(Tổ Quốc) - Tại Euro 2004, tuyển Hy Lạp lên ngôi với lối chơi phòng ngự tổng lực "siêu thực dụng" nhưng lại mang đến hiệu quả tối đa.
Vòng chung kết Euro 2004 được tổ chức ở Bồ Đào Nha từ ngày 12/6 đến ngày 4/7/2004. Cho đến tận ngày nay, hành trình của "xứ sở các vị thần", ĐT Hy Lạp tại giải đấu này vẫn là một trong những câu chuyện bất ngờ nhất lịch sử bóng đá.
Euro 2004 - giải đấu của những bất ngờ
Trước giải đấu, lần cuối cùng Hy Lạp tham dự VCK Euro là năm 1980. Hy Lạp cũng đến World Cup 1994 nhưng không giành được chiến thắng nào trên đất Mỹ. Có một sự thật: "Xứ sở các vị thần" chưa bao giờ thắng một trận nào ở các giải đấu lớn và thậm chí, họ còn chẳng ghi nổi một bàn thắng.
Với mong muốn thay đổi kỷ lục tồi tệ đó, vào năm 2001, Hiệp hội bóng đá Hy Lạp đã trao vị trí thuyền trưởng ĐTQG cho HLV kỳ cựu người Đức Otto Rehhagel, người đưa Kaiserslautern vào lịch sử với chiến tích vô địch Bundesliga ngay khi vừa thăng hạng.
Bóng đá Hy Lạp ngày ấy vẫn mang tính "đảng phái" rất gay gắt, khi các cầu thủ luôn có mối quan hệ chặt chẽ với Olympiakos, Panathinaikos và AEK - 3 CLB khổng lồ của đất nước. Do đó, việc quên đi hiềm khích và đoàn kết đằng sau lá cờ xanh trắng luôn là một điều tưởng chừng xa xỉ ở tuyển Hy Lạp.
Dấu ấn của vị HLV nổi tiếng hà khắc nhưng lại cực kỳ tài năng này được hậu vệ Takis Fyssas kể lại như sau: "Điều đầu tiên ông ấy dạy chúng tôi là phải đặt ĐTQG lên hàng đầu. Rehhagel khẳng định mọi hiềm khích đều phải xếp sau lợi ích của ĐTQG".
Nói được làm được, Rehhagel lập tức tạo dấu ấn mạnh mẽ ở một nền bóng đá tưởng chừng đã biến mất trên bản đồ thế giới. Tại vòng loại Euro 2004, Hy Lạp bất bại trong cả 15 trận đấu, đánh bại tuyển Tây Ban Nha trên sân khách và kết thúc chiến dịch với vị trí nhất nhóm 6.
Tuy nhiên, phong độ đỉnh cao ở vòng loại cũng không thể giúp Hy Lạp có giai đoạn vòng bảng ở mùa hè năm 2004 dễ dàng. "Xứ sở các vị thần" mở màn VCK bằng thắng lợi vang dội trước chủ nhà Bồ Đào Nha với tỷ số 2-1. Ở trận đấu tiếp theo, Hy Lạp cầm hòa thành công đối thủ cùng bảng ở vòng loại, Tây Ban Nha.
Tưởng chừng cơ hội đi tiếp đã nắm chắc trong tay thì Hy Lạp lại tự đẩy mình vào thế khó. Trong trận đấu cuối cùng ở vòng bảng, đoàn quân của HLV Rehhagel bất ngờ nhận thất bại 1-2 trước tuyển Nga.
Vận may vẫn mỉm cười với Hy Lạp khi Nuno Gomes trở thành người hùng giúp Bồ Đào Nha hạ Tây Ban Nha 1-0 trong trận đấu cùng giờ. Kết quả, Hy Lạp lách qua khe cửa hẹp thành công với vị trí nhì bảng A, bằng điểm với Tây Ban Nha nhưng hơn về hiệu số bàn thắng.
Euro 2004 cũng là giải đấu chứng kiến nhiều bất ngờ bậc nhất trong lịch sử giải đấu. Trong đó, "trận đấu ma" tại lượt cuối bảng C cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Trước trận đấu cuối vòng bảng, tuyển Italy tràn trề cơ hội đi tiếp khi chỉ phải gặp đội bét bảng Bulgaria, trong khi hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp Thụy Điển và Đan Mạch phải "tử chiến" với nhau.
Nếu Italy giành chiến thắng, chỉ có một kịch bản duy nhất để họ bị loại là Đan Mạch và Thụy Điển phải hòa nhau với tỷ số 2-2. Kết quả, Azzurri bị loại cay đắng vì trận đấu giữa Đan Mạch với Thụy Điển kết thúc bằng đúng tỷ số 2-2.
Một bất ngờ khác cũng xuất hiện tại bảng D. Cộng hòa Séc, với thế hệ vàng của ngôi sao đang giữ "Quả bóng vàng châu Âu" Pavel Nedved, hủy diệt bảng đấu với 3 trận toàn thắng trước Latvia, Hà Lan và Đức. Trong khi đó, tuyển Đức, nhà vô địch ở Euro 1996 lần thứ hai liên tiếp bị loại ở vòng đấu bảng mà chẳng có nổi một trận thắng.
Hy Lạp "siêu thực dụng"
Câu chuyện cổ tích của Hy Lạp được viết tiếp tại tứ kết khi lá thăm đưa họ gặp nhà đương kim vô địch Pháp. HLV Rehhagel tỏ ra cao tay khi chỉ để một mình Giourkas Seitaridis kèm trực tiếp Henry, trong khi phần còn lại chơi phòng thủ khu vực.
Chiếc xe buýt nhiều tầng của Hy Lạp tỏ ra cực kỳ hiệu quả, cộng với pha phản công sắc lẹm ở phút 65 và kết thúc bằng bàn thắng duy nhất của trận đấu do công của tiền đạo mũi nhọn Angelos Charisteas. Hy Lạp tạo nên cơn địa chấn thật sự tại giải đấu, khi trở thành đội bóng đầu tiên đánh bại cả nhà đương kim vô địch và đội chủ nhà ở một kỳ Euro.
Đối thủ của Hy Lạp tại bán kết thậm chí là "ngọn núi" còn lớn hơn, ĐT có phong độ hoàn hảo nhất tại giải đấu, Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, cũng giống người Pháp, Pavel Nedved cùng bộ đôi tiền đạo "dội bom" Jan Koller và Milan Baros tỏ ra bất lực trước "tấm khiên của các vị thần đỉnh Olympia". Thế hệ tài năng nhất mà bóng đá Cộng hòa Séc từng sở hữu cay đắng rời giải khi trung vệ Dellas ghi "bàn thắng bạc" ở phút 105 1 và giúp Hy Lạp vào chung kết.
Hy Lạp hiên ngang tiến vào trận chung kết khi đánh bại cả hai ƯCV hàng đầu cho chức vô địch là Pháp và Cộng hòa Séc
Euro 2004 cũng là giải đấu "có một không hai", khi trận chung kết lại là cuộc tái đấu của trận khai mạc giữa chủ nhà Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Quyết tâm đăng quang trên sân nhà Dragao dưới sự chứng kiến của 62.865 khán giả, Bồ Đào Nha phủ đầu đối thủ bằng hàng loạt đợt hãm thành.
"Selecao châu Âu" áp đảo hoàn toàn trận đấu, kiểm soát bóng vượt trội và sở hữu số cơ hội ăn bàn không thể kể hết. Nhưng, số phận rất nghiệt ngã, khi Hy Lạp chỉ cần duy nhất một quả phạt góc để đem chiếc cúp về quê nhà. Từ pha treo bóng của Basinas, Charisteas chạy cắt mặt và bật cao hơn tiền vệ phòng ngự Costinha để đánh đầu cận thành chính xác ở phút 57. Thủ môn Ricardo, người đã chơi rất hay từ đầu giải, mắc sai lầm khi lao ra phá bóng hỏng.
Bồ Đào Nha điên cuồng lao lên bằng tất cả, nhưng lần lượt những Simao, Rui Costa, Ronaldo hay Figo đều tỏ ra vô duyên trước mành lưới của Hy Lạp. Đặc biệt hơn, Cristiano Ronaldo, chàng trai ngày ấy mới chỉ 19 tuổi, băng xuống đối mặt với Nikopolidis ở phút 74 nhưng lại đưa bóng đi vọt xà từ cự ly chỉ khoảng 8 m.
Hy Lạp bảo toàn thành công cách biệt một bàn mong manh cho đến tiếng còi kết thúc của trọng tài Pierluigi Collina. Với tỷ lệ đặt cược 1 ăn 150, đội bóng đến từ "xứ sở của các vị thần" đã viết nên một câu chuyện thần thoại của thế kỷ 21.
Tuấn Hoàng