(Tổ Quốc) - Vị hoàng hậu đã cống hiến rất nhiều điều ý nghĩa để phát triển hoàng gia Nhật Bản.
Sinh năm 1849 tại Kyoto, Nhật Bản, Hoàng hậu Shōken (tên thường gọi: Ichijō Masako) là con út trong một gia đình quý tộc có 3 cô con gái. Ngay từ khi còn nhỏ, Shōken đã bộc lộ tài năng thiên bẩm của mình.
Bà có thể đọc và viết thư truyền thống Nhật Bản; giỏi thư pháp; chơi được đàn Koto (một loại nhạc cụ dây truyền thống ở xứ sở mặt trời mọc) và lĩnh hội nhiều môn nghệ thuật khác như cắm hoa hay trà đạo.
Mối lương duyên được an bài
Vào ngày 30/1/1867, Thiên hoàng Kōmei đột ngột lâm bệnh nặng rồi qua đời. Sau khi ông băng hà, con trai cả 14 tuổi thừa kế ngai vị với tên gọi là Nhật hoàng Meiji. Ngay sau khi nhà vua lên ngôi, các triều thần đã bàn đến chuyện hôn sự của tân Nhật hoàng.
Dù hơn nhà vua 3 tuổi nhưng bà Shōken được đánh giá là sự lựa chọn không thể hoàn hảo hơn dành cho vua Meiji. Ở bà hội tụ đầy đủ phẩm chất và tài năng của một bậc mẫu nghi thiên hạ.
Cặp đôi đính hôn vào ngày 2/9/1867 và hôn lễ truyền thống được tổ chức 2 năm sau đó khi nhà vua đủ tuổi để thực hiện việc thành thân. Trong triều đại vua Meiji, Nhật Bản đã tiến hành công cuộc hiện đại hóa với nhiều cải cách tiến bộ. Shōken là vị Hoàng hậu đầu tiên của Nhật Bản thực hiện các nhiệm vụ hoàng gia nơi công cộng.
Bắt đầu từ năm 1886, Hoàng hậu cùng các vị phu nhân trong triều đình mặc quần áo kiểu phương Tây khi xuất hiện trước công chúng thay vì trang phục truyền thống như trước đây. Cũng chính từ đó, Hoàng hậu Shōken đã ghi nhiều dấu ấn trong lịch sử hoàng gia bởi tài năng và phẩm chất tuyệt vời của bà.
Hoàng hậu Nhật Bản tuyệt vời nhất
Hoàng hậu Shōken đã cùng nhà vua tiếp đón nhiều vị khách quốc tế nổi tiếng như vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant; Hoàng tử Albert Victor và Hoàng tử George của Vương quốc Anh hay vua Kalākaua của Hawaii.
Hoàng hậu Shōken cũng đã tháp tùng Nhật hoàng trong các chuyến thăm chính thức tới những thành phố, trường học hay nhà máy dọc khắp đất nước. Theo sử sách ghi lại, Hoàng hậu ngày càng trở nên nổi tiếng và được lòng dân chúng khi bà ủng hộ các tổ chức từ thiện, tạo điều kiện cho phụ nữ được phát triển mạnh mẽ hơn. Bà Shōken chính là người truyền cảm hứng cho phụ nữ Nhật Bản tích cực trau dồi tri thức của bản thân để tạo ra giá trị cho riêng mình.
Bên cạnh đó, bà cũng tham gia vào việc thành lập Hội chữ thập đỏ Nhật Bản. Ngoài ra, Hoàng hậu đã lập ra quỹ "The Empress Shōken Fund", để cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp những người gặp khó khăn sau thiên tai, bệnh tật được phục hồi. Hiện tại, quỹ này vẫn đang tồn tại và giúp đỡ hàng ngàn trường hợp khác nhau với nhiều chương trình phát triển dài hạn như phòng ngừa thiên tai, cải thiện y tế...
Bà đã được kết nạp vào Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế năm 1887. Ngoài ra, bà đã ủng hộ một trường cao đẳng đào tạo giáo viên cho phụ nữ và giúp thành lập một số trường học dành cho nữ sinh. Chính nhờ sự cương nghị, bản lĩnh vững vàng và tài năng xuất chúng, Hoàng hậu Shōken đã thực hiện một loạt cải cách tiến bộ, đem đến cho xã hội Nhật Bản một luồng gió mới, đời sống dân chúng trở nên ấm no và hạnh phúc hơn.
Vinh danh muôn đời
Có một điều đáng buồn trong cuộc đời Hoàng hậu Nhật Bản đó là bà không thể sinh được con. Thiên hoàng Meiji đã có 15 người con với 5 thê thiếp. Tuy nhiên, đa phần họ đều yểu mệnh và chỉ có 5 người may mắn sống sót đến tuổi trưởng thành.
Theo quy định của hoàng gia Nhật, bà Shōken đã nhận Yoshihito, con trai cả của nhà vua với một người thiếp, làm con nuôi. Người con này sau đó được lập làm Thái tử Nhật Bản, thừa kế ngai vị trong tương lai.
Nhà vua băng hà vào ngày 30/7/1912 ở tuổi 59 tại Cung điện hoàng gia, thuộc Tokyo. Sau khi chồng qua đời, bà được con trai nuôi, tân Nhật hoàng Taishō, phong làm Thái hậu. Chưa đầy 2 năm sau đó, Thái hậu qua đời ở tuổi 64 tại biệt thự hoàng gia thuộc Shizuoka, Nhật Bản.
Thi hài của bà được đưa về chôn cất cùng với người chồng quá cố ở Fushimi, Kyoto. Ngày nay những di vật về vị Hoàng hậu tuyệt vời ấy được lưu giữ tại Bảo tàng Meiji Mura, ở Inuyama, tỉnh Aichi. Ngày nay, trường Trung học nữ sinh Gakushuin và Đại học nữ sinh Ochanomizu vẫn nhớ tới công ơn của Hoàng hậu đáng kính, hết mình vì sự nghiệp giáo dục cho phụ nữ.
Bên cạnh đó, các hoạt động từ thiện của Hoàng hậu Shōken vẫn được người đời tiếp nối cho đến ngày nay. Bà chính là một mẫu nghi thiên hạ đặc biệt và tuyệt vời nhất của hoàng gia Nhật Bản.
Nguồn: Glowred, Unofficialroyalty
Diệp Lục