Faker, nếu đời tuyển thủ như một chiếc tàu lượn thì đã đến lúc anh trở lại

(Tổ Quốc) - Sau một năm trời ngậm đắng nuốt cay, giờ là lúc Faker và đồng đội đòi lại vị thế đã đánh mất. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn rất nhiều chông gai.

Giải đấu CKTG năm 2017 được tổ chức tại Trung Quốc đánh dấu nhiều bất ngờ lớn, những "lần đầu" khó quên trong lòng người hâm mộ. Chúng ta được chứng kiến hành trình đến ngôi vương đầy kỳ lạ của SSG, và hơn hết là cảnh tượng có lẽ đến thời điểm này vẫn in đậm trong lòng nhiều người hâm mộ, nước mắt của Faker.

Vào thời điểm Faker rời phòng thi đấu, đưa mắt đỏ hoe liếc nhìn những người đồng hương ăn mừng chức vô địch bên cạnh chiếc cúp bạc, người ta nhận ra anh không phải là thần thánh, cũng chẳng phải "con quỷ bất khả chiến bại" như những ví von trước giải đấu. Faker chỉ là một chàng trai đang trải nghiệm cảm giác thất bại trong tủi hổ. Anh đã có thể nối dài thành tích vô tiền khoán hậu của mình tại CKTG, nhưng mất tất cả chỉ vì chiêu cuối của Varus.

Cảm giác thua dù được đánh giá cao hơn thật sự rất đau đớn. Faker và đồng đội bước vào phòng thi đấu với khuôn mặt đầy tự tin thường thấy nhưng bước ra với xúc cảm trái ngược hoàn toàn. Đó là thời điểm của chàng Faker "trẻ trâu" từng khẳng định "tôi là con robot, không bao giờ để vui buồn cá nhân ảnh hưởng đến mình" nhận ra: Ồ, vậy là con đường mình chọn chẳng bằng phẳn như mình đã tưởng.

75210232_2368230056637536_6533883844179787776_n

Nước mắt Faker rơi tại Bắc Kinh, Trung Quốc sau khi SKT thất thủ trước SSG.

Thất bại trong trận chung kết trước SSG tưởng chừng là nốt trầm lớn nhất trong sự nghiệp của Faker thì một năm sau đó, huyền thoại trẻ tuổi người Hàn Quốc lại trải qua cú sốc lớn hơn, khủng khiếp hơn. Năm 2018, lần thứ 2 trong lịch sử anh lỡ hẹn với giải đấu CKTG.

Từ một biểu tượng cho chiến thắng, trước mặt SKT T1 và Faker xuất hiện nguy cơ mà mọi đội tuyển khi bước vào thế giới Esports đều phải đối đầu. Ở bộ môn non trẻ này, việc trở thành huyền thoại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Không giống như bóng đá hay bất kỳ bộ môn thể thao truyền thống nào khác, LMHT thay đổi theo từng phiên bản, kéo theo sự biến hóa trong lối chơi.

Chẳng đội tuyển nào chờ đội tuyển nào thay đổi rồi mới làm theo. Cũng chính vì thế, một khi bạn chững lại để "ăn mày quá khứ" thì sự nghiệp của bạn coi như chấm dứt.

Đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi khán giả chứng kiến cảnh tượng Faker lầm lũi đi vào đường hầm sau khi để thua trước chính GenG Esports (SSG) tại Regionals Final. Họ dự đoán đây sẽ là mùa giải chuyên nghiệp cuối cùng Faker chơi cho SKT, rằng anh cần một đội tuyển tốt hơn để tiến tới những thành công mới.

Họ cho rằng Faker và SKT đã đi đến cái "bến đỗ cuối" cùng của ngành Esports, cái giá phải trả cho việc gặt hái quá nhiều thành công từ quá sớm.

Dự đoán thì nhiều nhưng không ai biết Faker nghĩ gì trong đầu. Chỉ là sau một thời gian im lặng, anh đồng ý tiếp tục ở lại, chiến đấu cùng với 4 người đồng đội mới.

Vẫn còn rất nhiều sự nghi ngờ với quyết định của Faker, nhưng tất cả được đập tan bằng chức vô địch LCK mùa xuân 2019. SKT T1 như gã khổng lồ sau một thời gian ngủ say thức tỉnh trở lại, quật ngã một Griffin trẻ trung 3-0 chóng vánh trong trận chung kết.

FAKERSMILE

Niềm vui trở lại với Faker với 2 chức vô địch LCK liên tiếp.

Nối tiếp LCK mùa xuân là ngôi vương Rift Rivals và một chiếc cúp bạc giai đoạn mùa đông nữa. Sau một năm khủng hoảng, cuối cùng Faker đã cười nói nhiều hơn trở lại. Anh cởi mở trong những buổi phỏng vấn và "gây bão" với lời phát biểu: "Cuộc sống của tuyển thủ như một chiếc tàu lượn vậy".

Tàu lượn là biểu tượng của tốc độ, nhưng nó lúc lên lúc xuống thất thường. So sánh như thế, hẳn Faker muốn mọi người hiểu rằng theo đuổi sự nghiệp Esports không phải lúc nào cũng được ca khúc khải hoàn. Và như trên đã trình bày, chặng đường của anh đã chọn không chỉ bằng phẳng, lúc nào cũng vô địch như thế được.

Còn nhớ vào thời điểm tháng 2/2013, Faker từng tuyên bố: "Tôi thực sự không tryhard LMHT lắm đâu. Nhưng rồi tôi trở thành người chơi đứng đầu khu vực. Hình như tôi sinh ra là để trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp thì phải".

Faker lúc đó 17 tuổi, anh đang trong giai đoạn "bẻ gãy sừng trâu" nên phát biểu ngông là điều bình thường. Phải có những thời điểm như vậy để khi đem so với hiện tại, chúng ta mới thấy Faker thay đổi thế nào. Cuộc sống "như tàu lượn", lúc lên lúc xuống thực sự đã giúp Faker trưởng thành.

Faker năm 2019 khác với Faker năm 2017 ở chỗ biết chấp nhận thất bại, dù nó rất khó để nuốt trôi. Tại MSI 2019, được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch nhưng trận thua G2 Esports khiến mục tiêu "xưng bá" toàn thế giới tạm thời bị gác lại. 

Chưa dừng lại ở đó, Faker tiếp tục phải trải qua khởi đầu tệ hại nhất lịch sử trong chiến dịch mở màn LCK hè 2019. Có thời điểm người ta tưởng chừng SKT T1 sẽ phải xuống hạng, điều mà trong cơn ác mộng khủng khiếp nhất cũng chẳng CĐV nào lường đến.

Thua nhiều, bị chỉ trích nhiều là thế nhưng Faker không ôm mặt khóc huhu như CKTG 2017 nữa. Thay vào đó, anh tiếp tục cùng đồng đội trải qua khóa huấn luyện có lẽ khủng khiếp nhất trong các đội tuyển Esports vào thời bấy giờ (cả ngày chỉ có 3 tiếng làm việc riêng theo tiết lộ của Khan).

Để rồi sau đó, SKT T1 từ vị trí có thể bị xuống hạng một mạch tiến đến vòng play-offs, trước khi tái hiện màn "leo tháp" kinh điển, vô địch LCK một lần nữa trong năm 2019. Danh hiệu này đảm bảo cho Faker tấm vé dự CKTG 2019. Sau một năm tủi hổ, anh lại có cơ hội viết lên những trang sử thi của mình.

47598701361_c79d5bfd3e_h

Một lần nữa Faker lại có cơ hội viết lên lịch sử.

Tại giải đấu năm nay, Faker và đồng đội rơi vào thế khó ở bảng tử thần. Royal Never Give Up cùng Fnatic đều là những ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch, chưa kể đến ẩn số mang tên Clutch Gaming đến từ khu vực Bắc Mỹ. 

Tuy nhiên điều này chẳng làm khó một Faker đã trải qua hầu hết những hỉ nộ ái ố. Anh mạnh dạn khẳng định "chỉ quan tâm đến màn trình diễn của đội mình". Bảng từ thần mà các BLV hay ví von vì thế chỉ là một sân chơi bình thường đối với nhà vô địch Hàn Quốc. Sau 4 trận thắng liên tiếp, Faker và đồng đội tiến vào vòng bảng theo cách thuyết phục nhất có thể. Để rồi Faker có thể tuyên bố dõng dạc: "Xin chào châu Âu, tôi trở lại rồi đây!". 

Nghe qua thì lời nói của Faker mang tính chất vui vẻ, ngông nghênh khiến CĐV nghĩ anh đã hồi xuân, trở lại thời "trẻ trâu". Tuy nhiên ẩn sâu trong đó là lời tuyên bố, thông điệp đanh thép đến từ một Faker thực sự trưởng thành, rằng anh sẽ trở lại ngôi vị số một trong giải đấu năm nay.

Sau kết quả bốc thăm vòng tứ kết, con đường đến chức vô địch của SKT T1 lại trở nên bằng phẳng hơn. Họ chỉ phải đối đầu với Splyce, đại diện thứ 3 của châu Âu tại giải đấu năm nay. 

Tuy nhiên thật khó để khẳng định rằng SKT T1 sẽ vô địch giải đấu năm nay khi vẫn còn đó những G2 Esports, FunPlus Phoenix và Invictus Gaming. Cờ đã đến tay Faker nhưng anh có phất lên được không thì lại phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chưa biết Worlds 2019 sẽ là chiếc tàu lượn đi lên trong thăng hoa hay lại đi xuống vực thẳm đối với Faker.

Điều duy nhất có thể khẳng định vào thời điểm hiện tại là siêu sao người Hàn Quốc đang hướng đến ngôi vị số một thế giới một lần nữa. Anh không những muốn như vậy mà còn thèm khát nó sau khi phải trải qua những nốt trầm lớn trong thời gian dài. Vì đã hiểu rõ thất bại đau đớn đến mức nào nên Faker chắc chắn đã tự dặn mình không thể ôm mặt khóc được nữa.

Và nếu có khóc, thì là khóc trong sung sướng với danh hiệu vô địch CKTG thứ 4 trong lịch sử, điều chưa từng ai làm được trong quá khứ.

PHỤNG HIẾU

Tin mới