(Tổ Quốc) - Trung Quốc có chính sách xử phạt rất cứng rắn đối với những thủ phạm lan truyền fake news về dịch bệnh corona gây hoang mang tâm lý cho dư luận.
Trong tình hình bệnh dịch virus corona đang hoành hành, vẫn còn đó một cuộc chiến bên lề căng thẳng không kém mà toàn thế giới phải gánh chịu: Nạn tin tức giả mạo trên mạng xã hội. Đặc biệt tại chính tâm dịch Trung Quốc, rất nhiều người cho biết họ thường xuyên gặp phải những lời khuyên vô căn cứ, nhẹ thì ở dạng "uống dấm để chữa bệnh", "hạn chế dùng cafe", nặng thì lên tới "sân bay đóng cửa", "bệnh nhân bỏ trốn"... ít nhiểu khiến dư luận trở nên mù quáng và hoảng loạn vượt ngoài tầm kiểm soát.
Chính vì vậy, Trung Quốc đã và đang thực hiện một chính sách vô cùng nghiêm khắc với những thủ phạm đứng sau tin tức giả mạo về dịch corona: Bắt giữ và bỏ tù thẳng tay nếu có thể.
Theo nguồn tin từ Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (CHRD), hơn 250 người tại tại nước này đã bị chính quyền triệu tập xử lý vì tung tin đồn thất thiệt về dịch corona. Trước đây, các động thái xử phạt của Trung Quốc còn nhẹ tay khi dịch bệnh chưa được nghiên cứu và kết luận kịp thời, nhưng kể từ cuối tháng 1 khi mọi thứ bùng phát, chiến dịch ngăn chặn tin giả mạo và trấn an tinh thần người dân đã được thực thi quyết liệt hơn nhiều.
Một tin đồn ở Trung Quốc có thể bị coi là tội danh chính thức, dẫn tới hình phạt giam từ 5 ngày cho tới 7 năm tối đa dựa trên mức độ gây ảnh hưởng trật tự xã hội. Đây là điểm khác biệt khá lớn so với nhiều quốc gia khác trong quá trình xử lý thông tin thiếu căn cứ, cho thấy Trung Quốc có một lập trường cứng rắn trước những thủ phạm liên quan. Nạn tin giả mạo vẫn là một trong những vấn đề đau đầu trên các nền tảng mạng xã hội nói chung của nhiều năm nay, lại càng trở nên nguy hiểm hơn trong những tình thế bệnh dịch, dễ gây hoang mang trên diện rộng. Tâm lý mỏng manh không đứng vững của nhiều cư dân mạng cũng vô tình là vũ khí tiếp tay cho kẻ xấu, như dịch Ebola vào năm 2014 đã chứng kiến hàng nghìn Like hưởng ứng những thông tin giả mạo chia sẻ lại trên Facebook.
Một tình trạng chung cho thấy những tin đồn ghê rợn và kinh khủng nhất lại dễ lan nhanh và rộng nhất trên Internet, kể cả khi mọi người chưa tự mình kiểm chứng và tin tưởng nhưng... vẫn bấm nút Share. "Có kẻ chủ động chia sẻ tin tức giả mạo để đánh lừa dư luận, và cũng có những kẻ chia sẻ chúng chỉ để khoe với người khác rằng 'mình nhanh nhất, mình update xịn nhất'." - trích lời giáo sư Alton Chua chuyên ngành thông tin mạng tại Đại học Công nghệ Nanyang.
Một phần lý do dẫn tới thói quen cả tin của cư dân mạng cũng đến từ tâm lý thiếu tin tưởng vào tin tức chính thống từ chính quyền Trung Quốc. Một bộ phận không nhỏ vẫn thắc mắc rằng liệu chính phủ có cố tình che đậy sự thật ban đầu về dịch corona khiến tin tức chậm trễ, rồi liên tưởng tới sự cố không kịp trở tay với dịch SARS năm 2003. Do đó, họ càng dễ bị dắt mũi bởi các thông tin nhanh (nhưng lại giả mạo) trên mạng xã hội hơn hết.
CN