HAGL và 5 CLB đề nghị VPF họp Đại hội đồng cổ đông bất thường

(Tổ Quốc) - HAGL, Hải Phòng, Nam Định, SLNA, Bình Dương và Quảng Nam là 6 CLB đã gửi công văn tới VPF đề nghị triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường.

CLB HAGL đề nghị họp với lý do "nhận thấy HĐQT, Ban điều hành công ty không sâu sát diễn biến thực tế nên đưa ra các quyết định không hợp lý. Trong quá trình trao đổi với lãnh đạo các CLB, HĐQT, Ban điều hành thiếu sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ nguyện vọng chính đáng của các CLB. Công tác vận động tài trợ chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong tiến trình xây dựng, phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam".

HAGL và 5 CLB đề nghị VPF họp Đại hội đồng cổ đông bất thường - Ảnh 1.

Các cổ đông bỏ phiếu ở Đại hội đồng cổ đông VPF tháng 11/2020 (Ảnh: VPF)

CLB HAGL muốn họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để giải quyết 2 vấn đề. Thứ nhất, kiện toàn bộ máy HĐQT, lựa chọn lãnh đạo phù hợp để quản lý, điều hành công ty VPF.

Thứ hai, chấn chỉnh những mặt yếu kém, thiếu sót trong việc quản lý điều hành, vận động tài trợ, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn với mục tiêu đưa các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững.

CLB Hải Phòng thì nhắc trực tiếp, đề nghị "xem xét lại cách điều hành của Chủ tịch HĐQT (ông Trần Anh Tú) và Tổng giám đốc VPF (ông Nguyễn Minh Ngọc)".

"Nhiều CLB có ý kiến xem xét việc bầu lại các thành viên HĐQT và các chức danh lãnh đạo VPF do sự yếu kém, thiếu minh bạch, áp đặt, lợi ích nhóm, không tôn trọng pháp luật, không quan tâm đến quyền lợi các CLB, vô cảm với xã hội, xa rời tiêu chí hoạt động của công ty", trích trong công văn CLB Hải Phòng gửi HĐQT VPF.

CLB SLNA, Quảng Nam và Bình Dương cũng có chung ý kiến mong muốn kiện toàn lại HĐQT VPF.

CLB Bình Dương đưa ra ý kiến: "Lãnh đạo công ty VPF điều hành hoạt động chưa hiệu quả. Lãnh đạo không tuân thủ các ý kiến của cổ đông đóng góp, dẫn tới thiệt hại rất lớn về mặt hình ảnh của giải đấu cũng như kết quả hoạt động của công ty nói riêng và các CLB nói chung".

Trước đó, trong cuộc họp ngày 24/8 giữa VFF, VPF và 27 CLB chuyên nghiệp Việt Nam, đại diện một số CLB cũng đề nghị VPF tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường.

CLB Hải Phòng, Quảng Nam, Phố Hiến, Bình Dương, Nam Định muốn thay lãnh đạo VPF ngay trong cuộc họp.

CLB HAGL, Nam Định, SLNA, Bình Dương, Hải Phòng chiếm tỷ lệ 16,6% cổ phần của công ty VPF. Tổng số cổ đông là 26.

HAGL và 5 CLB đề nghị VPF họp Đại hội đồng cổ đông bất thường - Ảnh 2.

7 thành viên HĐQT VPF gồm ông Nguyễn Minh Ngọc (thứ nhất từ trái sang), ông Trần Mạnh Hùng (thứ 3 từ trái sang), ông Trần Anh Tú (thứ 4 từ trái sang), bà Đinh Thị Thu Trang (thứ 5 từ trái sang), ông Nguyễn Quốc Hội (thứ 7 từ trái sang), ông Nguyễn Tiến Dũng (thứ 8 từ trái sang) và ông Lê Minh Dũng (ngoài cùng phải)

Sau Đại hội đồng cổ đông VPF nhiệm kỳ 2020-2023 ngày 28/11/2020, HĐQT mới được bầu gồm 7 người gồm:

1. Ông Trần Anh Tú (Thường trực VFF) - Chủ tịch HĐQT

2. Ông Nguyễn Minh Ngọc (Phó tổng thư ký VFF) - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc

3. Ông Nguyễn Quốc Hội (Chủ tịch Công ty cổ phần thể thao T&T) - Phó chủ tịch HĐQT VPF.

4. Bà Đinh Thị Thu Trang (Phó tổng thư ký VFF) - Uỷ viên HĐQT

5. Ông Trần Mạnh Hùng (cựu Chủ tịch CLB Hải Phòng) - Uỷ viên HĐQT

6. Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) - Uỷ viên HĐQT

7. Lê Minh Dũng (cựu GĐĐH CLB Phố Hiến) - Uỷ viên HĐQT.

Trong số này, ông Trần Mạnh Hùng không còn làm chủ tịch CLB Hải Phòng. Ông Lê Minh Dũng không còn làm GĐĐH CLB Phố Hiến.

Hiện tại, Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú không có mặt ở Việt Nam. Ông đồng hành cùng đội tuyển futsal Việt Nam tập luyện, thi đấu giao hữu ở châu Âu và tham dự World Cup ở Lithuania trong khoảng 1 tháng.

HIẾU LƯƠNG

Tin mới