(Tổ Quốc) - Đấu kiếm Việt Nam gặp nhiều thách thức tại SEA Games 31 với sự vươn lên của các đối thủ. Thầy trò HLV Phạm Anh Tuấn tham dự 12 nội dung, 6 nội dung cá nhân và 6 nội dung đồng đội với mục tiêu là 3 Huy chương vàng. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
PV: Xin chào HLV Phan Anh Tuấn, trong thời gian qua, ĐT đấu kiếm không được đi tập huấn nước ngoài và nhiều kế hoạch bị đảo lộn. Ông có thể chia sẻ thêm về khó khăn mà toàn đội gặp phải khi chuẩn bị cho SEA Games 31?
- HLV Phan Anh Tuấn: "Trong suốt đợt dịch Covid-19 bùng phát, toàn đội cấm trại tuyệt đối, các VĐV chỉ tập luyện ở nhà thi đấu này, không ra ngoài, giống như mô hình bong bóng nhưng vẫn có người bị bệnh. Với VĐV thể trạng tốt có 3-4 ngày âm tính nhưng vẫn phải theo dõi, có bạn dài nhất là 8 ngày. Nhìn chung, đội mất khoảng 15 ngày không tập vì dịch bệnh ảnh hưởng. Sau đó, khi quay lại thì các bạn có hiện tượng sa sút thể lực, đặc biệt là ở các tình huống cần sức rướn.
Để khắc phục, chúng tôi xin cấp trên cấp phát thuốc bổ, điều chỉnh giáo án khôi phục thể lực từ từ. Ảnh hưởng như thế thì mình phải khắc phục trong thời gian dài, không thể vài ngày được. Quan trọng nhất là vấn đề tâm lý hậu Covid-19. Các thành viên ban huấn luyện, bằng sự động viên, phân tích khoa học cùng quyết tâm của các VĐV nói rằng: "Chúng ta là VĐV thể thao, là chiến binh, không được phép lùi bước, phải tiến lên, dùng thể trạng và tinh thần của mình để tiến lên". Sau 1-2 tuần thì các em cân bằng trở lại và tinh thần đã trở lại quỹ đạo".
Thời gian qua, có nghe nói rằng các thầy ở đội tuyển phải mặc giáp đấu tập với VĐV do không được đi thi đấu, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
- Thật ra đây cũng không phải sáng kiến đâu. Việc các thầy mặc giáp lên lớp, làm quân xanh luôn cho VĐV thì cũng bình thường rồi. Mỗi năm, môn đấu kiếm cũng chỉ có 1 nhóm được thi đấu 3-4 giải còn lại có những nhóm 2-3 năm không được thi đấu. Ví dụ như nhóm kiếm liễu, kiếm 3 cạnh nam. Kiếm chém thì được ưu ái hơn, có năm được đi vài giải, có 1-2 người dự vòng loại Olympic. Còn lại thì cũng nhiều năm rồi phải khắc phục. Các VĐV đã nghỉ đội tuyển nhưng chưa lên làm HLV, chẳng hạn như Nguyễn Thị Lệ Dung hay Nguyễn Thị Như Hoa sẽ làm quân xanh cho đội tuyển, hàng ngày các bạn mặc giáp lên để giúp các em có môi trường đối luyện.
Ngoài ra còn có các thầy cô trong ban huấn luyện, tất cả anh em đều xác định là mình có thể cao tuổi nhưng mình vẫn có cái hay hơn các em, có phương pháp xử lý mang tính kinh nghiệm hay tiểu xảo, cũng cần chia sẻ và truyền đạt. Hơn nữa, mỗi người đều có động tác sở trường, điều này mang đến những "miếng lạ" để tập luyện. Một đội có khoảng 4 VĐV, có đội chỉ có 2 người thôi. Họ mà cứ đánh với nhau suốt ngày thì vừa chán, vừa không có gì mới để học cả.
Ngoài ra chúng tôi cũng đảo VĐV ở các nội dung tập cùng nhau, ví dụ kiếm chém đấu với kiếm liễu, giao hữu thôi. Mặc dù chuyên sâu thì không được nhưng cũng là có thay đổi, tăng cường tập luyện.
Sự có mặt của chuyên gia mới có tác động thế nào đến đội tuyển?
- Chuyên gia Abdulmanov Ayrat ở đây có đóng góp rất nhiều. Chuyên gia cũ là ông Sergey Koryazhkin từng nhiều năm làm việc đã xin nghỉ vì sức khỏe yếu, chuyên gia mới này được giới thiệu thông qua chính ông Sergey. Hai người trao đổi với nhau rất kỹ, họ đều là người Nga nên đầu nắm bắt rất chắc kế hoạch, lộ trình đào tạo VĐV, người trước đã làm những gì, làm đến đâu thì đều nắm bắt tốt. Tất cả có sự kế cận và thống nhất, không bị đảo lộn.
Chuyên gia Ayrat trẻ hơn, cập nhật kỹ chiến thuật mới nhiều hơn, hằng ngày có thể lên lớp chỉ đạo cho các VĐV. Thật ra, người trẻ thì quyết liệt, tính chiến đấu cao hơn, tạo nên động lực lớn cho VĐV. Đôi khi cũng phải thị phạm thì VĐV mới tin, chuyên gia này làm được điều đó.
Về VĐV Thành An, ông có tự tin là anh ấy sẽ giành huy chương vàng?
- Thật ra, chúng tôi quyết tâm và tin tưởng nhưng tự tin thì không dám nói.
Liệu Thành An đã qua thời kỳ đỉnh cao chưa, có ai có thể kế tục được vị trí ấy?
- Tôi đánh giá An vẫn đang duy trì ở đỉnh cao. Ở tầm Đông Nam Á bây giờ thì An chắc chắn vẫn là số 1 hoặc số 2, không thể nào số 3 được. Thứ 2, với phong độ và sự rèn luyện như thế này, 3 năm nữa An vẫn đủ khả năng vào chung kết SEA Games.
Về lớp kế cận, Việt Nam đã tạo được vị thế ở Đông Nam Á, đã thống trị trong 10 năm trở lại đây, đấu kiếm Việt Nam thường nằm trong top đầu SEA Games. Chúng ta có lực lượng tương đối dày, có những bạn trẻ hơn đã tiệm cận đến trình độ của An. Tuy nhiên, những bạn đó là đồng đội của An, như Xuân Lợi, Đức Anh, Văn Quyết. Muốn kế cận thì phải đánh giá về lứa tuổi. Trong 2-3 năm tới, khi An đi qua thời kỳ đỉnh cao thì vẫn có Đức Anh (1996) hay Văn Quyết (1997) vẫn có thể gánh vác 2-3 năm sau nữa. Còn lứa VĐV trẻ hơn, chúng tôi đánh giá có 5 em tiềm năng nhưng vẫn còn quãng đường xa để đi.
Sau đó có một lứa sinh năm 2002-2005 nữa. Nếu bây giờ chúng tôi "thả" ra cho các em đánh các giải trẻ thì tự tin giành huy chương hết, thế nhưng, từ trẻ đến SEA Games thì còn rất nhiều vấn đề, phải đầu tư rất khoa học, dùng kinh phí chi vào giải nào để có cơ hội cao nhất. Điều này cũng mong các cấp lãnh đạo tạo điều kiện để cho các em trưởng thành.
Ở các nội dung của nữ, liệu ai có thể nối tiếp vị trí của Như Hoa?
- Đây là lần đầu tiên tham dự SEA Games của Kiều Oanh ở nội dung kiếm 3 cạnh, cùng nội dung với Như Hoa. Bây giờ Hoa cũng lùi lại cho các em đi lên. 3 bạn đang lên và là chủ lực của kiếm 3 cạnh gồm: Nguyễn Phương Kim, Vũ Thị Hồng và Nguyễn Thị Trang. SEA Games lần trước các bạn ấy đã có huy chương bạc đồng đội. Năm nay chúng tôi thay Như Hoa bằng Kiều Oanh.
Ông đánh giá thế nào về mục tiêu 3 Huy chương vàng tại SEA Games 31?
Về mục tiêu thì phải xét tổng quan từng nội dung. Nền đấu kiếm đứng đầu Đông Nam Á là Singapore. Họ có khoảng 5 nội dung nhắm đến Huy chương vàng, Thái Lan có 2, Indonesia có từ 1-2, Việt Nam có khoảng 2-3 nội dung có thể giành vàng.
Kiếm 3 cạnh nam là tranh chấp của Việt Nam, Singapore và Thái Lan. Trình độ tương đồng, hai ba kỳ SEA Games gần đây cũng chỉ có 3 nước này là tranh chấp Huy chương vàng thôi. Nữ 3 cạnh thì chủ yếu là Việt Nam và Singapore. Các nước khác có thể trở thành ngựa ô nhưng tôi nghĩ chưa đủ sức.
Kiếm chém nam thì là cuộc tranh chấp sòng phẳng giữa Thái Lan và Việt Nam. Nước bạn có 3 chuyên gia ở riêng nội dung này. Ở SEA Games trước thì mình bị dẫn trước nhưng lại lật ngược ở cuối (thắng 45-44). Thật sự đó là cuộc chiến quá vất vả, thắng sít sao. Họ đầu tư quá lớn và tiến bộ quá nhanh.
Nữ kiếm chém Việt Nam là cửa dưới. Thái Lan số 1 và Singapore số 2, chúng ta chỉ nằm ở top huy chương đồng thôi, cố gắng lắm là vào chung kết.
Singapore vẫn là số 1 ở nội dung kiếm liễu. Họ có thực lực, từng lọt vào vòng 1/8 chung kết thế giới. Họ đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. 2 tháng vừa rồi Singapore đi 4 giải tầm cỡ thế giới, tập huấn 1 tháng ở Hàn Quốc rồi "bay tour" Mỹ, Pháp, Italia. Thái Lan cũng được đi Pháp để chuẩn bị cho SEA Games.
Xin cảm ơn HLV Phạm Anh Tuấn về cuộc trò chuyện!
GN