(Tổ Quốc) - Ông Tô Công Lý được cho rằng đã lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư nhà máy của nhà nước để chiếm đoạt tiền đối với một số hạng mục xây dựng của nhà máy rác.
Sáng 18/8, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an đã bắt ông Tô Công Lý (35 tuổi), Phó tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo doanh nghiệp nói về nguyên nhân ông Tô Công Lý bị bắt để điều tra vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do có "liên quan đến các hạng mục tại nhà máy xử lý rác của ông Lý".
Được biết, Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau khởi công ngày 2/4/2010, trên diện tích trên 25 ha ở phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, với tổng vốn đầu tư là 329 tỉ đồng.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ông Tô Công Lý lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư nhà máy của nhà nước để chiếm đoạt tiền đối với một số hạng mục xây dựng của nhà máy dù không thực hiện đúng.
Nhà máy được xây dựng theo chính sách ưu đãi, kinh phí đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và tỉnh, còn lại là của chủ đầu tư. Nhà máy hoạt động năm 2012, tổng công suất xử lý 200 tấn rác mỗi ngày.
Một trong những quy trình phân loại rác tại Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau. Ảnh: Báo Cà Mau
Tháng 6/2019 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Công ty Công Lý cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan dự án để phục vụ đoàn kiểm tra của tỉnh.
Trong khi đó, ngày 19/7, báo Thanh Niên có đăng tải thông tin Sở KH-CN tỉnh Cà Mau có văn bản trả lời UBND TP.Cà Mau về việc xác nhận tỷ lệ chôn lấp rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.
Trong văn bản xác định, Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau không vận hành theo quy trình xử lý rác đã được phê duyệt.
Cụ thể, theo quy trình, tất cả rác sau khi qua máy xé, thì qua băng tải chọn lọc phế liệu đem tái chế; rác qua sàn phân loại và đi ra 3 hướng: rác chôn lấp (vận chuyển qua bãi chôn lấp); rác đốt (vận chuyển qua hệ thống đốt) và rác xử lý.
Nhưng thực tế, hiện tất cả rác sau khi qua sàn phân loại được gom vào một nơi và dùng xe vận chuyển ra nhà ủ, tập kết ở đó. Vì vậy, phần số liệu rác đầu ra từ ngày 15/3/2019 đến nay là không có nên hệ thống không phát hiện, không giám sát và ghi nhận tự động để cập nhật số liệu tại hệ thống.
Được biết, từ tháng 5/2012 đến tháng 4/2019 số tiền thanh toán cho công tác xử lý rác thải là hơn 111 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí vận chuyển hơn 4 tỉ đồng và hơn 106,6 tỉ đồng thanh toán cho công tác xử lý rác.
Phân loại rác tại nhà máy rác thải Cà Mau (Ảnh: Một thế giới)
Ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, thông tin trên Zing.vn nhà máy xử lý rác thải của Công ty Công Lý xây dựng bằng vốn của doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành, công ty mới trình hồ sơ quyết toán để được hưởng ưu đãi theo Nghị định 04/2009 của Chính phủ (nếu chôn lấp rác dưới 10% thì được hỗ trợ 50% vốn sau khi xây nhà máy xong).
Sau khi các ngành chức năng của tỉnh Cà Mau xác định Công ty Công Lý chôn lấp rác dưới 10% thì doanh nghiệp được hưởng phần hỗ trợ. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Tài chính Cà Mau cũng thông tin: "Nếu doanh nghiệp sai phạm, sử dụng vốn không đúng mục đích thì sẽ bị thu hồi".
Ông Tô Công Lý là con trai ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý.
Công ty Công Lý nổi tiếng với dự án điện gió Bạc Liêu khi là Chủ đầu tư của dự án điện gió với quy mô 99,2 MW, là dự án điện gió lớn nhất cả nước và duy nhất tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã hòa vào điện lưới quốc gia.
Bắt “thiếu gia” điện gió Bạc Liêu
(Tổng hợp)
Minh Huyền