(Tổ Quốc) - Trận chung kết Australian Open sắp tới sẽ rất khó đoán khi Djokovic có lợi thế về lịch sử và điều kiện thi đấu còn Medvedev sở hữu phong độ bất bại.
Không cần phải bàn cãi về sự thống trị của Novak Djokovic ở Grand Slam đầu tiên trong năm. Trên sân Melbourne Park, tay vợt sinh năm 1987 đã thắng cả 8 trận đấu chung kết trước những đối thủ lừng lẫy như Andy Murray hay Rafael Nadal.
Với 8 chức vô địch, tay vợt người Serbia chính là cái tên thành công nhất trong lịch sử Australian Open. Thậm chí so với 2 kỳ phùng địch thủ Nadal và Federer, "Nole" hiện là người nắm nhiều ưu thế nhất để tiến đến danh hiệu tay vợt nam thành công nhất trong lịch sử các giải Grand Slam.
Tuy nhiên, trận chung kết thứ 9 cũng hoàn toàn có thể đánh dấu ngày Djokovic là chứng nhân của sự chuyển giao quyền lực cho một thế hệ mới. Ngay ở trận chung kết năm ngoái, tay vợt người Serbia cũng phải rất vất vả mới hạ được đại diện ưu tú nhất của Next-Gen (thế hệ kế cận) là Dominic Thiem.
Dominic Thiem sau đó vô địch US Open vào cuối năm để trở thành tay vợt nam đầu tiên của thế hệ mới giành được một danh hiệu Grand Slam. Trong khi đó, trận đấu diễn ra vào ngày 21/2 tới đây sẽ là lần thứ 2 Daniil Medvedev chơi một trận chung kết Grand Slam sau khi cũng khiến Nadal mất tới 5 set trong trận chung kết tại US Open năm 2019.
Một Daniil Medvedev "bất bại"
Xét về phong độ hay kinh nghiệm, Daniil Medvedev chính là phiên bản hoàn hảo nhất so với Thiem năm ngoái. Những gì tay vợt số 4 thế giới làm được trong vài tháng qua thật đáng kinh ngạc. Chuỗi 20 trận thắng của Medvedev chắc chắn rất ấn tượng và sẽ còn đáng kinh ngạc hơn nếu xét đến các giải đấu cũng như đối thủ bị tay vợt người Nga đánh bại.
Trong số này, Medvedev có tới 11 trận thắng trước các tay vợt thuộc top 10 và trong đó có cả trận thắng thuyết phục trước chính Djokovic ở ATP Finals hồi tháng 11.
Lịch sử đối đầu trực tiếp cũng có phần ủng hộ tay vợt người Nga khi anh đã thắng Djokovic đến 3/4 trận đấu gần nhất. Thêm vào đó, chỉ 6 tay vợt trong lịch sử quần vợt từng có chuỗi 20 trận thắng liên tiếp trở lên ở bất kỳ giai đoạn nào trong sự nghiệp và tất cả đều đã trở thành nhà vô địch Grand Slam.
Có điều gì đó trong lối chơi của Medvedev khiến tay vợt số một thế giới lúc này chưa thể giải mã. Đây cũng không phải điều khó hiểu khi Medvedev vốn là một tay vợt sở hữu khá nhiều kỹ thuật không chính thống và điều này giúp anh trở nên rất khó đoán.
Trận đấu sắp tới cũng là một sự đối lập rõ rệt giữa hai tay vợt. Djokovic đang có phong độ giao bóng tốt nhất tại giải đấu năm nay còn Medvedev lại chính là tay vợt trả giao bóng tốt nhất trên mặt sân cứng.
"Thiên thời" và "địa lợi" cho Djokovic
Tốc độ cực cao của các pha bóng trên mặt sân Melbourne Park đã trở thành tâm điểm của Australian Open năm nay. Á quân năm ngoái Dominic Thiem phải thốt lên "đây là mặt sân Grand Slam nhanh nhất mà tôi thi đấu” trong khi huyền thoại Jim Courier mô tả trải nghiệm ở sân trung tâm như "chơi trên kính" và "gần như không thể nhìn thấy bóng".
Không biết vô tình hay hữu ý, Australian Open lại phát huy hết tất cả điểm mạnh của Djokovic. Điều kiện thời tiết, mặt sân hay thậm chí nhiệt độ đều khiến tay vợt người Serbia thoải mái nhất có thể. Nếu Federer có sân Trung tâm của Wimbledon, Nadal với “thánh địa” sân đất nện Philippe Chatrier thì Melbourne Park chính là “sân nhà” của Djokovic.
Tốc độ bóng được đẩy lên cực đại ở Australian Open năm nay là điều rất bất thường. Việc quả bóng đang trượt khỏi mặt sân cứng màu xanh lam nhanh hơn bao giờ hết khiến các tay vợt có ít thời gian hơn để phản ứng, quan sát và tung ra một cú trả giao bóng.
Điều này tất nhiên mang lại lợi thế lớn cho các tay vợt có lối chơi thiên về giao bóng và sử dụng những pha đè bóng nặng làm “vũ khí” chính. Mặc dù vậy, lần lượt những đại diện tiêu biểu của lối chơi này là Nick Kyrgios, Reilly Opelka, Alexander Bublik, Lloyd Harris và Feliciano Lopez đều không thể lọt vào vòng 4 của giải đấu.
Tuy nhiên, một “gương mặt” mới vốn chẳng có điểm mạnh ở các pha giao bóng lại đang đang phát triển cực nhanh trong điều kiện mới ở Melbourne đến mức gần như bất bại.
Djokovic đã tạo nên chuẩn mực cho trường phái quần vợt phòng thủ trong hơn một thập kỷ rưỡi qua. Nhà vô địch Grand Slam 17 lần thường được mô tả như một “bức tường” không thể xuyên thủng với khả năng sử dụng tốc độ và sự dẻo dai để theo đuổi các đường bóng trên khắp mặt sân.
Tuy nhiên nếu có bất kỳ điểm yếu nào trong lối chơi của tay vợt người Serbia so với một số đối thủ cùng thời thì đó sẽ là cú giao bóng. Trước khi Australian Open năm nay khởi tranh, Djokovic đã ghi được tổng cộng 5.923 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp trong suốt sự nghiệp lừng lẫy của mình.
Con số này tương đương khoảng 0,43 cú ace mỗi game cầm giao bóng, 2,08 mỗi set và 5,4 mỗi trận. Djokovic không phải tay vợt giao bóng tệ, thậm chí còn là một trong những người khó bị bẻ game nhất thế giới hiện nay nhưng những cú ace chưa từng là sở trưởng của anh.
Năm nay, với điều kiện đặc biệt của mặt sân, chất lượng giao bóng của Djokovic đã tăng vọt. Trong 6 trận đấu đã qua ở Australian Open, Djokovic thực hiện tổng cộng 100 cú ace, nhiều hơn đáng kể so với bất kỳ tay vợt nào khác trong giải đấu.
Tay vợt người Serbia đạt trung bình 0,89 cú ace mỗi game giao bóng, 4,34 mỗi set và lên tới 16,66 mỗi trận. Tất cả đều là thống kê rất ấn tượng so với toàn bộ sự nghiệp của Djokovic và nên nhớ tay vợt này đã phải thi đấu với chấn thương cơ bụng từ vòng 3.
Nhìn cách Medvedev đánh bại tay vợt vừa đánh bại Nadal, Stefanos Tsitsipas, với tỷ số 6-4, 6-2, 7-5 chỉ trong hơn 2 giờ thi đấu, NHM hoàn toàn có thể kỳ vọng một trận đại chiến hoành tráng ở Australian Open.
3/4 trận chung kết đơn nam gần nhất tại Melbourne Park đều cần đến set thứ 5 quyết định và Djokovic đã thắng 2 trong số đó. Nếu trận chung kết sắp tới vẫn là một cuộc đấu dài hơi, khả năng giao bóng sẽ là một vũ khí cực kỳ lợi hại của tay vợt 33 tuổi.
Tuấn Hoàng