(Tổ Quốc) - Bóng rổ Mỹ luôn là thế lực thống trị các kỳ Olympic, vì vậy đã có không ít những gia đình chung sống nhiều vận động viên mang vinh quang về cho xứ cờ hoa.
Bộ môn bóng rổ thực sự là mỏ vàng và luôn mang về những tấm huy chương quý giá trong cuộc đua tài thể thao hàng đầu hành tinh cho nước Mỹ. Với bốn hạng mục của của hai nội dung 5x5 và 3x3 tại Olympic Tokyo 2020, các cầu thủ đã mang về cho Hoa Kỳ tới 3 tấm huy chương vàng. Không chỉ tại kỳ thế vận hội năm nay, giành vàng đã trở thành truyền thống với các thế hệ tuyển thủ bóng cam đất nước này. Hãy cùng điểm qua những gia đình với truyền thống giành huy chương vàng đã chảy trong huyết quản.
1. Reggie Miller và Cheryl Miller (chị em ruột)
Mở đầu danh sách bằng cặp chị em cùng chung tình yêu với trái bóng cam. Nếu như người em Reggie Miller là cầu thủ đã đi vào ngôi đền huyền thoại của NBA thì người chị Cheryl cũng là một phần không thể thiếu trong lịch sử bóng rổ Đại học tại Mỹ. Tuy không có sự nghiệp huy hoàng như nhau, thế nhưng cả hai đều là những vận động viên đem vinh quang tột đỉnh về cho tổ quốc cũng như gia đình bằng hai tấm huy chương vàng tại Olympic.
Cheryl Miller tham dự Olympic 1984 tổ chức tại Los Angeles khi vẫn còn là cô sinh viên Đại học Nam California. Thời điểm ấy IOC (Uỷ ban Olympic quốc tế) vẫn chưa cho phép các cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp tranh tài tại thế vận hội. Tuy nhiên Cheryl đã là thành viên quen thuộc tại đội tuyển quốc gia khi từng cùng các đồng đội giành ngôi Á quân ở giải vô địch thế giới trước đó một năm. Cô dẫn dắt đội tuyển tới tấm huy chương vàng Olympic Los Angeles 1984 quý giá sau thành tích toàn thắng.
Sau khi cô chị giành huy chương về cho Mỹ được 12 năm, đến lượt Reggie Miller mang vinh quang về cho gia đình và tổ quốc. Tuy đội hình giành vàng năm ấy không “khủng khiếp” như tại Barcelona 1992, nhưng cũng được điền đầy bởi những huyền thoại như Charles Barkley, Karl Malone, Scottie Pippen, David Robinson, John Stockton và Shaqquille O’Neal.
Đội hình cực mạnh này đã đè bẹp mọi đối thủ họ đối mặt với cách biệt trung bình lên tới 31,8 điểm. Giữa dàn sao ấy, Reggie Miller vẫn vô cùng nổi bật khi là cầu thủ ghi điểm tốt thứ nhì toàn đội. Cựu sao Indiana Pacers có trung bình tới 11,7 điểm trong 5 lần ra quân trong đội hình xuất phát.
2. Jrue Holiday và Lauren Holiday (vợ chồng)
Gia đình hệ huy chương vàng này khá đặc biệt so với gia đình Miller vừa được nhắc ở trên. Sự khác biệt đến từ việc Lauren Holiday là một tuyển thủ bóng đá trong khi người chồng Jrue Holiday lại là ngôi sao của giới bóng rổ. Tuy nhiên, bất kể sự khác biệt trong bộ môn mình theo đuổi, cả hai đều trở thành niềm tự hào của nước Mỹ mỗi khi đại diện cho đội tuyển trên trường quốc tế.
Dường như trong bản danh sách này, phái yếu luôn tiên phong so với cánh mày râu. Lauren Holiday cũng đi trước trong việc giành vàng về Mỹ so với Jrue. Trước ngày chính thức lập gia đình, nữ tiền vệ khoác áo số 12 đã có tới 2 lần giành huy chương vàng Olympic. Lần đầu tiên tại Olympic Bắc Kinh 2008 khi cô được gọi lên tuyển nhằm thay thế cho ca chấn thương của Abby Wambach. Cô tiếp tục là nhà vô địch ở Thế vận hội tiếp theo ở London 2012 với cương vị trụ cột không thể thay thế.
Phải gần một thập kỷ sau, người chồng Jrue Holiday mới có thể bắt kịp cô vợ đầy mạnh mẽ của mình khi có vinh dự được HLV Gregg Popovich điền tên vào đội hình chinh phục tấm huy chương vàng Olympic Tokyo 2020. Dù đến tập trung muộn bởi vướng lịch thi đấu NBA Finals, hậu vệ ngôi sao vẫn đóng góp cực lớn khi là nhân tố phòng ngự hàng đầu của cả đội.
3. Pamela McGee và Javale McGee (mẹ con)
Vòng tròn huy chương vàng bóng rổ trở lại với đội nữ của ngôi trường Đại học Nam California. Pamela McGee chính là người đồng đội thân thiết của Cheryl Miller. Nếu như cô chị nhà Miller thi đấu ở vị trí tiền phong, mẹ của Javale McGee lại chơi trung phong đầy mạnh mẽ chẳng kém gì cậu con trai tương lai.
Sau khi đôi bạn thân Pamela McGee và Cheryl Miller thất bại tại giải vô địch bóng rổ nữ thế giới 1983 đầy tiếc nuối trong những giây cuối trước Liên Xô, họ đã có màn trở lại đầy ngọt ngào ở Olympic Atlanta 1984. Thiếu đi đối thủ mạnh nhất Liên Xô do đất nước này tuyên bố tẩy chay Thế vận hội mùa hè năm ấy, các cô gái Mỹ dễ dàng giành vàng sau 6 chiến thắng.
Thấm thoát 37 năm sau, con trai của huyền thoại bóng rổ nữ cùng đã làm được điều tương tự như mẫu thân. Dù không đóng góp quá nhiều cho đội tuyển như mẹ, thế nhưng chẳng ai có thể phủ nhận vai trò tinh thần cực lớn đến từ trung phong vui tính Javale McGee cho đội hình giành vàng của tuyển Mỹ tại Olympic Tokyo 2020.
Bóng rổ là niềm tự hào của Mỹ đối với thể thao quốc tế. Chẳng phải ngẫu nhiên khi họ luôn là ứng cử viên nặng ký nhất cho tấm huy chương vàng bất tử tại mỗi kỳ Thế vận hội mùa Hè. Chính truyền thống và niềm tự hào gia đình đã tạo nên nhiều thế hệ cầu thủ mang đến vinh quang cho xứ cờ hoa trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.
Mây