Cái khó của thầy Park

(Tổ Quốc) - ĐT Việt Nam đã dừng bước tại AFF Cup sau trận thua trước Thái Lan. Dù buồn tủi hay tức giận, chúng ta cũng nên có những cái nhìn khách quan về những khó khăn của HLV Park Hang-seo đang gặp phải trong thời gian qua.
Cái khó của thầy Park - Ảnh 1.

Không có nhiều sự lựa chọn nhân sự

Mang sang Singapore lần này 30 cầu thủ, hầu hết là những gương mặt quen thuộc trong những giải đấu vừa qua của ĐT Việt Nam. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra với thầy Park rằng, tại sao không có sự thay đổi hay có nên tạo cơ hội cho những nhân tố mới?

Thế nhưng cần biết rằng, vì diễn biến dịch bệnh phức tạp, V.League đã phải tạm hoãn, cơ hội để thầy Park tính toán trao cơ hội cho những gương mặt mới gần như không có. HLV người Hàn Quốc buộc phải sử dụng những gương mặt quen thuộc trước đó ở vòng loại thứ 3 World Cup hay một số những cầu thủ trẻ gây tượng ấn tượng tại U22 Việt Nam như Văn Đạt hay Văn Xuân.

Chưa kể trước khi bước vào AFF Cup năm nay, chúng ta còn mất đi 3 cầu thủ vô cùng quan trọng là Văn Hậu, Trọng Hoàng và Hùng Dũng. Rõ ràng tầm ảnh hưởng của cả ba lên lối chơi của ĐT Việt Nam không cần bàn cãi.

Quan sát những trận đấu vừa qua của đội tuyển, rõ ràng người ta nhìn thấy những vấn đề nơi hàng công và tuyến tiền vệ. Nhưng ngoài Tiến Linh hay Đức Chinh, ĐT Việt Nam lại có quá ít sự lựa chọn cho vị trí trung phong cắm. 

Đức Chinh thì không chứng tỏ nhiều trong khoảng 2 năm qua, dù thường xuyên góp mặt trong những lần tập trung của ĐTQG, vậy chúng ta chỉ còn duy nhất Tiến Linh thực sự đáng tin và như vậy với một đội tuyển trong chiến dịch bảo vệ chức vô địch là không đủ.

Cái khó của thầy Park - Ảnh 2.

Ở hàng tiền vệ, chúng ta có Tuấn Anh, Hoàng Đức, Xuân Trường, Đức Huy, Minh Vương và cầu thủ trẻ Lý Công Hoàng Anh. Nhưng chỉ có Hoàng Đức thể hiện những phẩm chất vốn có của mình, Xuân Trường thì gần như không chứng tỏ được gì ở giải năm nay, Tuấn Anh bộc lộ quá nhiều điểm yếu về thể lực, sức mạnh khi đối đầu với những đối thủ cơ động, dẻo dai.

Đức Huy hay Hoàng Anh chỉ đơn thuần là những phương án dự phòng và chưa được đặt niềm tin. Còn Minh Vương, đây có lẽ là trường hợp mà người hâm mộ tiếc nuối nhất. Nhưng có lẽ vì chấn thương gặp phải trước thềm giải đấu khiến cầu thủ này chưa có thể trạng tốt nhất. Bởi nếu nhìn về khả năng tạo đột biến, cầu thủ đang khoác áo HAGL phần nào nhỉnh hơn Phan Văn Đức.

Bảo vệ chức vô địch luôn là nhiệm vụ khó khăn với bất cứ đội bóng nào trên thế giới, không riêng gì ĐT Việt Nam. Bước vào một chiến dịch quan trọng như AFF Cup nhưng thầy Park không có những con người tốt nhất để phục vụ lối chơi của mình. Minh chứng rõ nét nhất cho việc này đó là chúng ta chỉ sử dụng khoảng 13 đến 14 cầu thủ ở chặng đường tại AFF Cup vừa qua và có nhiều người chưa được thi đấu một phút nào.

Khó khăn trong việc tính toán điểm rơi phong độ

Ngỡ rằng việc được tham gia VL thứ 3 World Cup trước thềm AFF Cup sẽ giúp ĐT Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất trong hành trình bảo vệ ngôi vương. Nhưng chính việc tham gia song song hai chiến dịch đã khiến BHL gặp vấn đề trong việc tính toán điểm rơi phong độ cầu thủ.

Dễ lý giải nhất đó là trường hợp của tiền đạo Tiến Linh. Dù đã có những trận đấu vô cùng xuất sắc tại VL thứ 3 World Cup, thế nhưng trong toàn bộ chiến dịch AFF Cup, khán giả không còn thấy sự nguy hiểm của cầu thủ 23 tuổi này. 

Đẳng cấp của tiền đạo này chưa bao giờ khiến chúng ta phải bàn cãi. Nhưng có lẽ, phong độ, thể trạng và những kĩ năng tốt nhất đã được Tiến Linh thể hiện hết ở những trận đấu tại chiến dịch vòng loại World Cup. Về đến khu vực là một Tiến Linh vô duyên, vụng về với cảm giác bóng không tốt.

Tuấn Anh cũng tương tự như vậy, không ai còn nhận ra một Tuấn Anh điềm tĩnh, tự tin khi đối mặt với các cầu thủ hàng đầu tại Châu Á. Bước vào AFF Cup, trận đấu tốt nhất của tiền vệ này chỉ là phút giây vụt sáng trong cuộc đối đầu với Malaysia. Còn lại, rõ ràng chúng ta không thấy Tuấn Anh sung sức nhất ở những thời điểm quan trọng.

Cái khó của thầy Park - Ảnh 3.

Thật khó để tất cả cầu thủ đều duy trì trạng thái ổn định ở cường độ cao như Quang Hải hay Hoàng Đức. Ngay cả Văn Thanh hay Hồng Duy cũng không có trạng thái, sự tập trung tốt nhất trong thời gian dài, điều mà chúng ta ít thấy dù trước đó họ phải đối mặt với các cầu thủ xuất sắc từ Nhật Bản, Australia hay Saudi Arabia.

Đây cũng là lần đầu tiên ĐT Việt Nam phải chuẩn bị song song cho cả hai chiến dịch quan trọng trong cùng một thời điểm. Gặp khó khăn trong tính toán điểm rơi là hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là chưa kể, chu kỳ chuẩn bị của chúng ta không đủ dài để các cầu thủ đạt trạng thái hồi phục thể lực tốt nhất sau mỗi giải đấu. Vậy nên, nhiều cầu thủ thi đấu không đáp ứng kì vọng tại AFF Cup năm nay là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Tâm lý cầu thủ bị ảnh hưởng

Nếu đây chỉ là đợt tập trung đơn thuần để chuẩn bị cho giải đấu thì chẳng có gì đáng để nói. Thế nhưng, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhiều tháng qua, các cầu thủ tuyển Việt Nam luôn phải duy trì chế độ bong bóng trong mỗi đợt tập trung.

Chế độ bong bóng nghĩa là cầu thủ chỉ được ở khách sạn, ra sân tập, sân đấu và ngược lại như thế nhiều tháng qua. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch vòng loại World Cup, các cầu thủ đã phải duy trì chế độ đó từ khoảng tháng 7 cho đến nay.

Dẫu biết đó là những điều kiện để đảm bảo an toàn cho thành viên đội tuyển, thế nhưng khi thời gian gặp gỡ gia đình, người thân trở thành thứ xa xỉ thì tâm lý của cầu thủ bị ảnh hưởng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Chưa kể, khi trải qua những trận đấu không thành công tại VL thứ 3 World Cup, việc có được quãng thời gian bên cạnh gia đình để chia sẻ, nghỉ ngơi là điều cần thiết nhưng mỗi lần xả trại, thời gian lại không đủ dài để những cầu thủ ở xa có cơ hội quây quần bên gia đình sau những ngày dài mệt mỏi.

Cái khó của thầy Park - Ảnh 4.

Không ít lần người hâm mộ thấy hình ảnh người thân, gia đình các cầu thủ bày tỏ nỗi nhớ mong họ trong quãng thời gian tập trung dài ngày. Về phía cầu thủ cũng vậy, những hình ảnh nhớ nhung con cái hay thèm muốn 1 ngày nghỉ bên gia đình là điều chúng ta không hiếm thấy trên trang cá nhân của họ.

Chính HLV Park Hang Seo cũng từng thừa nhận trước báo chí rằng, việc phải tập luyện, sinh hoạt trong môi trường hạn chế khiến tâm lý các học trò của ông không được ổn định. Ông Park hiểu điều đó, nên ông cũng có những liệu pháp cho việc tránh "chấn thương" về mặt tâm lý với các tuyển thủ, ví dụ như hình ảnh ông thầy người Hàn Quốc hoà mình cùng các học trò trong các trận đấu bóng bàn vui vẻ được chia sẻ khắp mạng xã hội mới đây. Nhưng ai cũng hiểu đó chỉ là những liệu pháp mang tính tức thời, nó vốn chưa phải là cách giải quyết triệt để.

Nói thế để thấy, dù được đánh giá là có sự chuẩn bị tốt hơn các đối thủ, thế nhưng rõ ràng thầy Park cũng phải đối mặt với những cái khó của riêng mình. Chúng ta cũng cần có cái nhìn công bằng hơn với HLV người Hàn Quốc. Giờ đây, sau những kết quả không như ý liên tiếp, chắc chắn thầy Park cần sự ủng hộ của người hâm mộ hơn bao giờ hết.

Viết Huy

Tin mới