(Tổ Quốc) - Nếu như sự xuất hiện của Anton Geesink chỉ khiến cho hệ thống hạng cân Judo phải cải tổ, thì những đô vật Liên Xô đã thay đổi bộ luật Judo mãi mãi.
Sau thời kỳ cải cách lại hạng cân bởi Anton Geesink, Judo Nhật Bản lại gặp một biến cố lớn nữa khiến họ phải sửa đổi lại toàn bộ hệ thống luật thi đấu của Judo mãi mãi. Nhiều người cho rằng, hành động này nhằm bảo vệ khả năng chiến thắng của người Nhật, nhưng cũng có người cho rằng, bộ luật cổ điển đã khiến nhiều Judoka xa rời khỏi lý tưởng ban đầu đã xây dựng nên Judo.
Phát súng đầu tiên của Sambo Liên Xô
Cuộc thi Judo lớn đầu tiên giữa Liên Xô và Nhật Bản xảy ra vào năm 1963, tại Kyoto, nơi Boris Mishchenko của Nga đánh bại Judoka Isao Okano nổi tiếng của Nhật Bản.
Ngay trong những giây ngắn ngủi đầu tiên, Mishchenko đã thực hiện thành công kĩ thuật khóa tay kuji-katame (armbar) đối với tuyển thủ người Nhật Bản và kết thúc trận đấu trong chưa đầy 20 giây.
Boris Mishenko chiến thắng Isao Okano
Người Nga đã trở thành một thế lực mạnh mẽ trong môn Judo, thậm chí đã giành được 3 huy chương vàng tại Thế vận hội London 2012.
Phần lớn thành công của người Nga trong môn Judo gắn liền với sự phát triển của Sambo Nga, một phong cách đấu vật được phát triển cho Lực lượng đặc nhiệm Nga vào đầu những năm 1920. Một trong những người sáng lập Sambo, Vasili Oshchepkov, là đai đen nước ngoài đầu tiên dưới thời người sáng lập Judo, Tiến sĩ Jigoro Kano.
Theo kinh nghiệm Judo của Oshchepkov, Sambo có nguồn gốc từ Judo Nhật Bản, các phong cách đấu vật quốc tế, cộng với các phong cách đấu vật dân gian truyền thống như: Armenia Kokh, Georgia Chidaoba, Romania Trîntǎ, Tatar Köräş, Uzbek Kurash, Mông Cổ, Khapsagay và Azerbaijan Gulesh.
Do những khó khăn chính trị giữa Nga và Nhật Bản, và khi họ ở hai phe đối lập trong Thế chiến II, từ "Judo" đã bị xóa khỏi từ điển thể thao của Nga và thay thế bằng thuật ngữ "Sambo".
Sambo: Không có nghệ thuật, chỉ có thắng thua
Năm 1938, Sambo được công nhận là môn đấu vật quốc gia ở Liên Xô. Khi Liên Xô phát hiện ra rằng Judo được chuẩn bị cho Thế vận hội 1964, họ bắt đầu đào tạo các đô vật của mình để giành huy chương vàng. Việc giảng dạy họ không tập trung vào giáo dục tinh thần thi đấu của Judo mà đặt mục tiêu vào kết quả cuối cùng của trận đấu. Đối với Liên Xô, họ xem Judo chỉ là một môn thể thao khác
Năm 1962, các nhà vô địch Sambo của Liên Xô, Anzor Kibrozashvili và Anzor Kiknadze, đã giành chức vô địch Judo châu Âu.
Trong Thế vận hội Tokyo 1964, Liên Xô đã giành được bốn huy chương đồng. Chiến thắng Judo của Liên Xô, và sau này là của Nga, đến từ những bài học kinh nghiệm qua nhiều năm đấu vật. Kinh nghiệm về Sambo hoặc kiến thức chuyên môn có được qua nhiều năm đấu vật quốc gia đã làm cho Judo Liên Xô trở nên khác biệt và mạnh mẽ như vậy.
Tại Thế vận hội Munich 1972, Shota Chochoshvili, 22 tuổi, đã đánh bại võ sĩ 2 lần vô địch thế giới Fumio Sasahara để giành huy chương vàng. Tại Thế vận hội năm 1976, Montreal, các Judoka Liên Xô Vladimir Nevzorov và Sergei Novikov đã giành được thành tích tương tự.
Có thể nói, Judo của Liên Xô đã làm rung chuyển thế giới judo. Phải mất một thời gian để các võ sĩ được dạy theo truyền thống của Nhật Bản và phương Tây thích nghi với các kỹ thuật không chính thống, lấy cảm hứng từ Sambo.
Các chiến thắng của Judo Nga dẫn đến những thay đổi về quy tắc, loại bỏ nhiều kỹ thuật dựa trên đấu vật. Các đòn bốc vật một chân và hai chân, cũng như các đòn ném Fireman Carry từ đấu vật đều bị cấm.
Lo ngại về các kỹ thuật kiểu đấu vật xâm nhập vào môn thể thao của họ, các quan chức Judo thế giới đã cấm các kỹ thuật quan trọng của Wrestling vào năm 2009. Judoka nào thực hiện bất kỳ động tác bắt chân kiểu Wrestling sẽ ngay lập tức bị loại.
Nhiều nhà quan sát cho rằng những thay đổi này giới hạn các kỹ thuật đấu vật và sẽ cản trở các tuyển thủ Nga. Các quy tắc Judo mới bao gồm những thay đổi nhấn mạnh vào kỹ thuật đứng của môn võ và cấm các đòn tấn công trực tiếp vào chân đối thủ, kỹ thuật thường được áp dụng ở các quốc gia có nền Wrestling mạnh như Nga, quốc gia giành được nhiều huy chương vàng nhất ở London.
Các kỹ thuật bốc chân đã bị cấm của Judo hiện đại
Giải vô địch Judo thế giới năm 2014, được tổ chức tại Chelyabinsk, Nga, được tiến hành theo quy định mới, cấm một số các kỹ thuật đấu vật. Kết quả là người Nga đã ra về mà không có một huy chương vàng nào ngoài với ba huy chương bạc và sáu huy chương đồng.
Nhiều người tin rằng những quy tắc mới này đã ngăn cản người Nga giành chiến thắng. Một nhận định khác có thể là những thay đổi quy tắc gần đây nhằm mục đích đưa Judo trở lại một phong cách truyền thống hơn của Nhật Bản.
Một số Judoka quốc tế cho rằng liên đoàn Judo cấm các kỹ thuật đấu vật để người Nhật thống trị môn thể thao này một lần nữa. Tuy nhiên, nhiều người theo chủ nghĩa thuần túy cho rằng những thay đổi đã được thực hiện để đưa nghệ thuật trở lại nguồn gốc của nó và loại bỏ sự "ô nhiễm" từ các môn thể thao khác, đặc biệt là đấu vật và sambo.
Liên đoàn Judo Quốc tế cho biết các quy tắc đã được thay đổi để làm cho judo năng động hơn, chứ không phải để giúp Nhật Bản giành được nhiều huy chương hơn.
Cho dù lý do thay đổi của Judo là gì, cho dù là để bảo tồn nghệ thuật hay để tạo lợi thế cho người Nhật, các đô vật hiện đang gặp bất lợi lớn hơn trong Judo hơn bao giờ hết. Bạn đã từng thấy một người nhấc một ai đó lên giữa không trung, nắm lấy chân của họ và điều tiếp theo mà bạn biết, ai đó đang ở trên mặt đất,
Cuối cùng, bộ luật tân thời của Judo lại chính là di sản do những Wrestler phương Tây để lại.
Khôi Nguyên