Phong tỏa tâm dịch corona, gia đình mắc kẹt mỗi người một ngả: Vẫn thoải mái "ăn Tết online" nhờ group chat, game và mạng xã hội

(Tổ Quốc) - Câu chuyện chia sẻ chân thành từ chính một phóng viên đã cho thấy những góc nhìn bất ngờ về cách người Vũ Hán chống chọi với những khó khăn phát sinh từ dịch bệnh corona đang ảnh hưởng tới đời sống của họ.

*Dựa theo lời kể của Celia Chen - phóng viên trang tin SCMP

Trong vòng 10 ngày gần nhất kể từ khi thành phố Vũ Hán nơi tôi sống bị hạ lệnh "nội bất xuất - ngoại bất nhập", mẹ tôi chỉ dám ra khỏi nhà đúng một lần duy nhất... để đổ rác. Lẽ ra đây phải là lúc bà đang tất bật chuẩn bị các món ăn thơm ngon cho Tết Âm lịch cổ truyền hoặc ngồi thảnh thơi thư giãn chơi mạt chược với các thành viên khác trong gia đình.

Thế nhưng, lệnh phong tỏa thành phố đưa ra vào ngày 23/1 vừa rồi - chỉ 2 ngày trước kỳ nghỉ Tết - đã khiến mọi thứ đổ bể. Mẹ tôi phải tự ăn Tết và làm mọi thứ một cách lẻ loi, đơn độc, không ai bên cạnh bởi mọi người không thể trở về nhà khi lệnh chưa được rút bỏ.

Phong tỏa tâm dịch corona, gia đình mắc kẹt mỗi người một ngả: Vẫn thoải mái ăn Tết online nhờ group chat, game và mạng xã hội - Ảnh 1.

Tình cảnh phong tỏa tại Vũ Hán khiến nhiều người mất Tết.

Tình hình ngày càng xấu đi và không có dấu hiệu khởi sắc, vì vậy tôi đã quyết định hủy chuyến bay về quê nhà thay vì cố gắng đợi chờ một tin tốt lành. Bố tôi hiện đang làm việc cho một công ty khai thác khí gas tự nhiên ở bên kia thành phố, cũng bất lực như tôi bởi các phương tiện giao thông công cộng cũng đã đình trệ hoàn toàn. Ông đã nói chuyện với tôi và thành thật cho rằng mình nên tiếp tục trực ca làm việc trong thời điểm này, bởi nguồn cấp gas cho các hộ dân trong thành phố cần được duy trì liên tục để mọi người không gặp thêm bất kỳ khó khăn nào trong quá trình sinh tồn và chống chọi với dịch bệnh.

Vậy đó, cả gia đình tôi phải ăn Tết xa nhà, thậm chí mỗi người một ngả, chỉ biết gặp nhau qua những cuộc điện thoại hoặc trên group chat... Tất cả chỉ có vậy, không một phép màu nào xảy ra thêm nữa.

Với vị trí làm việc hiện tại là một phóng viên chuyên về mảng công nghệ, tôi vẫn nghĩ rằng so với mọi người trong gia đình, mình là người có tốc độ update tin tức nhanh nhất về những diễn biến dịch bệnh corona. Thế nhưng, hóa ra bố mẹ tôi cũng có những lúc cập nhật tin tức nhanh hơn, còn gửi cho tôi đọc sau mặc dù ông bà đều thuộc thế hệ khá lạ lẫm với những đổi thay của thời đại số. 

Mẹ nói rằng bà thường xuyên lướt qua tin tức nhờ app Baidu mỗi khi thức dậy, có thêm TV nhưng đó không phải phương tiện chính bởi chỉ ứng dụng mới có thể tự thông báo cho người dùng về những biến chuyển nóng nhất. Ngoài ra, cả bố và mẹ tôi cũng có những group trò chuyện trên WeChat, sẵn sàng chia sẻ và "hóng" chuyện từ đồng nghiệp hoặc bạn bè của mình. Dẫu vậy, tôi vẫn hơi lo lắng một ngày họ sẽ bị đánh lừa bởi một mẩu tin giả mạo nào đó...

Trở lại với tình thế không thể đoàn tụ ăn Tết, tôi bèn nảy ra ý tưởng rủ mẹ chơi mạt chược online cùng mình. Cách này vừa để tạo không khí vui vẻ, vừa để hướng chuyện sang một chủ đề khác hơn là dịch virus đen tối đang hoành hành. Hóa ra mẹ tôi cũng là một "dân chơi" WeChat thứ thiệt, thành thạo các bước gửi lời mời và lập ván chơi hộ cả gia đình. Chúng tôi cứ thế tham gia vào trò chơi như một cách thực hiện truyền thống mọi năm mà lẽ ra phải quây quần cùng một bàn tại nhà mới phải.

Phong tỏa tâm dịch corona, gia đình mắc kẹt mỗi người một ngả: Vẫn thoải mái ăn Tết online nhờ group chat, game và mạng xã hội - Ảnh 2.

Một ván mạt chược online qua WeChat.

Bên cạnh chuyện giải trí, mẹ tôi cũng tính xa khá nhiều về những cách để tự thân vận động và xoay xở một mình khi người thân chưa thể trở về nhà. Bà tỏ rõ ý định rằng mình phải giữ sức khỏe tốt trước mọi tình huống, tốt nhất là không để xảy ra tình huống nghiêm trọng nào cần tới bác sỹ cho tới khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ. Vốn là một giáo viên mầm non, nay bà lại dần tự học thêm các bài tập rèn luyện cơ thể qua ứng dụng video ngắn như TikTok để tập vào buổi sáng. "Đồng nghiệp của mẹ chỉ cho mấy ứng dụng này và dạy mẹ cách dùng chúng luôn." Những lúc rảnh rỗi, bà cũng hay gửi tôi mấy video hài hước tìm được, giống như cách chúng ta hay giết thời gian bằng việc lướt qua lướt lại mạng xã hội mà chẳng có gì làm.

Còn với tôi, những ứng dụng livestream lại trở nên hấp dẫn và thu hút hơn cả bởi chúng cho phép tương tác đa dạng hơn. Dạo gần đây, tôi thường ngồi ngấu nghiến trước màn hình về những cảnh quay trực tiếp quá trình xây dựng 2 bệnh viện dã chiến để đối phó nhanh với dịch bệnh ở Vũ Hán. Vào những lúc đỉnh điểm, có tới 50 triệu người khác cùng xem với tôi, trước mặt là hình ảnh khoảng 190 công nhân đang nỗ lực hết mình chạy đua với thời gian và tử thần đối với những bệnh nhân kế tiếp của virus.

[...]

#ICT_anti_nCoV

CN

Tin mới