(Tổ Quốc) - Lá cờ Olympic đã chính thức được Tokyo chuyển giao cho Paris, chủ nhà Olympic 2024.
Sau khi phải hoãn 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuối cùng thì Olympic Tokyo 2020 cũng đã đi đến hồi kết vào tối 8/8, sau 2 tuần tranh tài đầy nhiệt huyết và giàu cảm xúc. Đại diện cho thành phố chủ nhà Tokyo - thị trưởng Yuriko Koike đã trao lại lá cờ Olympic cho chủ tịch Thomas Bach của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Và từ đó, nó được trao lại cho đại diện chủ nhà của kỳ Thế vận hội 2024 là bà Anne Hidalgo - thị trưởng thành phố Paris hoa lệ.
Olympic Tokyo đã chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều môn thể thao mới, cùng những thay đổi trong công tác tổ chức, đặc biệt là kinh nghiệm về công tác tổ chức Thế vận hội giữa đại dịch. Ba năm nữa, tại thủ đô nước Pháp, kỳ Olympic hiện đại thứ 33 trong lịch sử sẽ chào đón nhiều điều mới mẻ hơn nữa.
1. Thế vận hội quay lại "Kinh đô ánh sáng" sau 1 thế kỷ
Vào năm 2024, thành phố Paris sẽ tự hào trở thành thành phố thứ 2 sau London có 3 lần tổ chức Thế vận hội mùa hè (thành phố Los Angeles sẽ gia nhập nhóm này vào năm 2028). Thủ đô nước Pháp đã tổ chức kỳ Olympic 1900, 4 năm sau khi phong trào Olympic được khôi phục với kỳ Thế vận hội đầu tiên tại Athens 1896. Đây cũng là kỳ Olympic đầu tiên có sự tham gia tranh tài VĐV nữ.
Năm 1924 đánh dấu sự kiện Paris trở thành thành phố đầu tiên tổ chức 2 kỳ Olympic. Sau đúng 100 năm, Olympic đã quay lại với người dân Paris. Thủ đô nước Pháp còn có ý nghĩa đặc biệt với Olympic bởi đây là nơi sinh của Bá tước Pierre de Coubertin - người khai sinh ra Thế vận hội hiện đại, chủ tịch thứ 2 trong lịch sử IOC.
2. Breakdance chính thức trở thành môn thể thao Olympic
Paris 2024 dự kiến sẽ có 32 môn thể thao với 306 nội dung. Trong số này, bộ môn mới nhất chính là nhảy breakdance. Bộ môn này là những điệu nhảy đường phố yêu cầu có những động tác chân và kỹ năng vận động cao. Các vũ công breakdance chính là những VĐV (VĐV nam sẽ gọi là B-Boy và VĐV là B-Girl). Các phần biểu diễn sẽ được ban giám khảo chấm điểm trên các tiêu chí kỹ thuật, sáng tạo, phong cách, tốc độ, sức mạnh, nhịp điệu và sự dẻo dai.
Tại Olympic trẻ Buenos Aires 2018, breakdance đã được đưa vào thi đấu. Cùng với trượt ván, lướt sóng và leo núi thể thao - 3 bộ môn lần đầu xuất hiện tại Olympic Tokyo, đây hứa hẹn sẽ tiếp tục là bước phát triển thuận lợi cho các môn thể thao đường phố và thể thao mạo hiểm.
Phát biểu trong buổi họp của IOC về công tác tổ chức Paris 2024, chủ tịch Thomas Bach đã nói rằng mục tiêu của IOC là tổ chức những kỳ Thế vận hội "công bằng giới tính, trẻ hơn và đô thị hơn":
"Chúng ta phải đặt mục tiêu rõ ràng, đó là phải nhắm tới những môn thể thao phổ biến với thế hệ trẻ. Ngoài ra, cũng cần phải gia tăng sự đô thị hóa thể thao".
3. Kỷ lục mới về địa lý của Olympic
Đảo Tahiti - hòn đảo lớn nhất quần đảo Polynesia thuộc Pháp sẽ là nơi tổ chức bộ môn lướt sóng của Olympic 2024. Nằm giữa Thái Bình Dương, cách Paris 15,700 km, Tahiti sẽ phá kỷ lục về địa điểm tổ chức nội dung thi đấu nằm cách xa thành phố chủ nhà nhất trong lịch sử Olympic. Kỷ lục trước đó là khi bộ môn cưỡi ngựa Olympic Melbourne 1956, phải tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển trước 5 tháng do quy định nhập cảnh động vật khắt khe của Australia.
Nổi tiếng là một trong những thiên đường du lịch Thái Bình Dương, hòn đảo này đã chiến thắng các ứng cử viên khác tại chính quốc là bãi biển Biarritz gần biên giới Tây Ban Nha, 2 bãi biển gần thành phố Bordeaux là Lacanau và Les Landes và bãi biển la Torche ở phía tây bắc nước Pháp.
4. Lần đầu tiên Olympic và Paralympic dùng cùng 1 biểu tượng
Đúng 20h24 ngày 21/10/2019 tại Paris, biểu tượng chính thức của Paris 2024 được công bố và tạo nên một khoảnh khắc lịch sử của Thế vận hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, Olympic và Paralympic có chung 1 biểu tượng. Được miêu tả như "bộ mặt" của Paris 2024, biểu tượng này được thiết kế dựa trên sự dung hợp của 3 yếu tố: huy chương vàng, ngọn lửa Olympic và Marianne - hình tượng biểu trưng cho cuộc cách mạng Pháp.
"Đó là lịch sử và cách mà chúng tôi thể hiện tham vọng tại 2 sự kiện lần này. Chúng tôi muốn các VĐV của cả 2 sự kiện (Olympic và Paralympic) được đặt ở cùng một vị thế và cùng chào đón chúng theo cùng 1 cách", chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024 - cựu VĐV chèo thuyền Tony Estanguet phát biểu.
5. Marathon cho tất cả
Một sự kiện Marathon dành cho các VĐV nghiệp dư cũng như tất cả mọi người sẽ diễn ra ngay sau khi bộ môn marathon của Olympic 2024 kết thúc thi đấu. Diễn ra trong cùng một ngày, tuy không cùng lúc với các VĐV đỉnh cao, nhưng người tham gia sẽ được trải nghiệm cùng 1 tuyến đường và cùng 1 điều kiện với nội dung thi đấu chính thức.
Trang chủ của Olympic Paris 2024 viết:
"Với sự kiện này, Paris 2024 mong muốn mời gọi mọi người trên khắp nước Pháp tham gia để được truyền cảm hứng bởi tư duy của các VĐV và các giá trị của Olympic. Từ đó họ có thể áp dụng vào cuộc sống thường nhật.
Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều thể thức khác nhau để tất cả mọi người đều có thể tận hưởng trải nghiệm có 1 không 2 này. Cho dù họ có kinh nghiệm hay chỉ là người mới, cơ thể lành lặn hay khuyết tật, trẻ hay già,...đều có thể trải nghiệm khoảnh khắc đáng nhớ này".
Thành Đạt