(Tổ Quốc) - Nếu không dùng iPhone, nhiều khả năng đó sẽ là người bị bạn bè cho "ra rìa" khỏi những groupchat, gắn mác lạc loài và khó hoà nhập với lối sống chung.
Với giới trẻ nói chung bên Mỹ, iPhone như thể một thứ chuẩn mực không thể thay thế. Chiếc smartphone độc tôn của Apple này được coi như một biểu tượng phổ biến cần có ở bất kỳ đứa trẻ tuổi teen nào thuộc Gen Z (sinh ra sau năm 1996 tới 2005). Trong báo cáo Taking Stock of Teens thống kê về hành vi ở độ tuổi này nói chung, có tới 83% số người được hỏi cho biết họ đang dùng iPhone. "Thật nực cười khi nó đang trở thành một tâm lý đi liền với cả một thế hệ," chuyên gia phân tích Mike Olson chia sẻ.
iPhone là dòng smartphone ăn sâu vào văn hoá giới trẻ Mỹ hiện tại.
Ở một diễn biến khác, những cuộc điều tra sau đó cũng cho thấy nhu cầu săn đón và dùng iPhone của giới trẻ nước Mỹ đang tăng dần. Tuổi trung bình của Gen Z hiện là 17, đồng nghĩa với việc họ mới chỉ 10 tuổi khi iPhone dần đặt những bước chân đầu tiên lên đỉnh vinh quang đầy danh vọng và được cả thế giới tung hô. Vì vậy, đối với Gen Z, iPhone của Apple lại càng dễ gây ấn tượng hằn sâu ngay từ tuổi thơ, hiện thân cho một phụ kiện bất ly thân không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, không hẳn là một biểu hiện cho sự thượng lưu như nhiều người từng nghĩ.
Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để xoá tan định kiến dành cho những ai không sở hữu iPhone. Chính sự phổ biến quá mức đến nỗi gần như lý tưởng của nó, đặc biệt là trên quê hương Mỹ của Apple, lại càng khiến người ta khó ưa những ai tỏ ra "lạc loài" chỉ vì không dùng iPhone như nhau.
"Nếu bạn không có iPhone để dùng, đừng mong đợi quá nhiều về sự công bằng giữa những ánh nhìn trong một tập thể," chia sẻ bởi Liane Lopez, học sinh cuối cấp của một trường trung học tại bang New Jersey.
Dù iPhone không bị thổi phồng lên là thượng lưu quá đà như trước, nhưng mức giá của nó cũng chưa bao giờ là dễ thở. Đối với phiên bản thế hệ cũ nhất còn được sản xuất - iPhone 7 - giá thành của nó cũng lên tới 450 USD. Con số này không quá lớn, nhưng cũng không phải một món tiền mà ai cũng sẵn sàng chi trả cho một chiếc smartphone.
Chưa hết, những ai không dùng iPhone đôi khi còn bị nghĩ xấu, cho rằng "mình thích tỏ ra khác biệt không cần thiết so với số đông" và những gì người khác thường làm. Đó là suy nghĩ của Mason O'Hanlon, sinh viên năm 2 tại Đại học Babson. Cậu quả quyết rằng 90% những người mình quen biết đều dùng iPhone, chẳng ai muốn lạc lõng cả.
"Không có iPhone mà dùng á, vậy đừng nghĩ mình sẽ được thêm vào groupchat của bạn bè," trích lời Nicole Jimenez (20 tuổi, sinh viên Đại học Rutgers). "Nghe có vẻ hơi xấu tính nhưng đó thật sự đang trở thành một lối mòn chung trong tâm trí nhiều người."
Không dùng iPhone thì chắc chắn sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng nhu cầu làm việc đa tác vụ trong cuộc sống, trải dài từ học tập, làm việc cho tới giải trí là nguyên nhân khiến smartphone nói chung và iPhone nói riêng ăn sâu vào quan điểm mỗi người như vậy. Thế nhưng, các bạn trẻ khi được hỏi lại không quá thừa nhận điều đó, đồng nghĩa với việc họ thích dùng iPhone đông đảo chỉ vì đơn giản đó là một văn hoá ngầm, chẳng cần thiết tới nhu cầu hiện đại mà nó mang lại.
"Tôi ước gì xã hội chúng ta chưa từng biết đến những thứ công nghệ và kết nối hiện đại ngày nay thì hơn," lời nói cay đắng của Jess Gallo, sinh viên năm nhất tại Đại học Montclair thực sự khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Theo Business Insider
Hà Thu