(Tổ Quốc) - Biên bản cuộc họp giữa VFF, VPF, 14 CLB V.League, 13 CLB Giải hạng Nhất kéo dài gần 3 giờ đồng hồ vào chiều 24/8.
Cuộc họp diễn ra trực tuyến. 27/27 CLB đồng ý huỷ các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V.League, hạng Nhất, Cúp quốc gia). Chưa quyết định có đội vô địch, xuống hạng và các suất dự cúp châu Á hay không. Tổng cộng 7 CLB V.League, 5 CLB hạng Nhất có ý kiến phát biểu cụ thể trong cuộc họp.
Đại diện CLB Hải Phòng, Quảng Nam, Phố Hiến nêu ý kiến VPF cần có "văn hoá từ chức", thay đổi nhân sự làm tốt hơn.
Đại diện CLB Nam Định cho rằng VPF làm sai điều lệ công ty khi phát phiếu hỏi ý kiến CLB về phương án tổ chức vào tháng 7/2021. Đại diện CLB Bình Dương cũng có chung suy nghĩ và cho rằng VFF cần kiểm điểm VPF.
Với mỗi ý kiến, đại diện VPF đều có ý kiến phản hồi. Dưới đây là chi tiết phát biểu của đại diện các CLB được ghi lại trong biên bản cuộc họp (được thông qua) vào chiều nay.
Ý KIẾN ĐẠI DIỆN VFF
Ông Trần Quốc Tuấn - Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn:
Cuộc họp hôm nay xem xét huỷ giải. Đây là lần đầu tiên VFF xử lý tình huống này. Cho đến hiện tại, đây chưa phải quyết định cuối cùng. BCH VFF định hướng trên cơ sở tôn trọng quy định, điều lệ hoạt động của VPF và 27 CLB tham dự giải.
Nếu sau cuộc họp này các CLB đồng ý thì VPF sẽ trình HĐQT công ty để thống nhất sau đó trình VFF quyết định. Sau khi có quyết định của BCH, VFF sẽ báo cáo AFC để có quyết định xử lý thứ hạng đội bóng. AFC có những quy chuẩn riêng về điều kiện đội bóng tham dự AFC, đề nghị các CLB sau khi có quyết định sẽ làm việc với VFF.
Ý KIẾN CÁC CLB V.LEAGUE 2021
1. HAGL (Ông Nguyễn Tấn Anh):
Ghi nhận nỗ lực của VPF, ban điều hành giải. HAGL ủng hộ huỷ mùa giải 2021, ủng hộ quyết định của ban điều hành giải, ủng hộ không có đội rớt hạng mùa giải 2021.
2. Hải Phòng (Ông Văn Trần Hoàn):
Cuộc họp hôm nay CLB được phép phản biện, có ý kiến. Trong 3 tháng (nghỉ dịch), chỉ nhận được 2 văn bản của VPF. Phê bình VPF quá áp đặt, bức xúc cách điều hành của VPF xa rời thực tế, không tôn trọng các CLB. VPF phải vứt bỏ sự vô cảm thiếu trách nhiệm áp đặt CLB. Đề nghị VPF minh bạch nguồn tài chính thu chi, cần có văn hoá từ chức.
* Ông Trần Anh Tú trả lời: Những vấn đề chưa đúng VPF xin rút kinh nghiệm. Hiện tại, VPF đang hoạt động theo điều lệ công ty.
3. Hà Nội FC (Ông Nguyễn Quốc Hội):
Huỷ giải là theo chỉ đạo, định hướng của BCH VFF. Thời điểm này, chúng ta cần ngồi lại, các CLB đóng góp theo tính chất xây dựng để bóng đá tốt lên. Người làm bóng đá cần nhìn nhận điểm yếu, thiếu phải khắc phục. Các CLB đóng góp ý kiến là xác đáng tốt cho bóng đá Việt Nam, cần ghi nhận để thực hiện, cần tiến hành biểu quyết luôn sau đó các CLB có ý kiến.
4. Nam Định (Ông Trần Thái Toán):
VPF hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, theo luật doanh nghiệp, nghị quyết đại hội cổ đông trước đây. HĐQT đang làm sai.
Thứ nhất, thời hạn xin ý kiến sai theo quy định vì chậm nhất là trong vòng 10 ngày. Thứ hai, không nhận được ý kiến phản hồi coi như đồng ý nhưng theo quy định của luật, phiếu nếu không gửi về thì không được tính biểu quyết, không được tính tỷ lệ. Biểu quyết chỉ dựa trên các phiếu gửi về. VPF ban hành nghị quyết phải có ý kiến của đại hội cổ đông, tham mưu ý kiến của HĐQT về phương án tổ chức mùa giải trước đây là không đúng.
Sau cuộc họp hôm nay, Nam Định sẽ gửi văn bản để VPF rút kinh nghiệm. Nam Định phản đối lùi giải, thứ nhất liên quan quyền lợi CLB; thứ hai, nghị quyết VPF ban hành không đúng với quy định pháp luật.
* Ông Trần Anh Tú trả lời: VPF tiếp thu ý kiến của CLB nam định, sẵn sàng sửa đổi nếu thực hiện sai.
5. Bình Dương
- Ông Hồ Hồng Thạch:
Đồng ý quan điểm huỷ giải. Dừng giải là bất khả kháng. VPF cung cấp sớm kế hoạch bắt đầu mùa giải 2022.
Kiến nghị biên bản ghi rõ ý kiến các CLB, gửi về cho CLB biên bản các kỳ họp. Tổ chức các cuộc họp định kỳ giữa VPF và các CLB ít nhất 3 lần/mùa giải (trước khai mạc, giữa mùa và kết thúc mùa giải) để các CLB có ý kiến đóng góp kịp thời.
Về bản quyền truyền hình, VFF và VPF xem lại vấn đề, các trận đấu của CLB tại sân nhà, các bảng quảng cáo sân nhà thuộc quyền của CLB. VPF xem lại vấn đề này vì bóng đá chuyên nghiệp phải có nguồn thu để phục vụ CLB. Các ý kiến đều mong muốn bóng đá Việt Nam phát triển.
Tán đồng ý kiến CLB Thanh Hoá là dùng từ "huỷ giải" hay "kết thúc giải". Huỷ giải là huỷ toàn bộ, kết thúc giải tức là phải hoàn thành mùa giải. Theo quan điểm của Bình Dương nên dùng "dừng mùa giải 2021 ở thời điểm hiện tại". Căn cứ biên bản cuộc họp hôm nay gửi VFF xem xét.
* Ông Trần Anh Tú trả lời: VPF sẽ có kiến nghị gửi BCH VFF để quyết định dùng từ nào.
- Ông Lê Hồng Cường:
27 CLB đều đồng thuận huỷ giải. Vì vậy, báo cáo của VPF gửi lên BCH VFF tiếp tục tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp là không trung thực khi tính toán tỷ lệ biểu quyết cổ đông. Đề nghị thường trực VFF xem xét kiểm điểm. Việc báo cáo không trung thực dẫn đến đôi co trên truyền thông thời gian qua làm ảnh hưởng đến hình ảnh bóng đá Việt Nam.
* Ông Nguyễn Minh Ngọc trả lời: VPF khẳng định các biên bản, các phiếu kiểm tra là chính xác. Căn cứ dựa vào ý kiến cổ đông của CLB. Hiện tại, tất cả phiếu ý kiến của CLB đều đang niêm phong tại VPF.
6. Thanh Hoá (Ông Đới Sỹ Nam):
Chia sẻ áp lực VPF đối mặt với việc tổ chức ở thời điểm hiện tại, rất mong lãnh đạo VFF, VPF thấu hiểu khó khăn CLB. Có 3 kiến nghị.
- Cân nhắc dùng từ "huỷ giải" vì huỷ là huỷ tất cả, dùng từ "kết thúc" thì sẽ là kết thúc ở thời điểm hiện tại. Nếu huỷ giải sẽ không có kết quả báo cáo, những nguồn đã chi sẽ thực hiện như thế nào. Dùng từ kết thúc giải là công nhận thứ hạng, kết quả hiện tại.
- Trước khi VFF, VPF ban hành quyết định tiếp theo nên có cuộc họp trực tuyến với tất cả các CLB, không nên ban hành khi chưa thống nhất với CLB, coi đó như một dự thảo để CLB có ý kiến thêm.
- Mùa giải 2022 dịch bệnh khó lường, để chủ động thì nên xây dựng hai phương án song song, có và không có dịch bệnh để CLB chủ động làm việc với địa phương và các nhà tài trợ.
* Ông Trần Anh Tú trả lời: Đã thống nhất biểu quyết huỷ giải tuy nhiên VFF và VPF cân nhắc thêm, sẽ họp để có quyết định. Kế hoạch tổ chức mùa giải 2022 sẽ đưa nhiều phương án cho CLB.
7. SLNA (Ông Trương Sỹ Bá):
VPF hoạt động mô hình doanh nghiệp. Cuộc họp hôm nay giống như họp đại hội cổ đông bất thường, đã quyết định huỷ là huỷ giải, đã thông qua thì không quyết định lại. Đề nghị vẫn dùng từ huỷ giải.
VPF được thành lập trên sứ mệnh CLB là cổ đông, VPF cũng là cổ đông, phải hoạt động theo đúng luật doanh nghiệp, cần tổ chức các cuộc họp định kỳ để CLB đóng góp.
VPF có sứ mệnh phục vụ mục đích VFF để các giải bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển. Các CLB là cổ đông, là linh hồn của bóng đá Việt Nam. Tất cả các vấn đề đều phải họp để cổ đông thông qua. Các báo cáo tài chính phải công khai minh bạch. Đề xuất tổ chức đại hội cổ đông bất thường để giải quyết các vấn đề, tìm giải pháp, định hướng phát triển bóng đá Việt Nam.
* Ông Trần Anh Tú trả lời: VPF hoạt động đều theo luật doanh nghiệp, đều có ban kiểm soát kiểm toán, đều gửi các báo cáo đại hội cổ đông thường niên hàng năm. Cuộc họp hôm nay không phải đại hội cổ đông mà chỉ là các đại diện CLB tham dự vì đại diện cổ đông phải là đại diện theo pháp luật theo đúng điều lệ công ty. Việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường sẽ căn cứ theo quy định hoạt động của công ty. Ý kiến của CLB thì VPF đều ghi nhận. Nếu VPF làm sai sẽ sửa.
* Ông Văn Trần Hoàn (Hải Phòng) phản hồi: Phản đối VPF trường hợp SLNA hiện tại. Ông Trương Sỹ Bá đang là người có quyền với SLNA. Đồng thuận ý kiến CLB SLNA, tán đồng ý kiến ông Vũ Tiến Thành CLB Phố Hiến. VPF phải có cuộc họp bất thường để lựa chọn nhân sự VPF. Đề xuất cuộc họp ngay trong tháng 8.
Ý KIẾN CÁC CLB HẠNG NHẤT 2021
1. Quảng Nam (Ông Nguyễn Húp):
Đồng ý phương án huỷ các giải bóng đá chuyên nghiệp.
Đề xuất phương án tham dự các giải của AFC. Phương án 1: Viettel, Hà Nội FC, HAGL. Phương án 2: HAGL, Viettel, Than Quảng Ninh. Tuy nhiên, Than Quảng Ninh đang gặp khó khăn, đề nghị VPF đề xuất CLB khác có tiềm lực tài chính tham dự.
Lưu ý thể thức văn bản. VPF không nên có vấn đề về phê phán, nhắc nhở văn bản của CLB; nên đề xuất phương án khác nhau với ưu nhược điểm rõ ràng. VPF cần dân chủ với các CLB để có sự đồng thuận. Đề nghị VPF cải tổ bộ máy, đội ngũ chuyên môn. Đề nghị cá nhân không phù hợp từ chức, CLB đề cử nhân sự phù hợp.
2. Khánh Hoà:
Huỷ giải là bất khả kháng, CLB ủng hộ quyết định của VFF. Xem xét ghi nhận thành tích của hai giải đấu; lệ phí tham gia giải vì giải đấu hạng nhất mới đá được 7 vòng mà đã đóng tiền hết giai đoạn 1; vấn đề xử phạt cầu thủ, quan chức có bảo lưu hay xoá hết (Vấn đề về kỹ thuật).
3. An Giang (Ông Đặng Anh Kiệt):
Nếu dịch bệnh kiểm soát ổn định, BTC tổ chức giải phù hợp để kết thúc trong năm 2021 do phụ thuộc kinh phí. Nếu kéo dài sẽ gây khó khăn cho CLB. Nếu dịch bệnh khó kiểm soát, không tổ chức được thì đồng ý hủy giải.
4. Bình Phước (Ông Nguyễn Anh Tuấn):
Đồng ý, thống nhất phương án huỷ giải.
5. Phố Hiến (Ông Vũ Tiến Thành):
Góp ý phản hồi của VPF với các CLB chưa có tính dân vận. Cách làm của VPF hiện tại áp đặt gây bất cập, đang tạo khoảng cách với CLB.
Ở cuộc họp trước CLB đã đề xuất phải có nhiều phương án. VPF là công ty tổ chức sự kiện nhưng hiện tại đang có tư duy đứng trên các đội bóng. VPF cần phải gắn với các CLB. VFF có trách nhiệm với VPF. Các ý kiến CLB hiện tại đều bức xúc với VPF. VPF đang có vấn đề nhóm lợi ích.
VPF đang bị mất uy tín nghiệm trọng, gây ảnh hưởng hoạt động vận động tài trợ. Đồng ý với ý kiến của SLNA về đại hội cổ đông bất thường để bầu ra được đội ngũ ban lãnh đạo cho VPF. Đề nghị Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn cần theo sát hoạt động VPF. VPF bất cập khi có người vừa đứng vị trí trong VFF, vừa đứng VPF (nói ông Trần Anh Tú). VFF cần xem lại.
LÃNH ĐẠO VFF, VPF PHÁT BIỂU SAU KHI CÁC CLB CÓ Ý KIẾN
1. Ông Trần Quốc Tuấn (Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn):
Ghi nhận ý kiến các CLB. VPF dưới sự giám sát của BCH VFF. Các thành viên BCH VFF đều có trăn trở về quyết định vì ảnh hưởng đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Quyết định của VFF trước đó về tạm dừng giải đến tháng 2 để các CLB có thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh phức tạp, dựa vào tình hình thực tế cũng như ý kiến CLB thì BCH VFF đã đi đến quyết định họp và thống nhất việc huỷ giải.
Lãnh đạo, BCH VFF đều theo sát các trận đấu BĐCN Việt Nam. Các hoạt động đều cần sự ủng hộ của địa phương. VFF thường xuyên có trao đổi với địa phương để hỗ trợ các CLB. Khối lượng công việc của VFF rất nhiều, hàng năm tổ chức hàng nghìn trận đấu trong hệ thống bóng đá.
Bóng đá Việt Nam có thành tích sở dĩ hệ thống giải đấu, giải trẻ có sự chuẩn bị kỹ, tư duy đẩy mạnh hệ thống đào tạo trẻ, đặt mục tiêu ở các đội trẻ từ đó tới sự phát triển của ĐTQG. Đề nghị các CLB khi làm bóng đá tập trung nhiều vào công tác đào tạo trẻ.
2. Ông Lê Văn Thành (Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính):
Từ năm 2018, bóng đá Việt Nam có rất nhiều thành tích của CLB, ĐTQG. Rất cảm ơn các CLB đã đóng góp vào thành tích chung của bóng đá Việt Nam.
Thời điểm ông Trần Anh Tú đảm nhiệm VPF từ cuối năm 2017 đến nay là cực khó khăn, đặc biệt là tài trợ. Các giải đấu từ 2018 đến nay đều thành công. Các ý kiến phát biểu khác của những thành viên mới bước vào lãnh đạo như SLNA, Hải Phòng, Phố Hiến chưa thật sự công bằng và có cái nhìn bao quát. Các thành viên BCH VFF đều không đứng ngoài cuộc, luôn theo sát bóng đá Việt Nam. Cần ghi nhận đóng góp VPF với bóng đá Việt Nam; cần nhìn nhận công bằng, khách quan, đánh giá những điều làm được và chưa làm được.
3. Ông Trần Anh Tú (Uỷ viên BCH VFF, Chủ tịch HĐQT VPF):
Sau khi VFF quyết định huỷ giải, VPF sẽ cùng VFF và các phòng ban chức năng giải quyết các vấn đề còn lại như vấn đề chuyên môn cũng như pháp lý. Những ý kiến đề xuất hôm nay sẽ phải chờ ý kiến của VFF.
VPF ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp từ CLB. Theo đúng điều lệ, VPF sẽ báo HĐQT, nếu đồng ý sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường.
Cuộc họp kết thúc vào lúc 16h45 ngày 24/8.
Các CLB có nhiều ý kiến. Tôi làm nhận chức danh chủ tịch HĐQT VPF với nhiệm vụ VFF giao, cổ đông bầu và tôi luôn luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của tôi. Trong cách làm có đúng, có sai, nhưng sẵn sàng lắng nghe phát biểu ý kiến, chân thành góp ý, xây dựng.
Tất nhiên, việc VPF trong quá trình làm việc có lúc hợp lý có lúc không tuy nhiên trong tất cả mọi việc thì chúng tôi không có lợi ích nhóm. Chúng tôi luôn làm sao đưa các giải BĐCN Việt Nam đến đích an toàn, tổ chức thật tốt, luôn luôn nghe góp ý từ CLB. Sắp tới, VPF phải nỗ lực nhiều. Tôi hy vọng tất cả chúng ta đều khoẻ mạnh vượt qua được dịch Covid-19 lần này, các giải đấu mau chóng trở lại sớm nhất trong thời gian tới.
Chủ tịch CLB Hải Phòng bức xúc không biểu quyết
26/27 CLB có ý kiến biểu quyết về biên bản cuộc họp, trong đó hầu hết đồng ý thông qua, riêng CLB Hải Phòng không biểu quyết.
Trước đó, Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính Lê Văn Thành phát biểu nêu quan điểm nếu thay lãnh đạo VPF, liệu có người làm tốt hơn hay không. Ông Hoàn trả lời ngay không ai là không thể thay thế.
Sau khi chủ tịch VPF Trần Anh Tú đọc xong biên bản, ông Hoàn vẫn muốn nói thêm về câu nói của ông Lê Văn Thành. Tuy nhiên, do đang trong phần biểu quyết thông qua biên bản cuộc họp nên ông Hoàn bị tắt mic dẫn đến càng thêm bức xúc.
HIẾU LƯƠNG