"Crowdfunding", hình thức cứu cánh cho các tổ chức Esports trong bối cảnh thế giới bước sang "năm Covid thứ 2"

(Tổ Quốc) - Tối ưu hình thức gọi vốn crowdfunding đang là thử thách, cũng như cơ hội dành cho các tổ chức Esports trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bước vào thời kỳ suy thoái.

Crowdfunding, dịch sang tiếng Việt là "huy động vốn từ cộng đồng", được dự đoán là hình thức kêu gọi vốn "hợp trend" trong năm 2021. Nó không mới, nhưng bỗng vụt sáng trở thành cứu cánh cho các tổ chức Esports đang gặp vấn đề tài chính khắp nơi trên thế giới.

Hiểu một cách nôm na, crowdfunding sẽ giúp các tổ chức thu về nguồn vốn nhất định từ bạn bè, gia đình, khách hàng,... tức là các nhà đầu tư cá nhân chứ không phải quỹ tài chính, tổ chức khác. Phương tiện truyền thông sẽ kết nối nhà đầu tư và người cần vốn. Rồi bằng cách giải thích, giới thiệu hợp lý, người cần vốn sẽ trình bày ý tưởng của mình đến đại đa số công chúng.

Từ năm 2012 đã có nhiều tổ chức gây dựng vốn theo kiểu crowdfunding. Nhóm phát triển Double Fine Adventure - một dự án game trên nền tảng Steam, sau này được đổi tên thành Broken Age - ban đầu tính toán rằng họ sẽ thu được khoảng 400.000 USD bằng crowdfunding. Đến cuối kỳ kêu gọi vốn ấy, con số họ thu về là hơn 3 triệu USD.

Đó là một kết quả trong mơ đối với các tổ chức Esports start-ups. Nhưng thực ra trong suốt 8 năm vừa qua, kể từ lúc Double Fine Adventure gặt hái được thành công ngoài mong đợi từ crowdfunding, hình thức kêu gọi vốn này chưa được tối ưu hóa. Hầu hết tổ chức Esports thường dựa vào "venture capital fundings" - các quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc những cơ hội từ các tổ chức khác.

Cho đến năm 2020, khi dịch Covid-19 giáng một đòn cực mạnh vào nền kinh tế thế giới, crowdfunding bỗng vụt sáng, trở thành ngôi sao hi vọng.

Rất nhiều công ty, tổ chức Esports đã tiến hành kêu gọi vốn từ cộng đồng để bắt đầu hoạt động kinh doanh của họ. Tại sao lại thế?

Để trả lời cho câu hỏi này, phóng viên của Esports Insiders đã ngồi xuống nói chuyện với ông Ben Goldhaber, CEO của trang tin Juked.gg. Theo ông Ben, khái niệm crowdfunding đang dần thay đổi để hợp với thời cuộc. Cơ hội vì thế mở ra cho tất cả.

Juked kêu gọi vốn thành công hơn dự tính nhờ crowdfunding

"Thú thật chúng ta từ trước đến nay chưa xem xét nghiêm túc các khoản vốn đến từ cộng đồng. Nhiều người nhìn hình thức này theo hướng khá tiêu cực mà chưa từng đặt câu hỏi, liệu nó có thực sự như vậy hay do mình chưa tiếp cận đúng cách", ông Ben Goldhaber chia sẻ.

"Sang năm 2020 thì mọi thứ có vẻ như đã tích cực hơn. Vốn cộng đồng đang dần được hiểu thấu, chấp nhận bởi đại đa số công ty, không phân biệt hình thức kinh doanh".

Juked của ông Ben Goldhaber bắt đầu kêu gọi vốn trên trang Republic.co từ tháng 9/2020. Quá trình gọi vốn kéo dài trong khoảng một quý, chính thức kết thúc vào cuối tháng 1/2021. Kết quả của nó vô cùng ấn tượng.

Số vốn thu về là 1,07 triệu USD, đến từ hơn 2500 nhà đầu tư. Ban đầu họ tính toán con số sẽ là 500.000 USD trong khoảng 9 tháng, thực tế chỉ trong vỏn vẹn 4 tháng Juked đã kêu gọi được gấp đôi.

"Không dễ để đạt được thành công như thế. Vấn đề pháp lý phải được ưu tiên xử lý hàng đầu, sau đó là hàng tá những câu hỏi cực khó nhằn từ những nhà đầu tư. Quan trọng là đôi bên phải thành thật. Khi tìm được tiếng nói chung, bạn sẽ phải bất ngờ với kết quả nó mang lại", ông Ben chốt lại vấn đề.

Trường hợp của Juked.gg và CEO Ben Goldhaber kể trên chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cho "trend" kêu gọi vốn từ cộng đồng trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới. Thông qua sự minh bạch, tin tưởng, các tổ chức Esports làm được một điều chưa từng có so với các hình thức kêu gọi vốn trước đó: Tương tác, gắn kết với fan hâm mộ.

Đây chính là điều Fnatic hướng đến trong chiến dịch kêu gọi vốn trên Crowdcube mới đây. Không giống với những chiến dịch trước, Fnatic vào thời điểm hiện tại đã trở thành một nhãn hàng nổi tiếng toàn cầu. Hướng đi của tổ chức đã được ông Sam Mathews, người sáng lập và CEO đương nhiệm giãi bày trong buổi phỏng vấn với Esports Insider cuối năm 2020.

"Lợi ích từ kêu gọi vốn cộng đồng giống với nhu cầu, mục tiêu của Fnatic. Chúng tôi muốn tạo ra những cơ hội cho chính fan hâm mộ và bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn thứ tương tự", ông Sam khẳng định.

"Đối với fan của chúng tôi, số vốn họ đầu tư vào tổ chức sẽ khiến mối quan hệ càng trở nên bền chặt. Chúng tôi đặc biệt quý trọng những nhà đầu tư khởi nguồn từ chính fan của đội tuyển. Nhiều người thậm chí còn được quyền biết những thông tin mật, hiểu cách chúng tôi điều hành, kiếm ra lợi nhuận. Tôi cá là rất ít đội tuyển Esports nào trên toàn thế giới làm được điều này".

Năm 2020, Fnatic trở thành đội tuyển Esports đầu tiên khởi động chiến dịch kêu gọi vốn cộng đồng. Giống với Juked, thành quả Fnatic gặt hái được rất tích cực. Có tới hơn 4000 nhà đầu tư đặt niềm tin vào Fnatic, với số vốn kêu gọi được lên đến hơn 2,72 triệu USD.

Và cũng theo ông Sam, crowdfunding chẳng những trở thành nguồn vốn hợp pháp phù hợp với start-ups mà còn các tổ chức lớn. Những ví dụ nhãn tiền là Revolut, Công ty công nghệ tài chính hàng đầu ở Anh và ngân hàng Monzo.

Fnatic là đội tuyển Esports tiên phong trong công cuộc kêu gọi vốn cộng đồng.

Những lợi ích của crowdfunding đương nhiên sẽ khiến những tổ chức Esports gặp khó khăn vì Covid-19 bừng sáng lên hi vọng. Tuy nhiên trên thực tế, không phải mọi công ty đều có thể áp dụng hình thức này.

Đầu tiên, để những fan hâm mộ trở thành nhà đầu tư như Fnatic, mọi tổ chức, đội tuyển và công ty Esports đều phải mất rất nhiều tiền vào chiến dịch marketing. Và khó khăn ở chỗ tốn tiền là thế, sự gắn kết giữa nhà đầu tư cá nhân với tổ chức vẫn chưa được đảm bảo.

Thứ 2, thành công trong quá trình kêu gọi vốn từ cộng đồng, theo CEO Ben Goldhaber, nằm ở một yếu tố duy nhất: Sự minh bạch, tin tưởng. Để đạt được nó, các tổ chức Esports cần phải có một mô hình kinh doanh rõ ràng, một kế hoạch lâu dài đủ tính thuyết phục. Đôi khi trong một số trường hợp, nhà đầu tư cá nhân sẽ nhìn vào tình hình tài chính trước khi đưa ra quyết định.

Esports đã và đang phát triển mạnh so với thời điểm nó mới xuất hiện. Nhưng sự hoài nghi vẫn hiện diện trong ngành này. Chỉ những tổ chức nào đủ sự minh bạch mới xứng đáng thu về những đồng vốn từ crowdfunding.

Thêm vào đó, các start-ups cũng không nên nhảy vào crowdfunding ngay lập tức trong bối cảnh những hình thức gọi vốn truyền thống khác vẫn đem lại giá trị hấp dẫn. Nên nhớ rằng cùng kỳ gọi vốn cộng đồng, Fnatic cũng thu về hơn 10 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Lựa chọn lý tưởng nhất vẫn là kết hợp các hình thức gọi vốn hài hòa, hợp lý.

Gamerpro, Công ty cung cấp dịch vụ Esports trên điện thoại, đang làm rất tốt điều này. Ngoài việc thu về những đồng vốn từ crowdfunding, họ cũng tham gia vào Future Fund, quỹ được Chính phủ Anh gây dựng để giúp công ty Anh phát triển đúng lộ trình bất chấp Covid-19 hoành hành.

"Crowdfunding sẽ trở thành một công cụ marketing cực tốt để các tổ chức phổ biến thương hiệu của họ. Đối với những công ty Esports đang gặp khó khăn trong khâu kiếm lợi nhuận từ khán giả, crowdfunding sẽ trở thành cứu cánh. Kết hợp nó và những hình thức kêu gọi vốn truyền thống sẽ là lựa chọn tối ưu nhất đối với các tổ chức ở mọi ngành nghề chứ không riêng gì Esports", ông Gary Sonyak, CEO của Gamerpro chia sẻ.

PHỤNG HIẾU

Tin mới