(Tổ Quốc) - Trong các giải đấu quan trọng hiện nay của làng võ thuật thế giới, dường như tất cả đều đào thải hạng siêu nặng. Vì sao lại như thế?
Super Heavyweight dưới góc nhìn khoa học
Đối với một bộ môn siêu yếm khí như võ thuật, việc duy trì mức cân nặng trên 120kg mà vẫn giữ được thể lực thi đấu ổn định gần như là chuyện bất khả thi.
Ngành khoa học thể thao đã chứng minh được rằng, khối lượng cơ bắp càng lớn, càng tốn nhiều năng lượng để vận hành nó hơn. Vì thế, lượng người có khả năng thi đấu võ thuật đỉnh cao ở hạng siêu nặng có thể được xem là những võ sĩ trời phú về thể chất.
Với lý do đó, các giải võ thuật lớn trên thế giới chỉ quy định hạng nặng là hạng cân to nhất (từ 90-100kg trở lên). Tuy nhiên, dù bị ghẻ lạnh ở các giải đấu lớn trên thế giới, đối với các giải đấu nhỏ, hạng cân siêu nặng lại trở thành "mỏ vàng" để sinh lợi.
Super Heavyweigh hay "freak show" trá hình?
"Freak show" từng là một loại hình kinh doanh với sự góp mặt của những người không may bị dị tật bẩm sinh. Từ đó, các gánh xiếc mở những cuộc triển lãm về họ, bán vé cho các khán giả vào sân.
Tất nhiên, hạng cân super heavyweight không phải là một việc làm vô nhân đạo như các gánh xiếc "freak show". Dù vậy, cả hai loại hình kể trên đều có một điểm chung - đánh vào sự hiếu kỳ của khán giả.
Super Heavyweight tại Âu-Mỹ
Super Heavyweight thực sự là một cái tên mỹ miều dành cho những võ sĩ có thân hình quá khổ. Đa phần các võ sĩ ở hạng cân này thường không đủ khả năng cạnh tranh ở hạng nặng tại các giải đấu lớn. Vì thế họ tìm đến các hạng cân siêu nặng để tranh tài với các võ sĩ bị lãng quên như họ.
Dần dà, các lớp võ sĩ này lại vô tình tạo dựng được cộng đồng người hâm mộ riêng biệt vốn chỉ quan trọng tính giải trí của trận đấu thay vì tính chuyên môn. Đó cũng là lý do một võ sĩ tệ đến nỗi không được đánh giả như Butterbean vẫn là một trong các tay đấm nổi tiếng nhất giới quyền Anh.
Super Heavyweight tại châu Á
Đặc biệt, riêng tại Nhật Bản, khán giả võ thuật tại đất nước này luôn thích xem những trận đấu dạng "kiến đánh voi". Đương nhiên, người chiến thắng sẽ là những võ sĩ châu Á nhỏ con và kẻ bị đánh bại là những tảng thịt di động khổng lồ từ phương Tây.
Ngay cả Bob Sapp, một trong những ngôi sao giải trí của Nhật Bản cũng đã từng bóng gió thừa nhận ông thường xuyên bán độ tại đất nước này.
Cụ thể hơn Sapp đã nói: "Tôi sẽ không để bản thân mắc phải chấn thương nghiêm trọng chỉ để nhận khoản thù lao ít ỏi. Số tiền mà tôi kiếm được thấp hơn các võ sĩ quyền Anh như Manny Pacquiao rất nhiều. Vì thế sẽ không bao giờ có chuyện tôi chịu chấn thương để nhận khoản tiền bèo bọt".
Do người Nhật nói riêng và người Châu Á nói chung có thể hình nhỏ, phần lớn khán giả MMA thời kì đầu tại Châu Á rất thích những gã khổng lồ vụng về bị đánh bại bởi những võ sĩ nhỏ con nhưng kĩ thuật thượng thừa hơn.
Một trận đấu MMA biểu diễn "kiến đánh voi" điển hình tại Nhật Bản
Hiểu rõ điều này, Bob Sapp khi sang Nhật Bản đã nỗ lực nâng số cân nặng lên đến 149kg, vượt xa các đối thủ của ông, thường ở mức cân nặng 90 đến 120kg. Đối thủ duy nhất to hơn Bob Sapp chính là gã khổng lồ Hàn Quốc Choi Hong-Man.
Kể từ đó đến nay, Bob Sapp không còn quan tâm chuyện thắng thua trên võ đài chuyên nghiệp nữa. Ông thi đấu ở mọi thể thức từ MMA đến Kickboxing cho đến đô vật biểu diễn. Chính vì thế Bob Sapp trở thành một ngôi sao giải trí hàng đầu xứ sở Phù Tang.
Nhật Bản chỉ là một đất nước điển hình cho hình thức khai thác hạng cân siêu nặng. Ngay cả Trung Quốc cũng nhiều lần tổ chức các trận đấu kiểu này dù không phổ biến bằng.
Khôi Nguyên