Chuyển nhượng ‘Tây’ ở V.League: Sóng ngầm cuộn trào dưới mặt hồ phẳng lặng

(Tổ Quốc) - Ở V.League, gần như CLB nào muốn thành công cũng đều phải trang bị cho mình những ông ‘Tây’ thật chất lượng trong đội hình. Cũng chính vì vậy, quá trình chuyển nhượng ngoại binh giàu chuyên môn luôn là cuộc chiến đầy cam go giữa các đội bóng.

Đợt sóng mới từ đại bản doanh CLB Sài Gòn

Đại dịch Covid-19 khiến bóng đá nội trải qua đợt đóng băng thứ hai, mọi hoạt động thể thao đều bị tạm ngưng. Nhưng không vì vậy mà đây trở thành giai đoạn sóng yên, biển lặng. Cách đây chưa lâu, ông bầu Nguyễn Văn Đệ của CLB Thanh Hóa khiến tất cả được phen “phì cười” khi đệ đơn xin bỏ giải vì hoàn cảnh khó khăn, và đúng 1 ngày sau thì rút lại đơn.

Vụ việc cười ra nước mắt kia chưa kịp lắng xuống thì từ đại bản doanh CLB Sài Gòn, thêm một đợt sóng mới cuộn trào khiến tất cả không khỏi bất ngờ. Ngoại binh đang chơi rất lên chân của đội bóng này, Pedro Paulo gây sốc khi đăng đàn tố cáo một người đàn ông tên D.B.T.

Pedro chia sẻ việc ông T nhắn tin đe dọa anh và gia đình, rằng nếu dám ký mới hợp đồng với CLB Sài Gòn, Pedro cùng người thân của anh sẽ bị xử! Tính chất sự việc nghiêm trọng đến mức Ban lãnh đạo CLB Sài Gòn phải gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Theo tìm hiểu, được biết ông T là người môi giới rất nhiều cầu thủ Brazil đến chơi bóng ở V.League. Trên trang cá nhân, ông cũng phản pháo mạnh mẽ về phát ngôn của Pedro, cho biết Pedro Paulo và Geovane Magno (một ngoại binh khác của CLB Sài Gòn) là người của mình, kèm lời khẳng định hai cầu thủ trên khó lòng mà ký hợp đồng mới với đội bóng hiện tại.

Pedro Paulo đăng bài "tố" bị 1 người môi giới cầu thủ đe doạ.

Bi hài chuyện những ông ‘Tây’ ở V.League

Khâu môi giới, chuyển nhượng và ký hợp đồng các cầu thủ ngoại ở V.League từ lâu vẫn mang nhiều ẩn khuất mà chỉ người bên trong mới rõ. Trước câu chuyện của Pedro Paulo, tiền đạo Errol Stevens đã là minh chứng rõ nét nhất cho sự mập mờ trên.

Số là vào năm 2017, Stevens cho biết sau khi ký giao kèo có thời hạn 3 năm với CLB Hải Phòng, anh vẫn chưa nhận được... tờ hợp đồng lao động nào trong suốt 3 tháng sau đó. Phải đến khi anh đăng đàn, tố cáo công khai trên mạng xã hội, mọi việc mới được giải quyết êm xuôi. Tất nhiên, “hòa giải” thế nào để mọi chuyện lắng xuống như chưa hề xảy ra thì chỉ CLB Hải Phòng và Stevens biết với nhau.

Một năm sau, mâu thuẫn giữa Stevens và CLB Hải Phòng lên đến đỉnh điểm khi anh tố CLB vẫn còn thiếu mình 30.000 USD tiền lót tay chưa trả. Cầu thủ người Jamaica đâm đơn kiện lên FIFA và thắng kiện không lâu sau đó. Kết quả anh trở thành cầu thủ tự do, đồng thời nhận 200.000 USD tiền bồi thường.

Chuyển nhượng ‘Tây’ ở V.League: sóng ngầm cuộn trào dưới mặt hồ phẳng lặng - Ảnh 2.

Theo phán quyết của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vào ngày 4/7, CLB Hải Phòng vi phạm hợp đồng với Errol Stevens và phải đền bù khoảng 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng).

Nhưng không phải ông “Tây” nào cũng như Errol Stevens. Một số người khác lại có cách hành xử chẳng giống ai, khiến các CLB vừa chưng hửng, vừa tức giận, sự việc của Nsi Amougou là một ví dụ như thế. Cầu thủ này được siêu “cò” Trần Tiến Đại đưa đến Việt Nam để khoác áo CLB XSKT Cần Thơ. Đội bóng xứ Tây Đô cũng làm thủ tục đăng ký thi đấu cho Nsi thi đấu mùa giải V.League 2018 xong xuôi.

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Đại trở thành thành chủ tịch CLB Sài Gòn, Nsi “lật kèo” chóng vánh để ký hợp đồng sai luật với đội bóng này. Chính người đại diện của Nsi là ông Nguyễn Minh Châu cũng tỏ ra bất bình với cách hành xử trên của cầu thủ mình. Hậu quả cho hành vi đi đêm này là việc Nsi bị cấm mọi hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong vòng 1 năm, và bản thân cầu thủ này cũng biến mất hoàn toàn từ đó đến nay.

Giải pháp nào cho tất cả các bên?

Xâu chuỗi lại tất cả sự việc trên, dễ nhận thấy cơ chế quản lý chuyển nhượng cầu thủ ngoại ở Việt Nam còn nhiều chỗ hở. Từ năm 1994, FIFA đã quy định những ai muốn hành nghề môi giới, quản lý hay nói chính xác là trở thành người đại diện hợp pháp của cầu thủ thì cần sở hữu cho mình chứng chỉ gọi là “FIFA Agent”.

Nó không chỉ là tấm kim bài giúp người môi giới hành nghề hợp pháp, mà còn thể hiện sự tín cẩn của người đó trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ vốn rất hỗn tạp. Đáng buồn thay những người môi giới cầu thủ tại Việt Nam sở hữu chứng chỉ này chưa nhiều, và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cần chú ý đúng mức đến tầm quan trọng của nó.

Những người đại diện cầu thủ cũng cần có sự quan tâm, cùng trái tim tận tụy hết mức đến cầu thủ của mình. Các “agent” phải theo dõi sát sao phong độ trên sân cỏ, sức khỏe, thậm chí là định hướng cả sự nghiệp lẫn đời sống cho cầu thủ, xem cầu thủ như một người thân của mình.

Từ đó, giữa người đại diện và cầu thủ mới có thể hình thành sự tin tưởng tuyệt đối dành cho nhau, đây cũng là nền tảng tốt để tránh tạo ra những sự việc như Nsi Amougou hay Pedro Paulo. Bởi nguồn cơn của mọi sự đổ vỡ đều từ mất niềm tin với nhau mà ra.

Mino Raiola, siêu “cò” nổi tiếng nhất thế giới bóng đá là một gã béo mưu mô, đầy những trò ma mãnh, là nỗi ám ảnh với mọi đội bóng, nhưng riêng với giới cầu thủ, ông là đấng cứu thế theo đúng nghĩa đen. HLV huyền thoại Sir Alex Ferguson cho biết rằng ông ghét cay, ghét đắng Raiola trên phương diện con người. Nhưng dưới góc độ của người đại diện, ông phải thừa nhận rằng Raiola quá xuất sắc, xuất sắc đến mức đáng ghét.

Vì sao ư? Raiola có thể toan tính nhiều điều, nhưng ông dùng tất cả những điều đó để phục vụ cho cầu thủ của mình. Trên bàn đàm phán, ông sẽ dốc hết tâm huyết để đem về các điều khoản có lợi nhất cho cầu thủ. Chính vì vậy, rất nhiều siêu sao bóng đá thế giới xem Raiola như người cha thứ 2 của họ.

Với bóng đá Việt Nam, nếu vẫn còn đó sự thiếu minh bạch trong các điều khoản, khi mà các bên vẫn ích kỷ, bất chấp lợi ích và đặt mình trên luật lệ, tìm các kẽ hở pháp lý để luồn lách thì những câu chuyện dở khóc, dở cười như trên vẫn còn đất để xuất hiện.

NGỌC VƯƠNG

Tin mới