"Kéo bóng đá Trung Quốc lùi lại 10 năm" vì quy định sốc, "sếp lớn" khẳng định mình không sai

(Tổ Quốc) - Giải VĐQG Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc tháo chạy lớn vì quy định mới mang tính “thiết quân luật” của Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA).

KÉO BÓNG ĐÁ TRUNG QUỐC LÙI LẠI 10 NĂM

Như tin đã đưa, CFA cách đây ít ngày đã công bố quy định mới về việc chi tiêu của các CLB ở Chinese Super League trong vòng 3 năm tới. Theo đó, trong một năm tài chính, một đội bóng không được phép chi vượt quá 600 triệu nhân dân tệ (khoảng 91,5 triệu USD), đồng thời đưa ra mức trần lương cho cả cầu thủ Trung Quốc và ngoại binh.

Theo đánh giá của tờ Yangcheng Evening News, quyết định của CFA này khiến cho bóng đá Trung Quốc trở lại 10 năm trước. Tờ báo này lý giải:

"Cách đây 3,4 năm, con số 600 triệu nhân dân tệ chỉ đủ giúp một CLB trụ hạng ở Chinese Super League. Đội bóng nào muốn cạnh tranh chức vô địch về cơ bản cần chi khoảng 1,5 tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Một số thậm chí còn chi vượt quá 2 tỷ nhân dân tệ.

10 năm trước, khi Tập đoàn Evergrande bắt đầu bước chân vào làng bóng đá Trung Quốc, khoản đầu tư 600 triệu nhân dân tệ thừa sức giúp CLB Guangzhou Evergrande cạnh tranh chức vô địch, kể cả khi đó có rất nhiều đội bóng mạnh như Shandong Luneng, Beijing Guoan, Shanghai Shenhua…

Kéo bóng đá Trung Quốc lùi lại 10 năm vì quy định sốc, sếp lớn khẳng định mình không sai - Ảnh 1.

Guangzhou Evergrande từng vô địch AFC Champions League, nhưng điều đó không thể xoa dịu nỗi đau của người hâm mộ về những thất bại liên tiếp của bóng đá Trung Quốc ở các cấp độ đội tuyển.

Khi ấy, nhưng ai là tuyển thủ quốc gia thì được trả lương khoảng 3 triệu nhân dân tệ/năm. Một số tuyển thủ nước ngoài được trả 5 triệu nhân dân tệ/năm. Thậm chí có vài người nhận lương lên tới 6 hoặc 7 triệu nhân dân tệ/năm.

Giờ đây, sau khi siết lại mức trần lương, CFA quy định mức lương trung bình của mỗi cầu thủ nội trong một mùa giải không quá 3 triệu nhân dân tệ trước thuế. Đồng thời, CLB cũng không được thưởng quá 3 triệu nhân dân tệ cho mỗi trận thắng ở Chinese Super League, và tại AFC Champions League không quá 6 triệu nhân dân tệ.

Về cơ bản, thu nhập một năm của các cầu thủ sẽ rơi vào khoảng 5 triệu nhân dân tệ trước thuế, giống như 10 năm trước. Nếu so với mức lương hiện tại, con số này đã giảm xuống chỉ còn một nửa. Và sau khi trừ thuế, số tiền này chỉ còn lại 2,75 triệu nhân dân tệ".

CUỘC THÁO CHẠY CỦA CÁC NGOẠI BINH

Không chỉ cầu thủ Trung Quốc, các ngoại binh cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn với chiến dịch mạnh tay lần này của CFA. Cụ thể, các CLB không được phép trả lương cao hơn 3 triệu euro/năm cho một cầu thủ nước ngoài, đồng thời tổng lương cho toàn bộ ngoại binh của đội chỉ được nằm trong mức 10 triệu euro/năm.

Trên thực tế, mức lương của các cầu thủ nước ngoài tại Trung Quốc lâu nay đều vượt quá con số trên. Không ít siêu sao hiện đang hưởng mức lương hơn 10 triệu euro/năm.

Kéo bóng đá Trung Quốc lùi lại 10 năm vì quy định sốc, sếp lớn khẳng định mình không sai - Ảnh 2.

Hulk chuẩn bị rời Shanghai SIPG sau 5 năm thi đấu tại đây.

Tất nhiên, quy định mới của CFA sẽ chỉ áp dụng với những bản hợp đồng được ký từ ngày 1/1/2021. Những hợp đồng cũ còn hiệu lực vẫn sẽ được duy trì mức lương đã thỏa thuận. Tuy nhiên tờ Yangcheng Evening News cho rằng việc không được trả lương cao nữa sẽ khiến rất nhiều cầu thủ nước ngoài rời Trung Quốc trong thời gian tới.

"Hiện tại, một số ngoại binh tên tuổi như gồm Hulk, Pelle, Mbia… đã quyết định ra đi. Và vẫn còn nhiều cầu thủ khác đang cân nhắc. Nguyên nhân là bởi dù họ còn thời hạn hợp đồng nhưng nếu vẫn giữ nguyên mức lương như cũ cho ngoại binh, các CLB khó lòng đáp ứng được quy định không được chi quá 600 triệu nhân dân tệ/năm. Hai bên sẽ phải ngồi thương thảo lại với nhau để bàn bạc về phần chênh lệch.

Tuy nhiên điều đó rõ ràng không dễ để có được sự thống nhất và sẽ có không ít ngoại binh chọn cách ra đi. Đến lúc đó, sẽ thật khó để thấy các ngôi sao thế giới thi đấu ở Chinese Super League và chất lượng giải đấu có thể bị ảnh hưởng", cây viết của Yangcheng Evening News nhận định.

CHỦ TỊCH CFA: PHẢI CHẤN CHỈNH LẠI CHINESE SUPER LEAGUE

Trước những phản ứng trái chiều từ dư luận, Chủ tịch CFA Chen Xuyuan cho biết ông đã dự đoán được chắc chắn sẽ có nhiều cầu thủ cảm thấy không thoải mái vì bị cắt giảm lương. Ông cho rằng CLB cần tăng cường công tác tư tưởng đối với cầu thủ, phải nêu rõ ý nghĩa của việc đưa ra mức trần lương, thống nhất giữa lợi ích của CLB và quyền lợi của cầu thủ.

Kéo bóng đá Trung Quốc lùi lại 10 năm vì quy định sốc, sếp lớn khẳng định mình không sai - Ảnh 3.

Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Trung Quốc Chen Xuyuan.

Về việc nhiều ngôi sao nước ngoài sẽ rời đi, ông Chen Xuyuan không ngần ngại phát biểu rằng những người này không thực sự đóng góp nhiều cho sự phát triển của bóng đá Trung Quốc.

"Tôi rất không hài lòng với giải Chinese Super League và thấy phải chấn chỉnh lại. Các đội bóng không nên phụ thuộc quá vào cầu thủ nước ngoài. Đó không nên là hướng phát triển của bóng đá Trung Quốc".

Ông nói tiếp: "Đưa về những cầu thủ nước ngoài như Oscar quả thực là một lựa chọn đúng đắn. Toàn bộ giải đấu và tầm ảnh hưởng của CLB có thể được cải thiện rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu ai đó muốn nói rằng Oscar có thể trực tiếp thúc đẩy trình độ của các cầu thủ trong nước, người ấy nên suy nghĩ lại. Ngay cả khi được thi đấu cùng với những ngôi sao của bóng đá thế giới, các cầu thủ Trung Quốc vẫn chưa đạt được trình độ như mong đợi. Hệ quả trực tiếp chính là việc ĐT Trung Quốc không đủ sức mạnh để cạnh tranh ở châu Á".

Kéo bóng đá Trung Quốc lùi lại 10 năm vì quy định sốc, sếp lớn khẳng định mình không sai - Ảnh 4.

Chưa biết bóng đá Trung Quốc sẽ đi tới đâu sau cuộc "đại cách mạng" này của CFA, tuy nhiên chắc chắn một điều, từ thực tại của nước láng giềng có thể thấy không phải cứ đổ thật nhiều tiền thì sẽ giúp nền bóng đá phát triển như mong đợi.

Bằng chứng là trong giai đoạn 2017-2020, Trung Quốc đặt ra 6 đại mục tiêu bao gồm: giành quyền tham dự U20 World Cup, U17 World Cup, vào tứ kết U23 châu Á 2018, bán kết Asian Cup 2019, giành vé dự Olympic 2020 và ĐTQG lọt vào top 70 thế giới. Tuy nhiên không một mục tiêu nào được hoàn thành.

Bởi thế, những người lãnh đạo CFA có cái lý riêng của mình để tạo ra một cuộc thay đổi. Chỉ không biết rằng liệu việc "thiết quân luật" với quy định cứng rắn lần này có mang tới hiệu quả như mong đợi hay không.


Linh Đan

Tin mới