(Tổ Quốc) - Dù có nhiều ý kiến cho rằng ĐT Việt Nam đã thua một trận đấu không xứng đáng, nhưng công bằng mà nói, chúng ta đã có một trận đấu không hay cả về chiến thuật lẫn tâm lý thi đấu.
Hưng phấn thái quá
Dưới thời HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam chưa từng đánh bại Thái Lan trong một giải đấu chính thức. Và sự quyết tâm là những gì chúng ta cảm nhận được ở mỗi cầu thủ bước ra sân trong cuộc đối đầu này. Nhưng cũng chính sự hưng phấn có phần thái quá đó lại làm hại các học trò thầy Park trong 90 phút đã qua.
Những phút đầu tiên của trận đấu, ĐT Việt Nam có phần hơi sốc vì lối đá Pressing tầm cao của Thái Lan. Nhưng thay vì bình tĩnh triển khai lối chơi từ phần sân nhà như thường thấy, các cầu thủ Việt Nam lại lựa chọn phương án chơi bóng dài và đó chắc chắn mang đến nhiều bất lợi cho những cầu thủ ở hàng công không có khả năng tranh chấp tốt như Văn Toàn hay Công Phượng.
Thậm chí, khi không kiểm soát được sự hưng phấn của mình, các cầu thủ của chúng ta bắt đầu sa đà vào những tình huống chơi bóng quyết liệt quá mức cần thiết. Không những thế, khi nôn nóng, họ đã vô tình phá bỏ luôn những nguyên tắc cân bằng cơ bản cần có. Bàn thua đầu tiên là một ví dụ, dĩ nhiên nó đến từ sai lầm khá nghiệp dư của Hồng Duy. Nhưng khi xem kĩ lại, rõ ràng có sự nôn nóng trong hệ thống dẫn đến sai lầm cá nhân tệ hại.
Nguyên tắc là chúng ta cần có số lượng cầu thủ phòng ngự luôn luôn phải đông hơn cầu thủ tấn công của đối phương dù đội nhà đang được hưởng một tình huống tấn công. Nhất là trong các tình huống tấn công cố định, nơi mà ít nhiều mọi thứ đã được sắp đặt và chuẩn bị trước trong các buổi tập, ai lên ai về đều phải được phân công một cách rõ ràng.
Nhưng sau tình huống dàn xếp đá phạt bất thành, Thái Lan có cơ hội phản công nhanh, thật bất ngờ khi Hồng Duy là người còn lại duy nhất trong hệ thống phòng ngự của chúng ta và khi cầu thủ HAGL mắc sai lầm, không còn một ai có thể kịp về bọc lót, sửa sai cho hậu vệ trái này. Đó là điều rất hiếm thấy ở ĐT Việt Nam dưới thời thầy Park, cũng dễ để lý giải cho điều này thôi.
Khi các cầu thủ không giữ được trạng thái cân bằng cảm xúc tốt nhất, dĩ nhiên nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn trong từng tình huống cụ thể. Và thật không may, nó lại rơi vào ĐT Việt Nam trong trận đấu tối qua.
Triển khai chiến thuật khó hiểu
Thái Lan cho thấy họ đã có thời gian tìm hiểu và nắm bắt khá rõ điểm mạnh, điểm yếu của ĐT Việt Nam. Họ biết lối chơi sở trường của chúng ta là phòng ngự phản công nên ngay từ những phút đầu tiên của trận đấu, Polking chỉ đạo các học trò chủ động đá phòng ngự phản công, pressing chặt chẽ buộc Việt Nam phải sử dụng lối đá trái sở trường.
Người Thái nhường thế chủ động cầm bóng cho chúng ta, nhưng cách họ tổ chức vây bắt ở khu vực trung tuyến và một phần ba sân nhà lại cực kì hiệu quả. Rõ ràng khi đó, sự lúng túng của ĐT Việt Nam bắt đầu xuất hiện, các cầu thủ bắt đầu nôn nóng và sự chính xác từ những đường chuyền cũng vì thế mà mất đi.
Trận đấu này, HLV Park Hang-seo bố trí Văn Toàn đá chính với hy vọng tốc độ của cầu thủ HAGL sẽ phần nào gây khó cho Theerathon. Thế nhưng, quãng thời gian làm việc ở V.League giúp HLV Polking hiểu được phần nào sự nguy hiểm của Văn Thanh và Văn Toàn, vì thế ông bố trí một tiền vệ đầy sức mạnh là Phitiwat, có nhiệm vụ hỗ trợ phòng ngự ở mỗi tình huống mà Theerathon dâng cao. Đó được coi là nút thắt giúp ĐT Thái Lan thành công trong việc triển khai những pha bóng phản công từ cánh trái.
Rõ ràng khi gặp một đối thủ mạnh, hiểu rất rõ về lối chơi của mình, các cầu thủ Việt Nam bắt đầu lung tung trong cách triển khai lối chơi. Hàng tiền vệ không giữ được liên kết cần thiết với những vệ tinh xung quanh, Tuấn Anh khi phải đối mặt với đối phương gồm những cầu thủ giàu sức mạnh, có tính cơ động cao, anh gần như đã lép vế hoàn toàn. Và rõ ràng sợi dây liên kết giữa Tuấn Anh và Hoàng Đức gần như là con số 0.
Trong thế trận thế này, hơi bất ngờ khi thầy Park lại không sử dụng Tiến Linh ngay từ đầu. Bởi khi không triển khai được những pha bóng ngắn nhỏ, những đường chuyền dài của chúng ta đều không có điểm đến là tiền đạo mục tiêu. Quan sát kĩ sẽ thấy, ĐT Việt Nam lúc đó thiếu một tiền đạo mục tiêu có khả năng tranh chấp tốt và biết cách tạo áp lực lên hàng phòng ngự đối phương như Tiến Linh.
Công Phượng thì chưa bao giờ được coi là người có khả năng tranh chấp tốt, vì thế trong cả hiệp 1, tiền đạo của HAGL tỏ ra vô cùng cô độc trước sức mạnh của Kritsada và Bihr. Rõ ràng khi Tiến Linh xuất hiện ở hiệp 2, cặp trung vệ của Thái Lan đã không còn duy trì được sự nhàn nhã từng có trước đó, cơ hội tiếp cận cầu môn thủ thành Chatchai vì thế cũng xuất hiện nhiều hơn.
Về mặt phòng ngự, chúng ta hiểu rõ Chanathip nguy hiểm thế nào. Nhưng dường như không hề có một phương án đặc biệt nào cho cầu thủ này. Đội trưởng của Thái Lan khai thác rất tốt khoảng trống sau lưng Tuấn Anh, bàn thắng thứ 2 là một ví dụ, khi Quế Ngọc Hải băng lên hỗ trợ Tuấn Anh, ngay lập tức khoảng trống khu vực trung lộ bị khoét sâu và chúng ta để thủng lưới.
Bàn thắng này cũng cho thấy sợi dây liên kết giữa Tuấn Anh và hàng phòng ngự đã bị khai thác một cách vô cùng triệt để. ĐT Việt Nam đã có hiệp một không hay về cách vận hành lối chơi, những mảng miếng triển khai tấn công đều chưa thực sự rõ ràng. Tất cả những tình huống đáng chú ý nhất của ĐT Việt Nam đều đến từ những nỗ lực cá nhân của Quang Hải.
Việt Nam còn 90 phút ở trận bán kết lượt về, nhiệm vụ của là phải ghi ít nhất hai bàn để níu giữ hy vọng bảo vệ ngôi vương. Nhưng dĩ nhiên là cách vận hành lối chơi phải khác, tâm lý nhập cuộc cũng phải khác so với những chuyện tồi tệ đã trải qua.
Viết Huy