iPhone 2020 có thể sẽ trông "trần trùng trục", không có một nút bấm vật lý nào trên máy

(Tổ Quốc) - Trong năm sau, một số mẫu điện thoại mới sẽ thay thế nút nguồn và âm lượng bằng các nút bấm ảo với cảm biến siêu âm.

Những lợi ích của việc không sử dụng nút bấm vật lý bao gồm khả năng kháng nước và độ bền của thiết bị sẽ cao hơn nhiều, ít nhất là theo khẳng định của một startup tên UltraSense - những người đang kỳ vọng hiện thực hóa được ý tưởng thú vị này.

Hiện nay, khi cần nhấn nút nguồn hoặc tăng âm lượng, bạn sẽ phải nhấn một nút bấm vật lý, và nút bấm này sẽ lún xuống để kích hoạt tính năng tương ứng. Tuy nhiên, điều đó sẽ sớm đi vào dĩ vãng với sản phẩm đầu tiên của UltraSense: một con chip siêu nhỏ, kích thước chỉ 1,4 x 2,4 x 0,5mm, có khả năng tạo ra sóng âm thanh mà tai người không thể nghe thấy được.

iPhone 2020 có thể sẽ trông trần trùng trục, không có một nút bấm vật lý nào trên máy - Ảnh 1.

Một concept iPhone tương lai.

Cảm biến này được gọi là TouchPoint, sẽ được biểu diễn tại CES vào tháng tới, có thể phát hiện ra hành động nhấn nút của bạn bằng cách phân tích sự phân tán hoặc phản xạ của các sóng âm nói trên. Nó còn biết khi nào không cần phản hồi, như khi có nước bắn lên hoặc có các vật thể khác vô tình chạm vào - theo lời của Giám đốc kinh doanh UltraSense là Dan Goehl.

Năm công ty điện thoại hàng đầu hiện nay đang đánh giá và triển khai sử dụng các cảm biến TouchPoint, và những chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng công nghệ này sẽ xuất hiện vào giữa năm 2020. Các nhà sản xuất điện thoại thích TouchPoint bởi sử dụng nó đồng nghĩa với việc họ không phải đục khoét các lỗ trên thân điện thoại để đưa các nút bấm vật lý vào đó, rồi lại phải dùng đến những miếng đệm để ngăn nước thấm vào điện thoại. Và các cảm biến của UltraSense cũng có chi phí ngang bằng với các nút bấm vật lý, khoảng 2 USD.

Vẫn chưa rõ liệu cảm biến của UltraSense sẽ được đưa vào các mẫu điện thoại flagship hay thuộc phân khúc thấp hơn, nơi các nhà sản xuất sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn. Nhưng xu hướng trong ngành công nghiệp điện toán hiện nay đã khá rõ ràng: các phần linh kiện di chuyển và cơ học đang dần biến mất.

"Người tiêu dùng thích các nút bấm thực hơn bởi tiềm thức của chúng ta thích sự phản hồi" - nhà phân tích Avi Greengart của Techsponential cho biết. "Nhưng đôi lúc những lợi ích như kháng nước, chi phí, độ bền, thiết kế... lại chiếm ưu thế hơn".

iPhone 2020 có thể sẽ trông trần trùng trục, không có một nút bấm vật lý nào trên máy - Ảnh 2.

Cảm biến TouchPoint của UltraSense so với một đồng xu

Sự biến mất của các thành phần vật lý

Có rất nhiều ví dụ cho thấy các nút bấm điều khiển vật lý đang dần biến mất. Chiếc iPod đời đầu của Apple có một bánh xe xoay, sau đó bị thay thế bằng một bề mặt cảm ứng có khả năng nhận biết khi nào bạn đang xoay tròn ngón tay. Gần đây hơn, Apple đã loại bỏ các nút Home trên iPhone và iPad, để dành không gian cho màn hình lớn hơn và đưa cả ngành công nghiệp đi theo xu thế điều khiển cử chỉ vuốt.

Các ổ cứng với đĩa xoay cũng đang biến mất khỏi các hệ thống máy tính cá nhân, thay thế bởi các ổ cứng thể rắn. Trackpad của MacBook không còn bản lề nữa, thay vào đó giả lập cú nhấn của ngón tay bằng một mô-tơ nhỏ. Các thiết bị hiện nay cũng đủ mát, không cần quạt tản nhiệt nữa, từ đó sử dụng ít điện năng hơn, im ắng hơn, và không còn gặp lỗi vì các linh kiện này xuống cấp nữa. Và các bàn phím vật lý vốn là linh hồn của các smartphone BlackBerry cũng không thoát khỏi số phận bị "cuốn theo chiều gió".

Chìa khóa đến thành công của UltraSense là liệu giải pháp của họ sẽ tái hiện được bao nhiêu phần trăm những thứ chúng ta đã quen thuộc, như việc một nút bấm nhô ra khỏi thân máy để chúng ta có thể tìm thấy nó bằng cách chạm vào, và cảm nhận của chúng ta rằng đã nhấn nó đủ mạnh để kích hoạt một tính năng hay chưa. UltraSense cho biết phần khung ngoài của điện thoại có thể được chạm khắc họa tiết để chúng ta có thể xác định được vị trí của các cảm biến, và các mô-tơ phản hồi chạm có thể tạo ra những xung rung động hoặc các loại cảm giác khác để chúng ta biết khi nào một cú nhấn vào nút bấm ảo đã đạt mức đủ để kích hoạt tính năng.

Cảm biến của UltraSense cũng đủ nhạy để phân biệt giữa ngón tay bạn và một thứ gì đó khác, và sẽ hoạt động dù bạn đang đeo găng tay. Nó còn hoạt động trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau. Đồng thời, các cảm biến cần một dòng điện rất nhỏ - chỉ 20 miliampe mà thôi - do đó chúng vẫn hoạt động được khi điện thoại đã tắt, và bạn cần bấm để khởi động điện thoại.

Tất nhiên, khi nhắc đến các nút bấm ảo, có một vài cơ chế khác có thể sử dụng được. Cảm biến của UltraSense nhỏ hơn và dễ cân chỉnh hơn so với cơ chế đo sức căng - theo lời Goehl. Một cơ chế phổ biến khác là các cảm biến điện dung, nhưng chúng lại không hoạt động với găng tay hay dưới các bề mặt như gỗ hoặc kim loại.

Xe hơi và tủ lạnh cũng dùng được

UltraSense bắt đầu với điện thoại, nhưng các đồ điện tử gia dụng khác cũng sử dụng cảm biến TouchPoint sẽ sớm xuất hiện trong năm 2021 - Goehl tiết lộ. Các cảm biến này hoạt động với nhiều loại vật liệu khác nhau, bao gồm kim loại, gỗ, nhựa, da và gương, và hoạt động xuyên các bề mặt có độ dày đáng kể.

Tiếp đó là xe hơi, và các trang thiết bị y tế. Không ai thích vi khuẩn bám lên các nút vặn xoay hay các máy theo dõi nhịp tim cả, và các cảm biến của UltraSense có thể được đặt bên dưới các bề mặt láng, dễ lau chùi.

Công ty còn kỳ vọng cảm biến TouchPoint sẽ hoạt động với cử chỉ. Một tập hợp các nút bấm sẽ có thể phát hiện các thao tác vuốt, và một dãy 5 nút có thể được dùng như một bàn điều hướng. Công ty còn đang nghiên cứu nhiều cải tiến khác để ứng dụng cảm biến này vào trackpad cho PC, có thể tích hợp vào bộ khung thùng máy.

Tham khảo: CNET

CN

Tin mới