(Tổ Quốc) - Nhiều công trình tổ chức Olympic 2016 tại thủ đô Rio de Janeiro (Brazil) đã xuống cấp trầm trọng. Chính phủ Brazil cũng bó tay trong việc tận dụng chức năng của công trình.
Chỉ 6 tháng sau khi tổ chức, nhiều hình ảnh về sự xuống cấp, bỏ hoang các SVĐ, nhà thi đấu đã khiến người hâm mộ thể thao thế giới không khỏi ngạc nhiên. Mới đây, toà án ở thủ đô Rio de Janeiro đã ra phán quyết đóng cửa toàn bộ các công trình từng tổ chức sự kiện do lo ngại về độ an toàn.
"Những nơi đó thiếu sự chăm sóc của con người trong thời gian dài. Có thể thấy, nhiều công trình thậm chí chưa từng được bảo trì và dĩ nhiên, nó có thể gây ra một thảm kịch lớn", một vị thẩm phán chia sẻ.
Một góc ở SVĐ huyền thoại Maracana.
Các công trình thể thao tại Rio de Janeiro được miêu tả là đầy hư hại, bẩn thỉu, rỉ sét, cỏ dại mọc thành cánh đồng,… Nhiều người Brazil tỏ ra bất bình khi chính phủ đã sử dụng hàng chục triệu USD tiền thuế nhưng không có biện pháp duy tu và sử dụng hiệu quả.
Còn nhớ, ở thời điểm trước khi Olympic Rio được tổ chức, hàng trăm cáo buộc và chỉ trích vấn đề tham nhũng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Thế vận hội 2016 đã được tung ra. Sau 4 năm, người dân Brazil càng có cơ sở để đặt câu hỏi điều gì đã khiến những công trình đồ sộ trở thành đống đổ nát quá nhanh.
Chính phủ Brazil thừa nhận họ không đủ chi phí để đảm bảo quá trình bảo dưỡng được triển khai. Trong khi đó, việc giao khoán cho tư nhân cũng không thành hiện thực khi không có doanh nghiệp nào hào hứng. Mọi thứ đi vào bế tắc.
Rio Olympic Velodrome, nơi tổ chức đua xe đạp lòng chảo và bóng rổ, từng được tái sử dụng cho các buổi hoà nhạc lớn nhưng cũng phải đóng cửa vì không nhận được bất cứ đợt bảo dưỡng nào.
Nhà thi đấu thể thao dưới nước với bể nước từ màu xanh lục chuyển sang màu vàng và giờ trở thành nơi bỏ hoang đáng tiếc.
Khu thi đấu ngoài trời các môn thể thao dưới nước đã không còn được sử dụng.
Trung tâm thể thao dưới nước Maria Lenk bị bỏ hoang.
Việc chính phủ Brazil để điều này xảy ra gây bất bình cho người dân nhưng đây không phải trường hợp duy nhất trong lịch sử. Trừ Anh, các quốc gia như Hy Lạp (2004), Trung Quốc (2008) đều gặp vấn đề tương tự. Việc bỏ hoang các công trình thể thao sau khi Olympic kết thúc bị coi là vấn đề không thể giải quyết ở nhiều nơi đăng cai gây nên tình trạng lãng phí lớn.
SVĐ tổ chim hay nhà thi đấu dưới nước với thiết kế độc đáo ở Trung Quốc giờ cũng hoang tàn hơn nhiều so với thời điểm ra mắt khiến thế giới ngỡ ngàng.
Báo chí quốc tế nhận định việc tổ chức Olympic sẽ không thể nào diễn ra ở những quốc gia nó nền kinh tế chưa hoặc đang phát triển. Chính phủ các quốc gia này có thể phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, nợ nần giống như Hy Lạp đã từng trải qua sau năm 2004.
Mạng nhện giăng đầy trong các công trình tổ chức Olympic Rio 2016.
Rio Olympic Velodrome bẩn thỉu vì không có người bảo dưỡng.
Maracanazinho Arena không còn rực sáng ánh đèn của các trận bóng chuyền như trước nữa.
Những chiếc ghế ngựa hỏng nằm ngổn ngang ở một góc SVĐ.
Rio Olympic Arena chưa bao giờ trở lại với hình ảnh sạch sẽ ban đầu.
Trung tâm quần vợt Olympic cũng luông trong tình trạng phủ cát vì không có giải đấu lớn tổ chức.
Ảnh: Getty.
HIẾU LƯƠNG