Messi, cầu thủ duy nhất trên thế giới quan trọng hơn cả đội bóng

(Tổ Quốc) - Sau những gì đã làm cho Barca, siêu sao Lionel Messi chính thức vượt qua khuôn khổ của một cầu thủ bình thường. Quyết định đi hay ở của anh hiện tại có thể ảnh hưởng đến tồn vong của cả một CLB, thậm chí giải đấu.

Cách đây 2 năm, huyền thoại Peter Schmeichel có nói rằng ở Manchester United, không cầu thủ nào sở hữu cái tôi lớn hơn đội bóng.

Đây thực ra là phương châm xây dựng đội bóng có từ rất lâu, Schmeichel chỉ mượn lại để dằn mặt anh chàng Paul Pogba luôn coi mình là ngôi sao kể từ khi trở về Old Trafford. Nó mang hàm ý ở trong một tập thể, cầu thủ phải thật nề nếp, được đối xử công bằng và cùng nhau hướng đến mục tiêu chung.

Không thể vì ghi nhiều bàn thắng mà một cầu thủ tỏ ra mình quan trọng hơn phần còn lại. Allegri cũng từng nói thẳng điều đó với Ronaldo khi cầu thủ này mới đến Juventus.

Tuy nhiên nhìn vào tình hình hiện tại ở Barcelona, Lionel Messi đã vượt ra ngoài khuôn khổ.

Tiền đạo người Argentina đệ đơn xin ra đi, khiến BLĐ đội bóng phải cuống cuồng nghĩ cách giữ chân anh ở lại. Thậm chí BTC giải La Liga cũng phải vào cuộc, họ nói rằng bất kỳ CLB nào muốn mua Messi cũng phải đưa ra đủ 700 triệu euro, một con số khổng lồ.

Hành động này cho thấy BLĐ Barca, dẫn đầu bởi ông Bartomeu và La Liga đang hợp lực trở thành một liên minh. Mục tiêu duy nhất của liên minh này là đảm bảo mùa giải sắp tới, Messi vẫn xuất hiện trong các trận đấu vào cuối tuần trên sân cỏ Tây Ban Nha.

Messi, cầu thủ duy nhất trên thế giới quan trọng hơn cả đội bóng - Ảnh 1.

La Liga cần Messi nhưng ngược lại thì không (Ảnh: USATODAY)

Có lẽ chưa bao giờ La Liga lâm vào tình cảnh khốn đốn như thời điểm hiện tại. Vào năm 2018, họ từng để mất Ronaldo cho Serie A. Nhưng theo ông Javier Tebas, Chủ tịch giải đấu, thương vụ này chẳng ảnh hưởng nhiều đến La Liga. Phải đến khi Messi dùng dằng muốn thoát khỏi Camp Nou, mọi thứ mới trở nên cực kỳ nghiêm trọng.

“Ronaldo ra đi có thể khiến Real cảm thấy khó chịu, nhưng La Liga thì không. Từ lâu giải đấu của chúng tôi đã cố gắng để giá trị thương mại của các CLB vượt qua các cầu thủ”, ông Tebas chia sẻ.

“Nhưng Messi là một trường hợp rất khác”.

Sự khác biệt ông Tebas nhắc đến ở đây, là Messi đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình thi đấu cho Barca ở La Liga. Anh là huyền thoại sống, còn Ronaldo chỉ là kẻ đi đánh thuê. Mất Messi đồng nghĩa với việc top 10 ngôi sao được liệt kê vào danh sách cạnh tranh Quả Bóng Vàng năm ngoái sẽ không xuất hiện một cầu thủ nào ở La Liga.

Nghiễm nhiên Tebas lo sốt vó khi nghe tin con gà đẻ trứng vàng của mình sắp sang Premier League hoặc Ligue 1 nên buộc phải lên tiếng ủng hộ Barca.

Nhưng sự thật cho thấy ông Tebas lo một thì Bartomeu lo mười. Vị Chủ tịch này có thể bị liệt vào danh sách đen vì khiến đế chế Barca hùng mạnh thuở nào giờ chỉ còn đống tro tàn. Tự tay ông đã đập vỡ từng viên gạch, nền móng cuối cùng Messi cũng sắp khăn gói ra đi nốt.

Ở góc độ kinh tế, để Messi ra đi sẽ giúp CLB Barca đỡ được một khoản lớn tiền lương. Đổi lại nó cũng khiến đội bóng mất đi một khoản thu khổng lồ hàng năm, từ bản quyền các trận đấu cho đến sản phẩm bán kèm có gắn hình ảnh Messi.

Trên MXH Instagram, số lượng người theo dõi Messi lên đến 166 triệu. Messi vượt qua cả những ngôi sao lớn của ngành giải trí thế giới như Beyonce, Justin Bieber hay Taylor Swift, và đương nhiên cả Barcelona (89,3 triệu). Anh là một trong những cầu thủ được yêu quý nhất thế giới.

Vậy dễ thấy nếu không còn Messi, Barcelona sẽ trở thành một CLB kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà tài trợ. Nhất là vào thời điểm CĐV bóng đá trên toàn thế giới hiện giờ quan tâm đến những cầu thủ nổi tiếng hơn là các CLB, theo ông Tim Bridge, tác giả cuốn sách “Deloitte Football Money League”.

Messi, cầu thủ duy nhất trên thế giới quan trọng hơn cả đội bóng - Ảnh 2.

Fan theo dõi Messi trên MXH nhiều hơn Barca (Ảnh: Goal)

“Càng ngày càng có nhiều fan hâm mộ thần tượng một cầu thủ thay vì đội bóng. Họ thích cách cầu thủ chơi bóng trên sân hoặc đơn thuần chỉ là yêu mến tính cách, vẻ bề ngoài”, ông Tim chia sẻ với Goal.

Ở góc độ thể thao, Barcelona mất Messi thì vẫn thuộc nhóm một trong những CLB có bề dày thành tích đáng nể nhất châu Âu. Tuy nhiên, sự thật ít ai để ý là kỷ nguyên hưng thịnh nhất của Barca trùng với thời điểm Messi xuất hiện trên sân cỏ.

Hơn một phần ba trong 94 chiếc cúp đội bóng chủ sân Camp Nou giành được đến từ lúc Messi được đôn lên đội một (33). 2 cú ăn 3 vĩ đại nhất lịch sử CLB, mùa 2008-2009 và 2014-2015 đều có dấu ấn đậm nét của tiền đạo người Argentina.

Kể từ năm 2008 đến nay, Messi luôn là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho Barca trên mọi đấu trường đội bóng này tham dự.

Tầm ảnh hưởng của Messi cũng được thể hiện rõ với một sự thật, rằng không một cầu thủ, HLV nào đến Barcelona để mang triết lý bóng đá của mình áp dụng lên CLB. Ngược lại, họ tới để bổ sung, biến lối chơi được xây xung quanh Lionel Messi trở nên hoàn hảo nhất có thể.

Thế nên Zlatan Ibrahimovic tài giỏi, mạnh mẽ như thế đã bị đẩy đi không thương tiếc vì muốn vượt mặt Messi. Tương lai của Antoine Griezmann cũng bị đặt dấu hỏi khi anh không thể phối hợp với người đàn anh nổi tiếng hơn. Cầu thủ nào mới đến Camp Nou cũng khẳng định rất tự hào khi được khoác áo đội bóng lớn, nhưng trong thâm tâm họ còn tự hào hơn khi được trở thành đồng đội của Messi.

Chính Javier Mascherano, đồng đội ở Barca và tuyển Argentina từng khẳng định rõ vị thế của Messi vào năm 2017: “Messi là thứ tiên, là duy nhất. Chúng ta đang nói đến cầu thủ giỏi, vĩ đại nhất lịch sử đội bóng và cả nền bóng đá”.

“Tôi thấy trong lịch sử Barca, có rất nhiều cầu thủ quan trọng đã ra đi nhưng CLB vẫn trụ lại, vẫn giành thắng lợi, vẫn đem về những chiếc cúp vô địch. Người ta hay nói đội bóng ấy lớn hơn bất kỳ vị HLV hay cầu thủ tài năng nào, nhưng những nhận định ấy không áp dụng cho Leo. Đó là sự thật, mọi người nên chấp nhận”.

Lời nhận xét của Mascherano khi ấy có thể coi là một cảnh báo cho BLĐ Barcelona, rằng họ đang sở hữu một ngôi sao đặc biệt, rằng Bartomeu nên liệu mà đưa ra những quyết định đúng đắn, tránh khiến Messi phật lòng.

Nhưng qua từng ấy năm tháng, ông Bartomeu và BLĐ Barca đã liên tục mắc những sai lầm. Họ đưa về những cầu thủ đắt giá nhưng thành tích trên sân cỏ cứ liên tục đi xuống, để rồi khiến Messi chán nản mà đòi ra đi.

Đến lúc này, khi mọi thứ đang đứng trên bờ vực của đổ vỡ, ông Bartomeu có lẽ mới nhận ra rằng ông đang đối mặt với một cầu thủ sở hữu tầm ảnh hưởng vượt quyền kiểm soát của mình. Có cuống cuồng sửa sai đến mấy thì ông vẫn chỉ là một vị chủ tịch bất tài, không giữ chân nổi ngôi sao lớn nhất của đội mà thôi.

PHỤNG HIẾU

Tin mới