Lứa Công Phượng (HAGL) từng khóc sướt mướt ở chuyến tập huấn Thái Lan

(Tổ Quốc) - Chuyện lạ mà có thật xảy ra vào năm 2011 khi khoá 1 Học viện HAGL JMG đi tập huấn ở Thái Lan.

Tháng 6/2011, nhóm cầu thủ khoá 1 gồm đầy đủ gương mặt như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều,… sang Thái Lan tập huấn ở học viện thuộc hệ thống JMG.

Lứa Công Phượng ở HAGL từng khóc sướt mướt sau chuyến tập huấn Thái Lan - Ảnh 1.

Khoá I HAGL Arsenal JMG nay là HAGL JMG có nhiều cầu thủ nay đã thành danh, trở thành ngôi sao của nền bóng đá (Ảnh: HAGL JMG)

Trong chương trình "Have a sip – After Hours", Xuân Trường miêu tả lại địa điểm tập huấn: "Kỷ niệm này chắc sẽ nhớ mãi. Chúng tôi được đi tập huấn ở một học viện của Thái Lan. Khi đặt chân đến, nó nằm trên một cánh đồng vùng quê.

Cơ sở vật chất so với ở Việt Nam rất kém, kiểu Việt Nam 10 điểm thì ở đó được 3, 4 điểm thôi. Chúng tôi dự kiến ở đó hai tuần. Ngay khi tới, mọi người nhìn nhau thở dài kiểu sao lại phải ở một nơi như thế này, nhìn chán ước chỉ muốn về.

Học viện ở giữa cánh đồng mùa hè, có quạt trần, giường tầng, nhà cấp 4, một bể bơi ở giữa, nhà ăn trông kiểu rất đơn sơ. Mọi thứ rất bình thường nhưng lại có điều đặc biệt".

Xuân Trường kể tiếp: "Sau hai tuần tập huấn xong, mọi người lên xe thì đa số ai cũng khóc, không muốn về. Cảm giác ở đấy rất khó tả. Chúng tôi sinh hoạt cùng cầu thủ Thái Lan nhưng mọi người giao tiếp rất thân mật vì cả hai đội đều có thể nói được tiếng Anh. Các món ăn chỉ có hai người nấu thôi. Cầu thủ Thái gọi là "mẹ". Hai người nấu thôi mà nấu kiểu không thua kém nhà hàng lớn.

Khi lên xe về, ai cũng khóc sướt mướt. Video đó giờ vẫn còn trong máy thầy tôi. Đó là một kỷ niệm đẹp".

Xuân Trường cho biết vẫn giữ liên lạc với một số cầu thủ Thái Lan từ thuở ấy. Họ gặp nhau ở nhiều giải đấu và giờ có người đã trở thành trụ cột ở đội tuyển quốc gia.

"ĐTQG thì gần đây nhất thi đấu ở vòng loại 2 World Cup 2022. Thái Lan không gặp Việt Nam nữa nhưng chúng tôi có gặp nhau nói chuyện một lúc, chụp ảnh kỷ niệm. Tôi chỉ nhớ một bạn biệt danh "Tê", một bạn là "Ta". Biệt danh rất dễ thương", Xuân Trường chia sẻ.

"Mặc dù là người Thái, người Việt với nhưng gặp lại thì như người bạn chơi với nhau rất lâu, rất thân".

Cầu thủ "Ta" mà Xuân Trường nhắc đến là hậu vệ Suporn Peenagatapho (Tar), thi đấu cho Muangthong United. "Tê" là tiền vệ Phitiwat Sukjitthammakul (Tae), thi đấu cho Chiangrai United. Cả hai đều sinh năm 1995.

Lứa Công Phượng ở HAGL từng khóc sướt mướt sau chuyến tập huấn Thái Lan - Ảnh 2.

Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh chụp ảnh cùng Suporn (trái) và Phitiwat (thứ hai từ phải sang) khi tuyển Việt Nam và Thái Lan thi đấu vòng loại 2 World Cup 2022 tại UAE tháng 6/2021 (Ảnh: FBNV)

Thật khó để lứa Công Phượng, Xuân Trường đá được như xưa 

Khoá 1 Học viện HAGL JMG từng khiến khán giả Việt Nam mê mẩn với những pha ban bật bóng ngắn đẹp mắt, liên tưởng tới "tiki taka" trứ danh của Barcelona. Giai đoạn 2013 – 2014 là đỉnh cao của U19 HAGL và U19 Việt Nam. Thế nhưng, chính Xuân Trường thừa nhận để lứa của anh đá được như vậy lúc này gần như không thể.

"Chúng tôi gia nhập học viện từ năm 12 tuổi nhưng đến 17 tuổi mới đá giải chính thức. Sau khoảng 5, 6 năm ăn tập với nhau, đó là thời điểm ra mắt khán giả", Xuân Trường giãi bày.

"Trong suốt thời gian luyện tập, chúng tôi chờ gặt hái thành quả, rất háo hức. Chúng tôi chơi bóng bằng đam mê, nhiệt huyết, đúng kiểu đá trận đấu này như thể không còn cơ hội được đá dưới sự chứng kiến của khán giả như thế nữa. Rất hăng say".

"Giải chính thức đầu tiên là U19 Đông Nam Á khi chúng tôi 17 tuổi. Chúng tôi chơi với nhau và để chơi lại thứ bóng đá như thời điểm ấy không hề dễ".

Xuân Trường lý giải: "Vô tư là thứ khác biệt lớn nhất. Tôi cũng không biết tại sao nữa nhưng giờ sau khi trải qua nhiều đợt tập trung đội tuyển khác nhau, HLV khác nhau thì có nhiều sự thay đổi trong lối chơi từng người".

Sinh hoạt cùng nhau từ năm 12 tuổi, khoá 1 HAGL JMG có những cầu thủ đã gắn bó cùng 1 đội gần 15 năm. Họ chứng kiến nhau trưởng thành.

Lứa Công Phượng ở HAGL từng khóc sướt mướt sau chuyến tập huấn Thái Lan - Ảnh 3.

Khoá I HAGL JMG đã đứng trước cơ hội lớn giành chức vô địch V.League đầu tiên nhưng đáng tiếc mùa giải 2021 bị huỷ giữa chừng vì dịch bệnh (Ảnh: HAGL)

Xuân Trường kể: "Khoảng thời gian đầu, mọi thứ đều mới mẻ với tất cả mọi người. Các cầu thủ đến từ mọi miền đất nước. Sự hoà nhập ban đầu khó khăn. Văn hoá vùng miền khác nhau.

Thậm chí, chúng tôi còn nghĩ giọng của ai hay hơn, của bạn không bằng của tôi, giọng tôi được lên thời sự, là bình luận, các bạn miền Nam làm sao được như thế. Nó thể hiện cái tôi, tính cách háo thắng thuở bé.

Sau thời gian tập luyện cùng nhau, đây là những anh em không chung huyết thống nhưng thật sự là anh em. Ý nghĩa từ anh em rất tuyệt vời. Chúng tôi ở bên nhau suốt 7 năm đến khi thi đấu chuyên nghiệp, có người thì 13, 14 năm rồi.

Sau nhiều thời gian, đây là môi trường giúp tôi trưởng thành rất nhiều để có được tôi bình tĩnh hơn, lắng nghe và suy nghĩ hơn. Ngày xưa, tôi rất hiếu thắng. Trong mọi trận đấu, cuộc chơi, tôi phải thắng, là người giỏi nhất nhưng trải qua nhiều va vấp, thất bại thì nhận ra nhiều thứ. Tôi trưởng thành hơn rất nhiều nhờ có bóng đá và những người anh em".

HIẾU LƯƠNG

Tin mới