(Tổ Quốc) - Những gì đã diễn ra trên sân Parken, Copenhagen đã nhắc nhở người hâm mộ rằng bóng đá đâu chỉ là trò chơi 22 gã đàn ông tranh nhau một quả bóng. Bóng đá, trong những tình huống éo le như thế còn là câu chuyện về tình anh em, tình người có thể cứu sống một trái tim đã đột ngột ngừng đập. Trái tim của Christian Eriksen.
Xứng danh anh hùng
Có quá nhiều người hùng ở Copenhagen đêm qua. Cảm ơn trọng tài Anthony Taylor đã kịp thời dừng trận đấu, đội trưởng tuyển Đan Mạch Simon Kjaer và đặc biệt là tất cả các bác sĩ đã giúp khán giả khắp thế giới không phải tận mắt chứng kiến một thảm kịch bóng đá, khi mà trái bóng Euro mới chỉ lăn được 2 ngày.
Cho đến thời điểm bài viết này, sức khỏe của Eriksen đã dần ổn định. Anh nhắn tin được cho các đồng đội ngay sau trận đấu và thậm chí còn dùng được mạng xã hội. Điều đầu tiên Eriksen chia sẻ sau sự cố là gì? Là hình ảnh người đồng đội của anh - thủ quân Đan Mạch Simon Kjaer ôm chặt vợ mình để an ủi cô lúc này đang khóc nức nở.
Diễn giả nổi tiếng thế giới Brian Tracy từng nói đại ý rằng: “Muốn biết một lãnh đạo giỏi đến đâu, hãy trao cho anh ta một cơn khủng hoảng”. Tai nạn của Eriksen đã gián tiếp vẽ lên hình ảnh người anh hùng Kjaer. Ngay khi Eriksen ngã xuống, Kjaer đã kịp thời có mặt thực hiện hô hấp nhân tạo, chỉ đạo các đồng đội tạo thành hàng rào che chắn ống kính máy quay không thể ghi lại hình ảnh các bác sĩ cấp cứu ngay trên sân, và còn cùng Kasper Schmeichel ôm lấy vợ của người đồng đội kém may mắn an ủi cô.
Nhưng Kjaer không phải người hùng duy nhất. Nhờ các bác sĩ đã rất kịp thời khi thực hiện rung tim cấp cứu ngay trên sân mà Eriksen thoát bàn tay tử thần trong gang tấc, rời sân trong tình trạng tỉnh táo.
Hơn một năm đại dịch qua, thế giới còn trụ được đến giờ phút này cũng là nhờ công lao mênh mông của những người mặc áo blouse trắng ở tất cả các quốc gia trong tuyến đầu chống dịch. Trong những cơn nguy nan mà số phận tuột khỏi tay con người, các bác sĩ mới là những siêu nhân có thật giành chiến thắng trước thần chết để cứu chúng ta khỏi cơn bĩ cực.
Fair-play vẫn là kim chỉ nam tối thượng
Sân Parken không chỉ vẽ lên hình ảnh những người anh hùng mà còn ngợi ca tinh thần fair-play. Lá quốc kỳ của Phần Lan được các cổ động viên ném xuống cũng được dùng để che chắn, bảo vệ hình ảnh riêng tư cho Eriksen nằm cáng rời sân.
Trong thời gian trận đấu tạm hoãn, các khán giả có mặt trên sân đã động viên anh bằng những tiếng hô vang: cổ động viên Phần Lan hô “Christian” thì phía Đan Mạch hô “Eriksen”. Khi trận đấu được tiếp tục, các cầu thủ Đan Mạch ra sân trong tiếng vỗ tay của khán giả và đội tuyển Phần Lan. Khi Joel Pohjanpalo ghi bàn vào lưới Schmeichel, anh giơ tay từ chối ăn mừng và các cầu thủ còn lại của Phần Lan cũng làm theo.
Chỉ trong 10 phút chóng vánh, chúng ta đã được chứng kiến sự chuyên nghiệp, văn minh, nhân văn của tất cả những con người có mặt ở Parken ngày hôm qua. Đồng đội của Eriksen ở Inter Milan - Lukaku sau khi ghi bàn cho đội tuyển Bỉ đã đi thẳng tới máy quay nói: "Chris, Chris, chóng bình phục nhé, tớ yêu cậu!". Đội tuyển Đức là tập thể nhanh nhất thể hiện sự quan tâm và gửi lời chúc tới Eriksen. Bóng đá thật đẹp vì có thể vượt qua tất cả rào cản để cùng mỉm cười nắm tay nhau vì tinh thần fair-play.
Bóng đá, với những cơn cuồng phong tiền tài, danh hiệu, tranh đấu đầy tính ăn thua có thể khiến chúng ta đôi khi quên đi vẻ đẹp thực sự của nó. Nhưng sự cố của Eriksen dù đau lòng lại là dịp để ta nhìn nhận lại mọi thứ trong đó có cả cảm xúc của chính mình đối với môn thể thao vua.
Bóng đá, trên tất cả, là một cuộc chơi đem lại niềm vui cho những người tham gia và dõi theo nó, dù rằng niềm vui tất nhiên không phải một thứ sẵn có, mà là mảnh ghép của sự cố gắng từ vô vàn khoảnh khắc, hành động của mỗi cá nhân hợp lại. Nếu như trọng tài Taylor, Kjaer và các bác sĩ chỉ chậm một chút, niềm vui ngày hội bóng đá sẽ biến thành tấn thảm kịch, như đã diễn ra với Antonio Puerta, Marc-Vivien Foe… những cầu thủ giống với Eriksen bị ngưng tim ngay trên sân nhưng đã không chiến thắng được số phận.
Christian Eriksen - chú lính chì phải dũng cảm nhé
Các thông tin về Eriksen đều đang cho thấy tín hiệu tích cực. Anh đang ở trong trạng thái ổn định, tỉnh táo và được các bác sĩ theo dõi sát sao. Nhưng ngừng tim là một hiện tượng đủ đáng sợ để ta chưa thể hoàn toàn yên tâm về tình trạng của Eriksen. Năm 2007, thế giới bóng đá từng phải chia tay Puerta - cầu thủ lúc ấy mới 22 tuổi đang khoác áo Sevilla thậm chí vẫn đi bộ ra khỏi sân sau khi được cấp cứu nhưng vẫn tử vong sau 3 ngày nằm viện.
Eriksen có thể đang và sẽ bình phục nhưng anh có thể chơi lại bóng đá đỉnh cao được hay không lại là một viễn cảnh mong manh như khoảnh khắc trái tim anh ngừng đập. Tháng 3 năm 2012, trong khuôn khổ FA Cup giữa Tottenham Hotspur và Bolton Wanderers, Fabrice Muamba cũng bất ngờ ngã xuống vì lý do tương tự. Tim của anh đã ngừng đập 78 phút đồng hồ. Dù đã được cứu sống nhưng Muamba đã phải từ biệt bóng đá.
Truyện cổ Andersen có nguồn gốc từ Đan Mạch, quê hương của Eriksen, nổi tiếng với câu chuyện về chú lính chì dũng cảm. Vậy thì Christian Eriksen, vì gia đình, vì hàng triệu trái tim khắp thế giới đã phải chứng kiến anh ngã quỵ trên sân, vì các bác sĩ, vì Kjaer, và vì bóng đá, đừng phụ lòng tất cả mọi người. Anh phải trở thành chú lính chì dũng cảm nhất để vượt qua cơn bĩ cực này, rồi xỏ lại giày và rong chơi cùng trái bóng nhé!
Nhi Hexe - Design: Mai Linh - Ảnh: Getty Images