(Tổ Quốc) - Bây giờ đã tuổi 27, liệu Đỗ Hùng Dũng có thể trở lại với phong độ đỉnh cao sau sự cố trên sân Thống Nhất? Thật khó để trả lời, và một câu hỏi khác được đặt ra, khi cái chân là miếng cơm manh áo cầu thủ, sao không giữ cho nhau?
"Khi nhìn xuống chân, vô số ý nghĩ chạy trong đầu tôi. Liệu tôi có thể đi lại, chạy, và ra sân thêm lần nữa? Tôi lo sợ cho sự nghiệp của mình. Nó chỉ mới bắt đầu…", Aaron Ramsey nhớ lại khoảnh khắc rùng rợn trong một đêm mùa xuân tại Britannia, khi cú vào bóng thô bạo của hậu vệ Stoke, Ryan Shawcross, khiến chân phải anh gãy rời.
Đã 11 năm trôi qua, và nếu nhìn lại những gì Ramsey đã làm, với hơn 400 trận đấu cùng 78 bàn thắng trong giai đoạn đó, nhiều người có xu hướng nghĩ rằng pha gãy chân kia cũng không ghê gớm lắm, và cựu tiền vệ Arsenal đã vượt qua thật dễ dàng.
Nhưng không phải. Đó là một hành trình đầy khó khăn mà bản thân Ramsey không muốn nhớ lại. Anh phải mất 8 tháng trời để có thể xỏ giày ra sân tập, sau những ngày nỗ lực không ngừng để hồi phục. Anh cũng phải tới Nottingham Forest theo dạng cho mượn để lấy lại cảm giác bóng. Kế đến, gia nhập Cardiff City với mục đích tìm kiếm cơ hội ra sân và làm quen với nhịp điệu thi đấu. Cho đến tháng 1/2011, Ramsey mới trở lại Arsenal. Và thêm 2 mùa nữa để anh thực sự là chính mình, đạt đỉnh cao phong độ khiến tất cả phải ngưỡng mộ.
Cái chân gãy lìa của Aaron Ramsey sau pha truy cản của Ryan Shawcross
Cũng phải lưu ý, Ramsey gãy chân khi mới 20 tuổi. Giống như trường hợp của Luke Shaw, người nếm trải cảm giác kinh hoàng năm 19 tuổi, anh có nhiều thời gian cũng như nền tảng thể chất cho việc vượt qua chấn thương, phục hồi rồi tỏa sáng trở lại.
Còn Đỗ Hùng Dũng, năm nay tuyển thủ của ĐTQG Việt Nam đã 27 tuổi. Liệu anh có thể xỏ giày ra sân và chơi với phong độ đã giúp anh đoạt giải Quả bóng Vàng 2019, đồng thời mang về 3 chức vô địch V.League cho Hà Nội FC và ngôi vị Quán quân AFF Cup 2018, SEA Games 2019 của ĐT Việt Nam?
Thật khó có thể trả lời. Điều chắc chắn duy nhất là, những ngày tháng tới sẽ rất dài với Hùng Dũng, với Hà Nội FC và tuyển Việt Nam.
Rất không may cho Dũng, khi chuyện đáng tiếc đến đúng vào giai đoạn hay nhất sự nghiệp. Anh không được biết đến với danh xưng thần đồng. Thành quả đạt được đến từ sự khổ luyện, bền bỉ và nỗ lực không ngừng để cải thiện mỗi ngày. Một cái kết có hậu cho cầu thủ chín muộn của Hà Nội FC. Nhưng hạnh phúc không bền lâu, nỗi đau đã ập tới.
Với tính cách hiền lành và đức hy sinh, Dũng sẽ không trách Hoàng Thịnh, chấp nhận rằng đó là số phận. Quả thực, tai nạn sân cỏ không loại trừ bất cứ ai, từ Ramsey đến Hùng Dũng, tại Premier League tới V.League. Ngay vợ của Hùng Dũng hẳn cũng lường trước điều đó khi một lần tâm sự trên Facebook, rằng không muốn xem chồng thi đấu vì sợ nhìn thấy sự đau đớn sau mỗi pha va chạm.
Trong bóng đá, với một chuỗi bất tận các tình huống kéo, đẩy, tắc bóng tới đốn ngã, chấn thương không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, truy cản đối phương bằng hành vi bạo lực là một phạm trù khác. Khi một pha bóng thô bạo không đến từ lợi ích cụ thể trong phạm vi bóng đá, nó cần bị lên án.
Rất khó để biện hộ cho tình huống vào bóng của Hoàng Thịnh trên sân Thống Nhất, khi lao thẳng gầm giày vào ống đồng Hùng Dũng. Hoàng Thịnh nói rằng anh "ham bóng", song "ham bóng" không phải lời giải thích thỏa đáng cho một pha phạm lỗi mà hầu hết các chuyên gia đều nhận định là mang tính triệt hạ, còn người hâm mộ thì lắc đầu ngao ngán. Tiền vệ của TP Hồ Chí Minh không giống như muốn giành lại bóng. Và chỉ anh ta mới biết ý định thực sự là gì.
Hùng Dũng sau ca mổ sáng ngày 24/03 (Ảnh: Hà Nội FC)
Ranh giới giữa thể thao và phi thể thao rất mong manh. Nhưng đáng buồn là những tình huống đi quá giới hạn không hề hiếm trên khắp các sân cỏ V.League. Anh Khoa đã phải giải nghệ vì cú đạp của Quế Ngọc Hải, và suốt 6 năm kể từ đó, chân anh vẫn nhức buốt mỗi khi trái gió trở trời. Rồi Anh Hùng gãy chân vì Đình Đồng, Thanh Hào làm chuyện tương tự với Abbas, Tuấn Tú tung quyền với Văn Học, Bửu Ngọc phi thân vào Duy Long… Nhìn từ bên ngoài, đôi khi người ta nghĩ rằng bạo lực là đặc sản của bóng đá Việt Nam.
Đã đến lúc chúng ta cần giải quyết vấn đề. Không chỉ là các án phạt hay sự lên án của cả xã hội, mà cả cách giáo dục cầu thủ. Khát khao chiến thắng không có nghĩa là tìm kiếm kết quả bằng mọi giá, dẫm đạp lên giá trị thể thao và sẵn sàng gây thương tích cho người khác. Họ phải hiểu điều gì được và không được phép, đồng thời tôn trọng nghề nghiệp bản thân cũng như của đối thủ, vốn đã không dài.
"Tôi ân hận vô cùng. Là cầu thủ, cái chân chính là miếng cơm manh áo", Quế Ngọc Hải nói về sự cố đáng tiếc với Anh Khoa. Nhưng đó là sự nuối tiếc muộn màng, bởi không phải ai cũng may mắn có cơ hội làm lại từ đầu như Ramsey.
Đỗ Hùng Dũng (8/9/1993) trưởng thành từ lò đào tạo của Hà Nội FC. Sau quãng thời gian dài thi đấu cho các lứa của tuyển trẻ và trau dồi kinh nghiệm tại giải hạng Nhất, Hùng Dũng được đôn lên thi đấu cho đội 1 của Hà Nội FC năm 2016 và trở thành nhân tố quan trọng giúp đội bóng 3 lần lên ngôi tại V.League.
Tại đội tuyển Quốc gia, Dũng "Chíp" cũng trở thành nhân tố rất khó thay thế của HLV Park Hang-seo nơi tuyến giữa, có đóng góp cực lớn trong những thành công liên tiếp của "Những ngôi sao vàng".
Lúc này, Hùng Dũng có 3 chức vô địch V.League, 1 Cúp quốc gia, 2 Siêu cúp quốc gia, 1 AFF Cup, 1 HCV SEA Games. Bên cạnh đó, Dũng "Chip" cũng là chủ nhân của danh hiệu Quả bóng vàng 2019
THANH ĐÌNH
kenh14.vn