Lionel Messi sẽ không bao giờ vô địch cùng Argentina, hay bi kịch của một thiên tài?

(Tổ Quốc) - Argentina lại thất bại. Và Lionel Messi thất bại. Vậy lý do đằng sau là gì, tại Argentina hay tại Messi? Không. Chỉ có thể nói rằng, đây là bi kịch của một thiên tài.

Không có những giọt nước mắt ở Estadio Mineirao. Lionel Messi cay đắng và thất vọng. Nhưng anh không khóc. Có thể vì anh đã khóc quá nhiều ở World Cup 2014, ở Copa America 2015 và 2016. Khi thất bại đến quá nhiều, giống như một thói quen, những giọt nước mắt trở nên thừa thãi.

Không khác mọi lần, Messi và Argentina đến một giải đấu lớn với những kỳ vọng lớn lao, sau đó ra về trong tiếng thở dài não nuột.

 - Ảnh 1.

Càng ngày con đường đến đỉnh cao càng trở nên mịt mùng. Mọi con đường chỉ dẫn đến sự tuyệt vọng. Và càng ngày người ta càng có cảm giác, Messi sẽ không bao giờ giành một danh hiệu cùng ĐTQG, kể cả khi anh tiếp tục góp mặt tại Copa America 2020 ở tuổi 33, và World Cup 2022 ở tuổi 35.

Một lần nữa người Argentina lại đau khổ tự hỏi, tại sao họ vẫn không có gì khi đã có Messi? Chẳng phải Jose Mourinho đã nói, bất cứ đội bóng nào cũng trở thành nhà vô địch nếu sở hữu Messi đó sao? Bằng chứng là Barca, trong 15 năm thuộc kỷ nguyên Messi, đã giành 34 chiếc Cúp lớn nhỏ, bình quân cứ 0,4 năm lại có thêm một chiếc Cúp, trong khi 104 năm trước đó chỉ kiếm được 60, tức 1,7 năm/Cúp.


Liệu có phải Messi quá tệ với Argentina? Thật ra thì không. Như trước Brazil, anh là người dứt điểm nhiều nhất (4), đi bóng nhiều nhất (7) và cũng tạo ra nhiều cơ hội nhất (4) bên phía Albiceleste. Càng không phải Messi không chịu hy sinh vì tập thể.

Anh chạy rất nhiều, có tới 69 lần chạm bóng trên phạm vi rất rộng và chơi trong nhiều vai trò, số 6, số 8 rồi số 10. Vì hàng tiền vệ Argentina không đủ tốt, La Pulga phải nỗ lực bù đắp thiếu hụt đó, ra sức kết nối các tuyến và thiết lập nhịp điệu. Công bằng mà nói, Messi ở một đẳng cấp khác so với phần còn lại, và như một người hâm mộ viết trên Twitter, sự chênh lệch này dẫn đến việc đôi khi, các đồng đội không biết anh sẽ làm gì tiếp theo.

Mấu chốt nằm ở sự chênh lệch này. Messi quá hay trong khi những người xung quanh anh lại không tương xứng về tầm vóc. Đúng là trong đội hình hiện tại Argentina vẫn còn một vài cái tên xuất sắc, như Sergio Aguero và Di Maria, nhưng không đủ. Và Messi vẫn loay hoay một mình để làm mọi việc.

Messi tốt hơn tại Barca, vì đó là một cỗ máy hoạt động trơn tru, ổn định, với các mắt xích hoàn hảo. Argentina thì khác, đầy chia rẽ, bất ổn và hiếm khi là một tập thể. Điều đáng buồn là Messi không thể thay đổi tình trạng đó, dù đeo băng đội trưởng.

Diego Maradona từng chỉ ra, Messi thiếu những phẩm chất và cả cá tính để đóng vai trò thủ lĩnh. Anh rất ít nói, đến mức Gerard Pique nói rằng, hồi đầu mới tiếp xúc ở đội trẻ Barca, mọi người còn tưởng anh bị câm.

 - Ảnh 2.

Sự khép kín và hướng nội của Messi khiến người ta hiểu nhầm rằng anh thờ ơ với tất cả. Anh không hát quốc ca ở Argentina, nhưng tại Barca, anh cũng từng bàng quan một mình, hai tay nhét vào túi áo khoác trong lúc các đồng đội và người hâm mộ điên cuồng ăn mừng chức vô địch.

Huyền thoại người Brazil, Romario thì cho rằng, Messi mắc hội chứng tự kỷ nhẹ Asperger, tương tự hai nhân vật nổi tiếng Isaac Newton và Albert Einstein. Mặt tích cực của hội chứng này là giúp anh có khả năng tập trung tốt hơn người khác. Nhờ đó, một thiên tài được sinh ra.

Nhưng với tính cách ấy, thật khó để Messi trở thành nhà lãnh đạo có khả năng định hướng, thúc đẩy đồng đội vượt qua giới hạn bản thân, vực dậy và truyền cảm hứng cho họ khi lâm nghịch cảnh. Cho dù anh đã cố làm mới hình tượng trong những năm gần đây, trở nên nam tính và đàn ông hơn với bộ râu rậm rạp, các hình xăm phủ lên khối cơ bắp, thì bản chất vẫn không thay đổi.

Messi vẫn trầm tính và thích giao tiếp qua điện thoại hơn là đối thoại trực tiếp. Đã có rất nhiều giai thoại về việc anh nhắn tin cho HLV, phàn nàn về chiến thuật trong trận đấu, dù đang ngồi cùng xe bus. Hoặc trong các bữa ăn cùng đội, Messi vẫn dính lấy chiếc điện thoại trong hầu hết thời gian và không muốn bị ai làm phiền.

Điều kỳ lạ Maradona, dù biết rõ Messi không phải thủ lĩnh lý tưởng, vẫn bị cám dỗ trao cho anh tấm băng thủ quân Albiceleste vào năm 2010, khi mới 22 tuổi. Đơn giản vì tài năng, danh tiếng của La Pulga quá lớn. Và bất cứ ai cũng không tự tin chỉ đạo anh ta, cũng như anh ta không chấp nhận chịu sự chỉ đạo của ai khác. Nên nhớ ảnh hưởng của Messi bao trùm tất cả, thậm chí chi phối cả HLV.

Nhưng với một đội trưởng kiểu Messi, tự nhiên hố sâu ngăn cách được tạo ra. Các cầu thủ chỉ có sự sợ hãi và phục tùng vô điều kiện. Đôi khi việc tìm cách đáp ứng thủ lĩnh của mình cũng thật khó khăn, bởi họ không biết anh ta nghĩ gì bởi hạn chế trong giao tiếp.

Tất cả dẫn tới một sự thật lố bịch, rằng các cầu thủ Argentina chiến đấu vì Messi chứ không phải vì bản thân họ hay vì niềm tự hào dân tộc. Aguero nói rằng anh "hào hứng với việc giành ngôi vô địch cho Leo hơn là cho chính bản thân mình", và HLV Scaloni cũng tuyên bố, "các cầu thủ yêu Messi rất nhiều đến nỗi họ muốn vô địch chỉ vì cậu ấy".

 - Ảnh 4.

Đó là lý do những ngôi sao của Argentina khi về đội tuyển không bao giờ tỏa sáng như lúc khoác áo CLB, để rồi tạo nên một đội bóng rời rạc, kém hiệu quả. Trong khi đó, có một sự thật phũ phàng, Albiceleste có xu hướng chơi hay hơn, hoặc ít nhất cũng nhiệt hơn, nếu Messi vắng mặt.

Tất nhiên, đó không phải lỗi của Messi. Chính xác, nó là số phận của anh, hay có thể định danh một cách mỹ miều hơn, bi kịch của một thiên tài.

THANH ĐÌNH - GN

Tin mới