(Tổ Quốc) - Trước đối thủ kỵ giơ, tuyển Italy thanh toán sòng phẳng món nợ cách đây 9 năm bằng màn trình diễn hội tụ tất cả tinh hoa của một ƯCV vô địch.
NHM Italy đã trải qua rất nhiều thăng trầm chưa từng có trong lịch sử đội tuyển xứ sở mỳ ống từ sau thất bại ở trận play-off tới World Cup 2018. Tuy nhiên, niềm tin họ dành cho đoàn quân của HLV Roberto Mancini đã được đền đáp trọn vẹn tại Euro 2020.
Thành công gần nhất của tuyển Italy tại một giải đấu lớn chính là trận chung kết Euro 2012. Trùng hợp thay, đối thủ của họ tại trận bán kết Euro 2020 cũng là Tây Ban Nha, đội bóng đã nghiền nát Azzurri đến 4 bàn không gỡ ở Kiev.
Canh bạc chiến thuật đỉnh cao của HLV Roberto Mancini
Đội hình ra sân của tuyển Tây Ban Nha trong trận bán kết Euro 2020 vẫn còn sót lại hai chứng nhân của chiến thắng hủy diệt năm xưa là Sergio Busquets và Jordi Alba. Dù đã có sự khác biệt từ việc chuyển giao thế hệ, nhưng cách "La Roja" chơi bóng trên sân Wembley, trước đối thủ Italy, vẫn mang một màu sắc quen thuộc.
HLV Luis Enrique vẫn giữ nguyên bản sắc truyền thống của thế hệ hoàng kim Tây Ban Nha bằng lối chơi kiểm soát và đan bóng ở tốc độ rất cao, dù trong tay ông là những nhân sự vừa thiếu kinh nghiệm và chất lượng so với thế hệ vàng năm xưa.
Tuyển Italy tại giải đấu năm nay mang đến cho người xem một cảm giác tấn công rất dồn dập và hoa mỹ. Thực tế, điều này xuất phát từ việc tất cả cầu thủ trong đội hình của họ đều tham gia pressing với cường độ rất cao từ khu vực giữa sân cho đến cầu môn đối thủ.
Tuyển Bỉ vỡ trận sớm cũng vì lý do đó. Cặp tiền vệ trụ Tielemans-Witsel và trung vệ phân phối bóng chính Alderweireld liên tục bị tuyển Italy khoét vào. Không cho phép đối phương triển khai lối chơi, Azzurri từ từ bóp nghẹt mọi phương án chuyền bóng và từ đó mở ra cơ hội tấn công ngay bên phần sân đối phương,
Tuy nhiên, các cầu thủ Tây Ban Nha thật sự là một canh bạc khó giải với HLV Roberto Mancini. Thật khó để tìm kiếm một đội tuyển nào trên thế giới có thể chạy chỗ, quan sát, xử lý bước một và tung ra những đường chuyền có chất lượng cao như vậy. Đó là lý do vì sao Italy pressing từ rất cao bên phần sân của thủ môn Simon, nhưng hiệu quả lại chẳng được bao nhiêu.
Đến lúc này, Azzurri buộc phải quay về thứ bản sắc của họ là phòng ngự chắc và chờ phản công. Nhưng khác với "vết xe đổ" từ những người tiền nhiệm, Mancini nâng cấp thứ vũ khí ấy của người Italy lên một tầm cao mới hơn: khả năng chuyển đổi trạng thái.
Nếu theo cách thông thường, như tuyển Tây Ban Nha đã làm, bóng sẽ được luân chuyển từ vị trí trung vệ, sang đến tuyến tiền vệ và mới bắt đầu bật nhả để tạo khoảng trống.
Cách chơi ấy hoàn toàn không phù hợp với một đội bóng phải phòng thủ trong bóng đá hiện đại ngày nay. Với tần suất tranh chấp ở tốc độ rất cao của các tiền đạo như hiện nay, việc luân chuyển quả bóng chậm rãi như thế không khác nào "tự sát".
Do đó, HLV Roberto Mancini đã giải bài toán này theo một cách rất tinh vi và khó đoán nhất. Bóng sẽ được phất thẳng từ phần sân nhà đến thẳng bộ ba tiền đạo có tốc độ rất tốt ở trên là Insigne - Immobile - Chiesa.
Nếu tận dụng được khoảng trống mênh mông sau lưng cặp trung vệ tuyển Tây Ban Nha, Italy sẽ có một cơ hội thật sự. Còn nếu thất bại, ít nhất họ cũng buộc Tây Ban Nha phải tổ chức triển khai bóng ở khoảng cách rất xa khung thành Donnarumma.
Bàn thắng mở tỷ số là một ví dụ điển hình về cách Azzurri chuyển đổi trạng thái hoàn hảo như thế nào. Thủ môn Donnarumma ôm gọn quả bóng từ một đường tạt của Tây Ban Nha, sau đó lập tức thả quả bóng cho Jorginho.
Tính từ lúc phát động tấn công, chỉ mất đúng 5 giây để Insigne có bóng trong chân và thoải mái ngắm nghía trước khi thực hiện đường chuyền điệu nghệ bằng má ngoài chân phải cho đồng đội thoát xuống. Hàng thủ Tây Ban Nha lập tức ập vào Immobile, để rồi cho phép Chiesa đỡ bóng bật ra và thoải mái cứa lòng đẹp mắt.
Toàn bộ quá trình ấy, từ khi bóng trong tay thủ môn Donnarumma cho đến khi đi vào lưới của Tây Ban Nha, mất đúng 13 giây. Số lượng cầu thủ tham gia trong khung hình này ư? 3 tuyển thủ Italy cùng 6 cái bóng áo trắng lùi về phòng thủ.
Tinh thần và bản lĩnh của Italy
Sau hơn 9 năm, cũng vào một ngày đầu tháng 7, tuyển Italy thanh toán sòng phẳng món nợ với những người Tây Ban Nha. Từ đống tro tàn của thế hệ cũ kỹ và lối chơi lạc hậu, HLV Roberto Mancini đã vực dậy thành công cả một nền bóng đá đang sa sút nghiêm trọng.
Sắc "thiên thanh" dưới bàn tay của Mancini như loài phượng hoàng có khả năng tái sinh. Bản chất họ vẫn là một đội bóng lớn, với những cá nhân không phải tầm thường, nhưng bất ngờ "băng hà" bởi không thể theo kịp bóng đá hiện đại.
Azzurri của Mancini không gạt bỏ những giá trị xưa cũ, mà chỉ đơn giản là điều chỉnh sao cho nó phù hợp với bóng đá hiện đại. Kể cả khi tuyến phòng thủ của Italy bất ngờ bị xuyên thủng bởi một pha đập nhả đúng chất Tiki-taka, họ vẫn giữ được sự tập trung cần thiết để đứng vững trong cả hai hiệp phụ.
Nếu xét về kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, cả Tây Ban Nha và Italy đều là những tập thể còn rất non trẻ. Tuy nhiên, cách cả hai thi tài nhau trong một cuộc "đấu súng" cân não, tại một trận bán kết Euro có sự khác biệt rất lớn.
Manuel Locatelli bị bắt bài trong cú sút đầu tiên, nhưng 4 người đồng đội còn lại của anh đều làm hoàn hảo nhiệm vụ của mình. Nên nhớ, chính Leonardo Bonucci là người đã đá hỏng phạt đền tại Euro 2016, khiến tuyển Italy dừng bước trước người Đức. Cả 3 cái tên còn lại, đều chưa từng trải qua thứ áp lực kinh khủng này.
Nói như thế để thấy, nội lực của những người Azzurri vẫn còn đó. Nó sẽ không bao giờ mất đi, mà chỉ đợi đến lúc có người khơi lại. HLV Roberto Mancini và tuyển Italy đã đi trên chính con đường ấy, khi trước mặt họ chỉ còn một trận đấu duy nhất để khép lại câu chuyện "tái sinh" tại Wembley.
Tuấn Hoàng