chris Byrd khi để một tay đấm hạng trung như ông phải đôn cân lên hạng nặng để đối đầu những gã khổng lồ. Dù vậy, Byrd vẫn làm nên kỳ tích khi 2 lần giành được đai vô địch WBO, IBF hạng nặng thế giới. Trong đó, có những lần ông khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi đánh bại Vitaly Klitschko, Evander Holyfield và David Tua.
Higlight "thánh né đòn" Chris Byrd
Lối thi đấu đặc biệt của Chris Byrd còn khiến người hâm mộ phải đặt cho ông biệt danh "thánh né đòn" (slip master).
Tài năng kém vận ở hạng trung
Năm 1992, chàng võ sĩ trẻ Chris Byrd trở thành tay đấm đại diện cho nước Mỹ tại Olympic. Với kinh nghiệm của một nhà vô địch toàn quốc Mỹ, Chris Byrd đã xuất sắc giành được tấm huy chương bạc tại Olympic Barcelona năm 1992.
Ngay sau đó, tay đấm trẻ tuổi này đã quyết định chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp ngay lập tức để tìm kiếm những cơ hội mới. Tuy nhiên, thập niên 90 lại là thời điểm cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào hạng nặng, chẳng một ai để mắt đến á quân Olympic.
Chris Byrd chia sẻ với Sport5: "Tôi không nhận được lời mời nào sau khi giành huy chương bạc Olympic cả. Lúc đó tâm trạng tôi rất tệ. Tôi đã bị trầm cảm nặng. Khi ấy tôi đã nghĩ rằng 'Được thôi, nếu họ cần một gã hạng nặng, mình sẽ là một võ sĩ hạng nặng'. Thời ấy, làm một võ sĩ hạng nặng sẽ dễ tìm ông bầu hơn nhiều."
Ông nói tiếp: "Ước mơ của tôi là được thi đấu ở hạng trung, siêu trung và bán nặng. Cho đến nay, ước mơ đó vẫn còn cháy bỏng. Tôi vẫn mong muốn trở thành võ sĩ hạng trung số 1 của thế giới".
"Các tay đấm hạng nặng ngày trước nhỏ con hơn, và thế là hành trình của tôi bắt đầu. Ước mơ của tôi là được thi đấu ở hạng trung, siêu trung và hạng bán nặng. Cho đến nay, tôi vẫn muốn trở thành võ sĩ hạng trung đứng đầu thế giới".
Thời trai trẻ, Chris Byrd đứng trước 2 lựa chọn: Thi đấu ở hạng trung và rồi phó mặc sự nghiệp cho số phận hoặc phải tăng cân để có thể tìm thấy những bản hợp đồng thật sự. Byrd đã có quyết định.
Cực hình đôn cân lên hạng nặng
Trong khi giới võ sĩ đã quá nổi tiếng với những câu chuyện cắt cân đầy nước mắt thì với Chris Byrd, đời võ sĩ của ông ám ảnh với 2 từ: đôn cân. Vốn là một tay đấm hạng trung (72,5kg), Chris Byrd phải đôn lên trên 91kg mới có thể đủ tiêu chuẩn đấu hạng nặng.
Chris Byrd nói tiếp với Sport5: "Khoảng thời gian quyết tâm lên hạng nặng là một khoảng thời gian khó khăn đối với tôi. Vì tôi quá nghèo, tôi đã phải ăn mọi thứ có thể chỉ để đạt đủ mức cân hạng nặng. Vừa phải tập luyện nặng, vừa phải ăn khiến tôi như kiệt sức".
"Mọi người nhìn vào một kẻ phải mượn tiền bà con, họ hàng, xin tiền bất kỳ ai chỉ để mua đồ ăn nhanh, các món ăn vặt về nạp vào dạ dày khiến họ hoài nghi về quyết tâm của tôi. Thành thực mà nói, lúc đó tôi còn chẳng biết rằng những món ăn đó có thể gây ảnh hưởng đến phong độ thi đấu của tôi như thế nào. Tôi có thể nói rằng khoảng thời gian đầu sự nghiệp, tôi chỉ đạt 60% phong độ trong mỗi trận đấu".
"Nhưng bạn biết đấy, thằng nhóc Chris Byrd lúc đó rất lì lợm, và nó chẳng sợ ai cả. Nó cứ thế mà thi đấu và chiến thắng thôi".
Một trong những "may mắn" nhỏ nhoi của Chris Byrd lúc đó chính là vào khoảng đầu sự nghiệp, ông cũng gặp nhiều đối thủ có hoàn cảnh đôn cân tương tự. Điều này giúp bất lợi thể hình của Chris Byrd không còn quá nghiêm trọng như ban đầu.
Dù vậy, 92kg chỉ là mức cân tối thiểu của một võ sĩ hạng nặng. Trong khi đó, những võ sĩ to lớn bẩm sinh khác có thể đạt cân nặng đến 100kg hoặc 110kg để lấy lợi thế sức mạnh và sức tì đè. Vì thế, Byrd vẫn là một kẻ nhỏ bé.
Bước ngoặt mang tên Holyfield
Dù trước khi đối đầu với Holyfield, Chris Byrd đã từng chiến thắng Vitaly Klitschko. Tuy nhiên, vì đánh mất chức vô địch ngay sau đó với Wladimir Klitschko, tình hình kinh tế của Chris Byrd vẫn chưa thể ổn định.
Đối với võ sĩ, những bữa ăn không chỉ để ngon miệng hay lấp đầy một chiếc bao tử đói. Những bữa ăn là yếu tố quyết định trong quá trình phục hồi cơ thể sau chấn thương, phục hồi sau những buổi tập nặng. Quan trọng nhất chính là khả năng duy trì phong độ của những bữa ăn dinh dưỡng chuẩn.
Highlight chiến thắng của Chris Byrd trước Evander Holyfield
Byrd cho biết, ông vẫn chưa thể tự lo tiền ăn uống đúng chuẩn cho bản thân cho đến tận trận đấu với Evander Holyfield.
"Thực sự tôi không biết cơ thể mình ở trạng thái tệ hại như thế nào cho đến một lần đi khám. Bác sĩ đã hốt hoảng khi thấy rằng cơ thể của tôi là một thứ gì đó phải nói là rác rưởi. Lúc đó tôi mới bắt đầu lo lắng và cố gắng cải thiện chuyện ăn uống để đạt phong độ tốt hơn".
"Khi ấy tôi mới bắt đầu nhìn lại thực đơn của mình và tập trung vào chuyện ăn uống. Nhưng bạn thấy đấy. Kể cả khi không đạt được 100% phong độ, Chris Byrd vẫn là 'thánh tránh đòn' (slip master) kia mà" - Chris Byrd đùa.
Sau chiến thắng trước Holyfield và 4 lần bảo vệ đai thành công sau đó, người hâm mộ mới không còn nhìn nhận Chris Byrd là một kẻ gặp thời ăn may.
Song, những thành quả đã đến quá trễ cho Chris Byrd. Sau khoảng thời gian đó, ông liên tục đụng độ những đối thủ khó nhằn nhất như Wladimir Klitschko, Alexander Povetkin... để rồi Byrd phải tuyên bố giải nghệ chỉ sau 5 trận đấu kể từ lần bảo vệ đai thành công cuối cùng.
Con đường trở lại Boxing ở tuổi 50
Hiện tại, sau một quãng thời gian vật lộn với trầm cảm vì những giấc mơ dang dở thời trẻ tuổi, Chris Byrd đã quyết định trở lại võ đài khi ông tròn 50. Lúc này, đối với Chris Byrd, ông đã đủ khôn ngoan và đủ khả năng để tự trang trải cho sự nghiệp thi đấu. Vấn đề duy nhất còn lại của Chris Byrd chính là tuổi tác của ông.
"Thành thực mà nói, tôi là một kẻ ăn đấm để kiếm sống. Và tôi đã ăn đấm từ những nhà vô địch hạng nặng rồi. Tôi chịu được điều đó, vì thế giờ khi tôi trở về hạng trung, với lợi thế sải tay, kinh nghiệm và nhiều thứ khác, tôi tự tin rằng mình có khả năng chiến thắng. Thậm chí tôi còn vạch kế hoạch sẽ chinh phục hạng trung, siêu trung và cả hạng bán nặng nữa cơ. Đó mới là ước mơ của tôi và là sân chơi của tôi. Và tôi không đấu giao hữu hay biểu diễn đâu. Là đấu thật, và nếu tranh đai, sẽ là tranh đai thật".
Khôi Nguyên