"Tội ác" của selfie đối với thế hệ trẻ: Nỗi ám ảnh ngoại hình lấy phẫu thuật thẩm mỹ làm giải thưởng thỏa mãn

(Tổ Quốc) - Một trong những nguyên nhân chính yếu nhất dẫn đến xu hướng giới trẻ phẫu thuật thẩm mỹ ngày một nhiều được cho là văn hóa selfie trên mạng xã hội.

Phẫu thuật thẩm mỹ thời nay đã là chuyện bình thường với nhiều công nghệ và thủ thuật hiện đại được phát minh ra. Thế nhưng, thế giới ngày nay - đặc biệt là giới trẻ - được cho là đang có phần bị "ám ảnh" bởi trào lưu làm phẫu thuật nhan sắc, cố gắng đủ điều kiện để thay đổi bản thân một cách nhân tạo. Bất ngờ thay, chính mạng xã hội và những hệ lụy của nó đang bị gán cho chức danh thủ phạm gây nên xu hướng tiêu cực này.

Tội ác của selfie đối với thế hệ trẻ: Nỗi ám ảnh ngoại hình lấy phẫu thuật thẩm mỹ làm giải thưởng thỏa mãn - Ảnh 1.

Theo một nghiên cứu đưa ra bởi trang South China Morning Post (SCMP), nhu cầu và số lượng các ca phẫu thuật thẩm mỹ đang tăng lên trong khi độ tuổi trung bình muốn thực hiện phẫu thuật lại ngày một giảm đi và trẻ hơn trên toàn thế giới. Trong số 22 triệu người Trung Quốc được hỏi từng thực hiện phẫu thuật trong năm 2018, có gần 54% thuộc độ tuổi dưới 28, tương đương 12 triệu người. Đối với độ tuổi vị thành niên, con số đó là 8%.

Ở khu vực châu Âu, thống kê về độ tuổi chung đã giảm từ 42 xuống 37 trong năm 2018; ở Mỹ, trong tổng số 20 triệu người được hỏi, đã có hơn 200.000 bạn trẻ từ 13-19 tuổi thừa nhận có làm thẩm mỹ trong năm 2017.

Đi tìm nguyên nhân sâu xa

Không phải một mà rất nhiều bác sĩ, chuyên viên thẩm mỹ và nhà tâm lý học đã cùng chỉ tay về phía mạng xã hội và văn hóa selfie của người dùng chính là nguyên nhân dẫn tới việc này. Rất nhiều người làm trong ngành thẩm mỹ cho biết khách hàng thường xuyên tới đây, đem theo một bức hình của người mẫu, siêu sao nổi tiếng nào đó và yêu cầu được làm trông giống họ.

Julian De Silva - một thẩm mỹ viên tới từ Harley Street (London) - đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm với SCMP: "Mạng xã hội là tác nhân ảnh hưởng mạnh mẽ tới xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ ngày nay." Trong 5 năm vừa qua, anh nhận thấy một sự thật rằng các bệnh nhân của mình luôn có thói quen tự selfie rất nhiều ảnh, từ đó cảm thấy không hài lòng về bản thân và những khuyết điểm của mình. Những khuyết điểm đó có thể không đáng kể và lo ngại một chút nào, nhưng vẫn bị biến thành nguyên nhân để họ thay đổi quyết định.

"Hội chứng ám ảnh Snapchat" là một khái niệm tạm thời lập ra vào năm 2018 bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Boston, gán cho xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ dựa trên ảnh selfie của chính mình nhưng đã qua chỉnh sửa filter. Theo họ, có tới 55% các ca phẫu thuật liên quan được thực hiện theo cách này, khi khách hàng muốn trở thành một phiên bản khác của chính mình. Độ tuổi càng trẻ, tỷ lệ yêu cầu như trên càng lớn, do tần suất tiếp xúc với mạng xã hội cao hơn so với người khác.

Tội ác của selfie đối với thế hệ trẻ: Nỗi ám ảnh ngoại hình lấy phẫu thuật thẩm mỹ làm giải thưởng thỏa mãn - Ảnh 2.

Kylie Jenner - một trong những người đi đầu về trào lưu thẩm mỹ bơm môi trên Instagram.

Dĩ nhiên, đây không phải một triệu chứng chính thức được công nhận trong ngành y tế, nhưng nó được chỉ ra nhiều điểm giống nhau với hội chứng ghét bỏ dị hình cơ thể (tên khoa học: BDD), khi người mắc nó sẽ thường xuyên ám ảnh về ngoại hình của mình, chạy theo các tiêu chuẩn thẩm mỹ của người khác để thỏa mãn bản thân.

Ở một diễn biến khác, nhu cầu dùng các chất như botox để tiêm và làm đầy các phần cơ thể nhằm mục đích làm đẹp đã và đang trở nên ngày càng phổ biến với khách hàng thuộc độ tuổi 20 ở Mỹ, thay vì đối tượng phụ nữ khoảng 40 tuổi như trước. Một số phương pháp khác cũng được quan tâm nhiều là bơm môi, trị laser... vốn được nhiều người trên Instagram tin tưởng và kháo nhau đi làm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, nền văn hóa KPOP đang dần xâm nhập, kéo theo tư tưởng nhan sắc dần ảnh hưởng và ưa chuộng như mắt to, mũi thanh...Thậm chí, những cuộc phẫu thuật làm mắt 2 mí để trông khả ái hơn nhiều khi còn được coi như một món quà sinh nhật 18 tuổi tuyệt vời ở nơi đây.

Hà Thu

Tin mới