(Tổ Quốc) - Chàng trai Nghệ An táo bạo, thực hiện thử thách đi bộ xuyên Việt chỉ với 0 đồng trong 56 ngày khiến ai cũng phải trầm trồ. Tuy nhiên cũng không ít người phản đối câu chuyện này.
Ngày 1/4/2022, Nguyễn Văn Toàn (1993) hoàn thành mục tiêu đi bộ xuyên Việt 0 đồng do chính anh đặt ra. Xuất phát từ cột mốc mũi Cà Mau đến cột cờ Lũng Cú, Hà Giang, vì không mang theo một đồng nào nên anh đều xin ăn uống và ngủ nhờ suốt dọc đường. Với quãng đường dài hơn 3.000 km, chàng trai trẻ tuổi đã nỗ lực thực hiện và trải qua nhiều khó khăn trong 56 ngày.
Chia sẻ về lý do quyết định thực hiện thử thách, anh nói: "Mình muốn vượt qua giới hạn bản thân từ những trải nghiệm. Đặc biệt phải vượt thử thách khó khăn khi mình không mang tiền".
Vượt qua lời chế nhạo
"Nhà có đầy đủ, sao phải đi ra đường xin ăn, xin ngủ như vậy?"- đây là ý kiến tiêu cực mà anh Toàn phải trải qua nhiều nhất, kể từ khi anh manh nha ý định đi bộ xuyên Việt 0 đồng.
Anh cũng tâm sự: "Trước khi đi, mình cũng xác định trước nhiều lời nói không tốt. Có lúc, có người nói: không đi làm mà rảnh đi bộ như vậy. Nhưng mình nghĩ mỗi người một lựa chọn và góc nhìn khác nhau, quan trọng cứ theo mục đích đã đặt ra mà làm. Vậy nên mình cứ đi tiếp thôi".
Với mong muốn được học hỏi thực tế từ chính trải nghiệm của bản thân để áp dụng vào công việc kinh doanh và cuộc sống, anh đã bỏ ngoài tai những lời bàn tán, sự ngăn cản đến từ mọi phía.
Là một người có kinh nghiệm trong sắp xếp kế hoạch, anh đã thu xếp công việc từ một năm trước. Cùng đó, anh cũng đã rèn luyện sức khỏe với chế độ gắt gao để chuẩn bị tốt nhất cho hành trình đầy thử thách phía trước.
Đặt mục tiêu mỗi ngày phải đi bộ được 50km dù nắng, mưa; anh Toàn đã thành công hoàn thành thử thách của bản thân. Ngày đặt chân đến cột cờ Lủng Cú, Hà Giang, anh không khỏi xúc động: "Lúc đó cảm giác không thể diễn tả được. Mình cảm thấy thật sự rất tuyệt vời. Tuy nhiên, mình đã không ngủ quên trên chiến thắng và tiếp tục đặt mục tiêu tiếp theo".
Sau sự chiến thắng của anh Toàn, đa phần mọi người đều thay đổi cách nhìn lúc trước. Theo anh, gia đình và bạn bè cảm thấy khâm phục, tán thành và ủng hộ anh hơn.
Những khó khăn và bài học nhận được
Dù tinh thần kiên định, chàng trai sinh năm 1993 cũng khó tránh được áp lực giai đoạn đầu. Đó là thời điểm anh nhận sự can ngăn từ mọi phía, nhất là gia đình và bạn bè khi họ cho rằng việc anh định làm là vô bổ. Nhưng với ý nghĩ ở nhà đầy đủ mọi thứ, muốn ra ngoài mà không có tiền xem cảm giác như thế nào, anh Toàn kiên quyết hành động.
Đều đặn đi bộ 50km/ngày, anh Toàn luôn rơi vào tình trạng kiệt sức những ngày đầu. Khó khăn chồng chất, tỉ lệ anh xin được ăn và ngủ nhờ từ người dân là rất ít. Song anh chàng Nghệ An không hề bỏ cuộc và "xin đến khi nào được mới thôi".
Anh Toàn chia sẻ, mỗi lần 10 nhà dân, thì cuối cùng sẽ được 1 nhà dân cho ăn và ngủ nhờ. Nếu người dân giúp đỡ anh là chủ quán, người kinh doanh gặp vấn đề về khách hàng, anh sẽ chia sẻ những chiến lược kinh doanh để giúp đỡ họ.
Có thời điểm, vì không xin nghỉ nhờ được nhà ai, anh Toàn quyết định tạm lánh tại công viên. Tuy nhiên, vì gặp cướp và chưa có kinh nghiệm xử lý, anh chạy một mạch đến gầm cầu để ngủ. Nhớ lại khó khăn ngày ấy, anh Toàn bật cười kể: "Nói là ngủ nhưng đêm hôm đó mình không thể nào ngủ được. Muỗi đốt đến mức không còn chỗ nào để đốt được nữa luôn".
Kể lại những khó khăn, anh Toàn không thể quên được lộ trình khó quên tại tỉnh Biên Hòa. Anh đã đi qua mảnh đất này vào thời điểm trời nắng gắt cả ngày. Bên cạnh đó, do đi nhầm đường cao tốc, ít nhà, hàng quán lại đóng cửa; anh phải vừa đi vừa vẫy tay xin nước từ các xe đang lưu thông trên đường. Chỉ nhận được một chai nước, anh chàng cố gắng cầm cự đến khi trời tối. May mắn được một gia đình tặng suất ăn tối, anh Toàn như được hồi sinh.
Trải qua nhiều nơi, chàng trai trẻ cảm nhận được từng nỗi khổ riêng khi đi trên từng loại địa hình. Đến miền sông nước, anh khó khăn trong việc tiếp cận các nhà dân và phải lấy lá khô lót lưng để ngủ tạm vào ban đêm.
Từng leo qua 7 con đèo trong ngày tại Phú Yên, Toàn tiếp tục gặp khó khăn trong việc xin ngủ nhờ. "Xuống chân đèo, mình thấy có mỗi hai nhà. Xin ở nhờ một anh, nhưng anh ấy không có nhà vào ban đêm nên không cho ngủ nhờ. Sau đó mình xin ngủ tại nhà một bà, ban đầu cũng không cho vì sợ người lạ với bà ấy cũng đã lớn tuổi. Nhưng nhờ áp dụng chiến lược đàm phán, một hồi lâu bà cũng cho ở lại. Khi đó không xin được đồ ăn, chỉ xin được ngủ thôi.".
Mỗi ngày anh đều chia sẻ hành trình của mình trên mạng xã hội. Nhờ đó, anh nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. "Nhiều người biết rồi canh mình đến nơi của họ rồi giúp đỡ mình đồ ăn", Toàn khoe.
Dù thường xuyên rơi vào trạng thái kiệt sức, Toàn vẫn luôn giữ đúng mục tiêu đã đặt ra. Mỗi sáng, anh đều phải thức dậy từ 5h để tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi quãng đường đi trong ngày đạt mốc 50km.
Sau thành công của thử thách giới hạn bản thân, Toàn vui vẻ khi cảm nhận được giá trị nhân văn từ sự giúp đỡ của mọi người. Bên cạnh đó, anh còn rút ra được nhiều bài học to lớn, đặc biệt bài học về thực hiện kế hoạch và chiến thắng giới hạn bản thân. Với tâm niệm "không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng", anh cũng đã lên mục tiêu cho kế hoạch mới và chưa sẵn sàng tiết lộ.
Bên cạnh những bày tỏ sự ngưỡng mộ sau khi anh chia sẻ câu chuyện đến cộng đồng mạng, cũng có những ý kiến không đồng tình.
Trên mạng xã hội, có người cho rằng, việc làm này chỉ giúp chàng trai 1993 quảng bá hình ảnh cá nhân và mang nhiều tiềm tàng nguy hiểm.
"Chân thực mà nói, việc này không mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng, nhất là giới trẻ. Chủ nghĩa cá nhân là khuynh hướng nguy hiểm...", tài khoản Ha Nguyen chia sẻ.
Tài khoản Icewlink cũng cho rằng: "Rất khâm phục khi bạn có thể sắp xếp thời gian và sức lực để đi bộ 3.000km. Nhưng cá nhân tôi thật sự mong bạn và những người sẽ thực hiện chuyến đi sắp tới, hãy mang theo tiền. Ở nhờ còn được, chứ ăn nhờ thì đừng.".
Trang Trần