(Tổ Quốc) - Trong những này vừa qua, sự nhập nhằng giữa quy chế VBA Draft và hệ thống đào tạo trẻ của các CLB đã gây được rất nhiều sự chú ý, cũng như những cuộc tranh luận không hồi kết của NHM về vấn đề này.
Trong mùa giải 2021, VBA đã thực hiện rất nhiều thay đổi cho giải đấu nhằm mục tiêu hỗ trợ tối đa cho đội tuyển bóng rổ Việt Nam tham dự SEA Games 31 diễn ra vào cuối năm. Bên cạnh đó, giải đấu cũng tiến hành những sự đổi mới nhằm vào hệ thống đào tạo trẻ, với mục tiêu tìm kiếm, ươm mầm và phát triển những tài năng tương lai của bóng rổ Việt Nam.
Trong đó, sự thay đổi đáng chú ý nhất là việc VBA Draft chỉ dành cho những "tân binh" đúng nghĩa, với những cầu thủ chưa từng thi đấu bất kỳ một mùa giải nào trước đó tại giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, BTC giải đấu cũng đưa ra những hình thức kiểm tra và đánh giá khả năng một cách bài bản qua sự kiện Draft Combine.
Có thể nói, đây là mô hình mà giải đấu NBA đã áp dụng rất thành công trong hàng chục năm vừa qua, tạo tiền đề cho rất nhiều tài năng trẻ có cơ hội bước ra vũ đài chuyên nghiệp và trở thành những ngôi sao lớn trong tương lai. Bên cạnh đó, hệ thống NBA Draft cũng là một cơ chế giúp các đội bóng yếu có cơ hội để mang về những tài năng trẻ sáng giá nhất qua từng năm, thay vì bị các đội bóng "lắm tiền nhiều của" gom hết tất cả về một mối.
Có thể nói, VBA Draft đang nhắm đến việc học tập theo mô hình cực kỳ tiên tiến này của NBA trong nhiều năm về qua. Tuy nhiên, đặc thù của bóng rổ Hoa Kỳ khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại của thế giới, liệu đây có phải là một hệ thống phù hợp với mô hình thể thao truyền thống như ở Việt Nam?
Ở nước Mỹ, 30 đội bóng tại NBA hoàn toàn không có một hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ của riêng họ. Tất cả những cầu thủ dưới 19 tuổi đều được tập luyện, cọ xát và thi đấu thông qua một hệ thống giải học đường cực kỳ phát triển với đủ các cấp khác nhau, trong đó đỉnh cao nhất là giải đấu NCAA Division I.
Sau mỗi năm, những cầu thủ nào có nguyện vọng tham gia NBA sẽ phải nộp đơn dự tuyển và được đưa vào danh sách Draft Pool, bao gồm cả các cầu thủ quốc tế. Từ danh sách trên, các đội bóng tại NBA sẽ dựa vào sự kiện NBA Draft để mang về những cầu thủ tốt nhất, hoặc phù hợp nhất với đội bóng.
Để có được một hệ thống đào tạo và phát triển cầu thủ ở cấp độ học đường hiện tại như Việt Nam là điều không thể. Số lượng các giải đấu học sinh, sinh viên hay thậm chí là phong trào chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu có, đây cũng chỉ là những giải đấu ngắn ngày với hình thức loại trực tiếp, khiến cho các cầu thủ xuất thân từ học sinh, sinh viên có rất ít cơ hội để tập luyện và cọ xát.
Do đó, đa phần các cầu thủ trẻ ở Việt Nam muốn đi lên con đường chuyên nghiệp đều phải gia nhập các lò đào tạo trẻ của các đội bóng tại địa phương và phát triển dần qua năm tháng. Khi đó, họ đã được xem là cầu thủ của chính đơn vị chủ quản, nơi có công nuôi dưỡng và đào tạo họ trong cả một quá trình dài. Đây cũng là mô hình thể thao truyền thống mà hầu hết các nền bóng rổ khác trên thế giới, cũng như tất cả các bộ môn thể thao khác đều đang vận hành.
Nhìn lại 2 đặc điểm kể trên, có thể nói Draft và đào tạo trẻ gần như không thể là 2 hệ thống cùng song hành trong một giải thể thao chuyên nghiệp. Sẽ rất ít CLB nào chịu "nhả" những cầu thủ tài năng nhất của mình vào Draft Pool để cho những CLB khác mang về một cách dễ dàng.
Ở chiều ngược lại, đầu tư theo mô hình thể thao truyền thống cũng có rất nhiều vấn đề phát sinh. Chất lượng đào tạo trẻ giữa các đội bóng sẽ có sự chênh lệch tỉ lệ thuận với mức độ đầu tư và tính chất của địa phương đó, dẫn đến việc khó đảm bảo sự cân bằng như VBA mong muốn đề ra ban đầu.
Tuy nhiên, theo những gì đã được tiết lộ trong nội dung của buổi họp báo mở màn cho mùa giải VBA 2021, BTC giải đấu vẫn quyết tâm dung hòa cả 2 hệ thống này trong những mùa giải tiếp theo. Thậm chí, VBA còn đưa ra những mốc thời gian cụ thể cho đến năm 2023 để thực hiện hóa giấc mơ này.
Những chia sẻ của ông Trần Chu Sa cho thấy tầm nhìn và mục tiêu của VBA trong việc dung hòa cả 2 hệ thống trong những mùa giải tiếp theo
Theo những gì mà ông Trần Chu Sa, COO của VBA trình bày, những cầu thủ dưới 18 sẽ có quyền "tryout" tại các đội bóng trực thuộc giải đấu và từ đó trở thành lực lượng Homegrown. Đối với những cầu thủ khác, những người vốn trưởng thành từ hàng chục lò đào tạo trẻ khác nhau trên khắp mọi miền tổ quốc, cơ hội sẽ mở ra với họ thông qua Draft Day để bước chân vào đấu trường chuyên nghiệp.
Tất nhiên, VBA cũng cần phải đưa ra quy định về việc một cầu thủ trẻ cần có quãng thời gian tập luyện tối thiểu tại CLB chủ quản để được công nhận là Homegrown, tránh những tranh cãi về trường hợp như Nguyễn Anh Kiệt trong thời gian gần đây.
Nếu có thể thực hiện ý tưởng này một cách hiệu quả, VBA sẽ có lời giải đáp cụ thể cho những hoài nghi trong mắt NHM. Định hướng phát triển của VBA cũng sẽ giúp bóng rổ Việt Nam có cơ hội vươn mình trong những năm tiếp theo.
Ảnh: Huy Phạm - An Tô.
NHẬT PHẠM