(Tổ Quốc) - Bị đồng môn đòi “thử nghề”, Lâm Hữu Hội nổi nóng bỏ đũa đứng dậy để tỉ thí. Và rồi, chỉ trong thoáng chốc, Lâm Hữu Hội gục ngã như con cừu non trước mãnh hổ…
CON CỪU NON TRƯỚC MÃNH HỔ VÀ CHẶNG ĐƯỜNG BÔN TẨU GIANG HỒ
Theo nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường (võ sư Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà) thì huyền thoại làng võ miền Nam - võ sư Long Hổ Hội có tên thật là Lâm Hữu Hội (1907-1988). Ông sinh tại xã Vĩnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, trong một gia đình đại địa chủ, ruộng đất "thẳng cánh cò bay".
Vốn mê quyền cước từ nhỏ, Lâm Hữu Hội học võ với một cao thủ người Tiều (Trung Quốc) rồi "Lão Hổ vương" chuyên về Hổ quyền là người Hẹ (Trung Quốc). Sau đó, võ sư Lâm Hữu Hội đã thọ giáo võ công suốt 7 năm ròng với Huỳnh Long đại sư tức Chu Thiếu Quân, người Quảng Đông (dòng võ Chu gia nổi tiếng về Long quyền).
Vốn mang tâm hồn giang hồ lãng tử, nên khi đã "cứng nghề", Lâm Hữu Hội từ giã quê nhà để bôn tẩu giang hồ cho thỏa chí tang bồng. Ông lang bạt ở các bến xe khắp Nam Kỳ lục tỉnh bằng nghề xếp bến và bảo tiêu (áp tải hàng cho các con buôn).
Trong thời gian đó, ông đã đụng độ và khuất phục không biết bao nhiêu tay anh chị sừng sỏ, được giới giang hồ nể trọng như một "đại ca lớn". Tuy vậy, ông lại tỏ ra tốt tính và thường hay giúp đỡ, bảo vệ những người nghèo khổ, yếu đuối.
Ảnh võ sư Long Hổ Hội ngồi giữa và các học trò của võ đường Long Hổ Hội trước 1975 (ảnh do võ sư Hồ Tường cung cấp).
Chuyện kể rằng, có một hôm, trên đường xuôi ngược, tình cờ ông gặp lại người bạn đồng môn cũ trước kia cùng học với vị thầy người Tiều. Sau một hồi hàn huyên, người bạn ấy hỏi: "Lâu nay nị có học thêm võ nghệ ở đâu không?". Lâm Hữu Hội trả lời đầy thản nhiên: "Mình giỏi quá rồi còn học thêm gì nữa!".
Người bạn đồng môn chỉ mỉm cười lắc đầu rồi mời Lâm Hữu Hội về nhà chơi. Trong bữa cơm chiều, người bạn cho biết là cái vốn võ mà Lâm Hữu Hội học được trước kia chẳng thấm vào đâu cả. Lâm Hữu Hội nổi nóng bỏ đũa đứng dậy đề nghị thử. Và rồi, cuộc tỉ thí giữa hai người bạn đã diễn ra. Kết quả, chỉ trong thoáng chốc, Lâm Hữu Hội gục ngã giống như con cừu non trước mãnh hổ. Từ đó, ông mới hiểu thế nào là cái mênh mông của biển võ.
Sau đó người bạn đồng môn dẫn Lâm Hữu Hội lên núi Tà Lơn (Thất Sơn - Châu Đốc, An Giang) gặp 3 người Tiều có vóc dáng rất kỳ dị. Một người cao to vạm vỡ, người thứ hai mập ú tròn lẳn, người còn lại gầy gò nhỏ thó như một cậu bé. Cả 3 người đều là võ sư. Ông xin theo học với người thầy nhỏ thó là cao thủ phái Thiếu Lâm Nững Xị - một trong hai phái võ lớn của người Tiều (Triều Châu, Trung Quốc).
Võ sư Hồ Tường nói với chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc: ""Nững xị" theo tiếng Tiều có nghĩa là "né lực". Thiếu Lâm Nững Xị thuộc Bắc phái, du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVII, võ phái này đặc điểm là chỉ có tấn công và tấn công, sở trường dùng đòn chân trên nền tảng là bộ "Lưỡng tấn".
Sau 5 năm ròng rã khổ luyện, trình độ võ công của Lâm Hữu Hội thăng tiến vượt bậc. Một hôm, 3 người thầy gọi ông lại, tiết lộ họ là những nghi phạm bị chính quyền Trung Quốc lùng bắt, phải trốn sang Việt Nam ẩn náu, nay đã được giải oan, nên trở về nước.
Sau khi từ giã ba võ sư người Tiều, cuộc đời lại đưa đẩy Lâm Hữu Hội trở thành tay anh chị bảo vệ cho sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn (quận 5, Sài Gòn). Môi trường này đã nhanh chóng cuốn ông vào những cuộc đam mê đỏ đen. Chẳng mấy chốc bao nhiêu tiền của nướng sạch, nợ nần chồng chất, đến nỗi phải ở nhờ nhà người quen để trốn nợ. Nhưng chính nhờ vậy mà cuộc đời ông lại rẽ sang hướng khác…".
Võ sư Long Hổ Hội những năm 1970 (ảnh do võ sư Hồ Tường cung cấp).
VỊ SƯ TỔ TỪNG KHUYNH ĐẢO VÕ ĐÀI SÀI GÒN
Theo lời kể của nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì sau một thời gian phải sống chui lủi để trốn nợ, Lâm Hữu Hội dần thay đổi về suy nghĩ và nhận thức. Đầu tiên, vì mục đích muốn trả ơn, Lâm Hữu Hội nhận dạy võ cho con chủ nhà.
Thế nhưng, bằng tài năng và bản lĩnh hơn người, võ sĩ Lâm Hữu Hội từng gây xôn xao giới võ lâm sau khi hạ đo ván Surivong - nhà vô địch Muay Thái người Thái Lan. Trận tỉ thí diễn ra từ thập niên 30 - 40 thế kỷ trước.
Trước trận đấu này, Surivong tỏ ra rất ngạo mạn. Võ sĩ này tuyên bố sẽ hạ đo ván Lâm Hữu Hội ngay trong hiệp 1 bằng những miếng đòn "sát thủ" của mình đó là lên gối và củi chỏ. Thế nhưng, Surivong không hề biết rằng Lâm Hữu Hội cũng là một cao thủ về đòn chỏ gối và là một chiến binh không dễ bị khuất phục.
Trận đấu giữa Lâm Hữu Hội và Surivong diễn ra đầy khốc liệt. Khác với phong thái cương mãnh của võ sĩ người Thái Lan thì Lâm Hữu Hội tỏ ra khéo léo và linh hoạt hơn. Không chỉ lì lợm chống đỡ, khắc chế được nhiều pha ra đòn của địch thủ, Lâm Hổ Hội còn kéo đối thủ tới hiệp 3 để rồi hạ đo ván võ sĩ người Thái bằng đúng sở trường của người Thái đó là một cú chỏ lật "sắc như dao".
Võ sư Long Hổ Hội và các thành viên trong gia đình (ảnh do võ sư Hồ Tường cung cấp).
Sau chiến thắng vang dội trước nhà vô địch người Thái Surivong, nhiều người biết đến đã tới gặp Lâm Hữu Hội để xin thọ giáo ngày càng đông. Càng ngày, Lâm Hữu Hội càng nổi tiếng trong giới võ lâm miền Nam.
Sau đó, Lâm Hữu Hội kết hợp "Long - Hổ quyền" ghép với tên mình, thành lập võ đường Long Hổ Hội ở ấp Cộng Hòa 5, xóm Võ Ngói, xã Hạnh Thông, Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Từ đó, người ta gọi Lâm Hữu Hội là võ sư Long Hổ Hội.
Từ thập niên 1950-1970, đoàn võ sĩ chuyên đánh đài lưu động của võ đường Long Hổ Hội tạo sóng gió khắp sàn đấu 3 nước Đông Dương, Sài Gòn, Chợ Lớn, từ miền Trung đến miền Tây, với biệt danh mở đầu bằng chữ Long, như Long Mousse, Long Mousemi…
Võ đường Long Hổ Hội là nơi từng đào tạo nhiều thế hệ võ sĩ tài năng, trong đó có "tứ đại thiên vương" gồm hai võ sĩ gốc Ấn Độ là A Mách và Moustaza, Tôn Ngọc Lực và Hải Huỳnh (từng đấu võ đài nhiều năm liền ở các tỉnh miền Trung).
Sau nhiều thăng trầm của cuộc đời và nhiều thập kỷ gắn bó với võ nghiệp, võ sư Long Hổ Hội khuất núi tại Sài Gòn ngày 12/9/1988 (12/8 năm Mậu Thìn) hưởng thọ 81 tuổi. Sau này, các môn đệ đã gọi ông là sư tổ của võ phái Long Hổ Hội.
Di ảnh võ sư Long Hổ Hội (ảnh do võ sư Hồ Tường cung cấp).
"Bốn người con trai cố sư tổ Long Hổ Hội đều là võ sư, hiện người con út là võ sư Lâm Hữu Bình (tự Long Hổ Bill) tiếp tục duy trì võ đường Long Hổ Hội và võ phái Thiếu Lâm Nững Xị tại quận Gò Vấp, TP HCM.
Những năm 1979, khi phong trào võ thuật ở TP.HCM mới phục hồi, có người tham gia hoạt động võ thuật tại quận Bình Thạnh, tự nhận mình là Long Hổ Hội. Tuy nhiên, nhiều người trong câu lạc bộ võ thuật từng tham gia hoạt động võ thuật tại Sài Gòn từ trước năm 1975, đã từng biết võ sư Long Hổ Hội thực sự, tỏ ra thắc mắc thì vị võ sư nọ mới nói rằng đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Riêng bản thân chúng tôi từng đi xem võ đài từ những năm 1958-1959 thì có biết võ đường Long Hổ Hội, cũng như biết khá rõ ngoại hình võ sư Long Hổ Hội. Bởi vì những năm từ năm 1965, từ khi chúng tôi sống ở Sài Gòn với cha tôi là võ sư Hồ Văn Lành đến trước năm 1988, võ sư Long Hổ Hội thi thoảng có đến chơi với ba tôi tại nhà ở khu vực Cầu Muối và lần nào ba tôi cũng dúi vào tay ông chút ít tiên để … làm lộ phí!
Chúng tôi còn nhớ rất rõ là võ sư Long Hổ Hội có dáng người cao to khoảng 1m80, thường đội mũ phớt, mặc đồ jean nhạt, đeo kính đen to bản che gần hết khuôn mặt, miệng luôn phì phèo điếu Camel, tay đeo đồng hồ Longine…" – võ sư Hồ Tường cho biết.
(Xem thêm các tin tức võ thuật tại đây)
Tiểu Mã (ghi)