(Tổ Quốc) - Mất Messi luôn là một thảm họa. Nhưng cố níu kéo La Pulga ở lại thêm 12 tháng, chỉ để bất lực nhìn anh ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do khi hợp đồng hết hạn sẽ là thảm họa tồi tệ hơn với Barca.
Ivan Rakitic đã tới Sevilla, khởi đầu cho cuộc thanh tẩy ở Barca. Không ai bất ngờ vì điều đó.
Tuy nhiên, tất cả đều sốc trước con số 1,8 triệu euro ít ỏi mà Barca thu được từ thương vụ này. Đúng là điều khoản hợp đồng có kèm 9 triệu biến phí, nhưng 6 trong số đó là trong trường hợp Sevilla vô địch La Liga, Europa League và Champions League. Nghĩa là, nhiều nhất họ chỉ kiếm thêm 3 triệu, liên quan tới số lần ra sân của Rakitic và khả năng dự Cúp châu Âu của Sevilla.
Thật đáng kinh ngạc nếu biết rằng giá trị của Rakitic tụt giảm khủng khiếp chỉ sau 2 năm. Vào mùa hè 2018, cầu thủ người Croatia trở về với tư cách á quân World Cup và được PSG chào giá 90 triệu euro.
Barca đã khước từ đề nghị này, bất chấp khi ấy anh đã 30 tuổi và họ cũng mua tài năng 22 tuổi Arthur từ Gremio, tiếp tục chiêu mộ Arturo Vidal từ Bayern. HLV Ernesto Valverde xác định Rakitic là cầu thủ không thể thay thế và Barca cũng đồng ý với quan điểm đó.
Không mất nhiều thời gian để những người ở Nou Camp nhận ra sai lầm. Rất nhiều lần Rakitic củng cố nhận định của các cule, rằng anh không sở hữu những phẩm chất cần thiết để phù hợp với thứ bóng đá kiểm soát bóng và định hướng vị trí của Barca. Như trong thất bại trước Liverpool ở bán kết lượt về Champions League 2018/19, Rikitic là một trong những cá nhân mắc lỗi.
Mùa hè 2019, Barca đã cố tìm kiếm lối thoát cho Rakitic. Thế nhưng không có CLB nào mặn mà với tiền vệ người Croatia. Cực chẳng đã, họ đành giữ Rakitic lại, đồng thời chấm dứt cuộc đàm phán gia hạn hợp đồng như đã hứa khi thuyết phục anh từ chối PSG.
Sau đó thì như tất cả đã biết, Rakitic không còn quan trọng với Barca, cuối cùng trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc cách mạng mùa hè 2020. Trong sự quẫn bách, Barca thậm chí còn có ý định để tiền vệ 32 tuổi ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do để tiết kiệm khoản lương 8 triệu euro mỗi năm.
Rời đi sau 6 năm khoác áo Barca, với 13 danh hiệu, 35 bàn thắng, 42 pha kiến tạo và 310 trận, Rakitic sẽ được nhớ đến như một huyền thoại của CLB. Anh thậm chí còn khắc sâu vị trí của mình trong lịch sử CLB với trung bình 51,4 trận mỗi mùa, cao hơn bất kỳ cầu thủ Barca nào khác.
Tuy nhiên, sự ra đi của Rakitic cũng nhấn mạnh sai lầm của Barca. Họ thiếu tầm nhìn trong chuyển nhượng cũng như đánh giá nhân sự. Món hàng trị giá 90 triệu euro bị biến thành 1,5 triệu chỉ sau 2 năm, và Barca tự đẩy mình vào tình trạng tài chính nguy ngập.
Câu chuyện tương tự cũng sắp xảy ra với Lionel Messi, người nhất quyết ra đi và sẵn sàng chống đối để đạt được mục đích.
Có thể hiểu được quyết định giữ chân siêu sao người Argentina bằng mọi giá của Chủ tịch Joseph Bartomeu. Messi là huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử CLB, đồng thời có ý nghĩa lớn về mặt chuyên môn, hình ảnh và thương mại. Tuy nhiên hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi Messi nói lời chia tay vào mùa hè năm sau?
Barca sẽ phải gánh khoản lương hơn 100 triệu euro của Messi trong 12 tháng tới, chỉ để bất lực nhìn siêu sao của mình ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do. Vì hợp đồng của Messi kết thúc, họ còn không kiếm được 1 xu chuyển nhượng, đừng nói là 1,5 triệu như vụ bán lỗ Rakitic. Lưu ý rằng trong trường hợp miễn cưỡng ở lại, không đó sẽ còn là một Messi tốt nhất khi đánh mất niềm vui, động lực cống hiến.
Trong khi đó, họ có thể để Messi vừa ý vào mùa hè này, nhận lại khoản phí chuyển nhượng nhiều hơn 200 triệu euro để tái đầu tư, đồng thời cân đối tài chính nhờ quỹ lương được tiết giảm. Không còn Messi, Barca cũng có thể thoát khỏi sự phụ thuộc và sớm bước vào thời kỳ mới, thay vì chờ đợi thêm 1 năm để vẫn phải thực hiện quá trình đó.
Mất Messi luôn là một thảm họa. Nhưng mất anh vào năm sau sẽ khiến thảm họa trở nên tồi tệ hơn. Và còn lâu Barca mới thoát khỏi cuộc khủng hoảng do chính họ tạo ra bằng việc thiếu tầm nhìn dài hạn.
THANH ĐÌNH